Tam quốc diễn nghĩa: Vì sao Tào Tháo lại giết hại hai nhân tài kiệt xuất dưới trướng của mình?
Một người luôn coi trọng nhân tài như Tào Tháo lại từng xuống tay với hai nhân tài kiệt xuất dưới trướng của mình, ắt hẳn phải có nguyên do của nó.
Chu Bất Nghi
Sử sách Trung Quốc không ghi chép nhiều về Chu Bất Nghi, một phần vì ông cũng không có nhiều đóng góp cho đến khi bị sát hại năm 17 tuổi.
Chu Bất Nghi tự là Nguyên Trực, người Linh Lăng (thuộc Hồ Nam sau này), xuất thân là cháu của Biệt giá Lưu Tiên dưới trướng Lưu Biểu.
Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, thiếu niên họ Chu từ sớm đã bộc lộ tài trí hơn người. Sau này, ông được người cậu Lưu Tiên gửi gắm cho danh sĩ Lưu Ba - bậc kỳ tài mà ngay tới Gia Cát Lượng còn phải thú nhận “tự thẹn không bằng”.
Nhờ tài năng cùng xuất thân của mình, danh tiếng của Chu Bất Nghi đã nhanh chóng tới tai vị quân chủ họ Tào.
Tương truyền rằng, Tào Tháo còn đánh giá thiếu niên họ Chu thông minh chẳng kém người con thần đồng của mình là Tào Xung.
Vì vậy, ông không ngại tạo điều kiện cho Chu Bất Nghi cùng Tào Xung trở thành bằng hữu. Mối quan hệ tốt giữa hai người càng khiến Tào Tháo quý mến Bất Nghi.
Các học giả Trung Quốc nhận định, Tào Tháo khi đó đã ngầm lựa chọn Tào Xung là người kế tục, nối tiếp sự nghiệp của mình và phụ giúp cho con trai không ai khác, chính là Chu Bất Nghi.
Khi Tào Tháo bế tắc trong việc tấn công Liễu Thành năm 206, Chu Bất Nghi (14 tuổi), hiến lên 10 kế, ngay lập tức giúp Tào Ngụy vượt trở ngại. Vị thế của Chu Bất Nghi từ đó ngày càng được củng cố.
Tuy nhiên, điều khiến Tào Tháo không hài lòng là việc Chu Bất Nghi từ chối lấy con gái mình. Sử sách chép rằng, Tào Tháo đã phải “mở to mắt” khi nghe tin Chu Bất Nghi từ chối mối hôn sự này.
Nhưng Tào Tháo cũng ngậm ngùi cho qua chuyện vì ông biết Chu Bất Nghi là người tài, cũng như mối quan hệ thân tình với con trai Tào Xung.
Cuộc đời Chu Bất Nghi rẽ sang hướng khác khi Tào Xung lâm trọng bệnh, qua đời khi mới 12 tuổi vào năm 208. Cái chết của Tào Xung là điều khiến Tào Tháo hết sức đau lòng. Bởi ông đã ngầm chọn Tào Xung là người tiếp nối cơ nghiệp.
Chu Bất Nghi đang là thiên tài trong mắt Tào Tháo nhưng nhanh chóng trở thành “cái gai trong mắt” sau khi Tào Xung mất. Thần đồng 17 tuổi từng dám cãi lệnh Tào Tháo hiển nhiên không còn chốn dung thân.
Chu Bất Nghi dù chưa lập nhiều công trạng nhưng có sử gia Trung Quốc còn so sánh thần đồng 17 tuổi với Tư Mã Ý.
Khi Tào Tháo quyết định lên kế hoạch trừ khử Chu Bất Nghi, Tào Phi biết tin vội ngăn cản phụ vương. Bấy giờ, ông chỉ nói: “Kẻ này vốn không phải người mà con có thể khống chế”.
Tào Phi lúc đó mới hiểu ra ý đồ của Ngụy vương. Ông cũng nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng của một thiên tài nhưng không nghe lời như Chu Bất Nghi.
Năm 209, Tào Tháo phái thích khách ám sát Chu Bất Nghi, đánh dấu chấm hết cho nhân tài yểu mệnh thời Tam quốc.
Lý do Tào Tháo phải bí mật ra lệnh sát hại Chu Bất Nghi là bởi kỳ nhân 17 tuổi chưa hề làm quan mà danh tiếng vang dội, khiến Tào Tháo không có lý do để “đường đường chính chính” triệt hạ.
Ngẫm lại, ngay cả nhân tài “bất kham” như Tư Mã Ý vẫn được Tào Tháo lưu lại một con đường sống, nhưng Chu Bất Nghi lại chỉ có kết cục bị giết. Nếu bậc kỳ tài như vậy còn sống trên đời, Tào Tháo e rằng ngay cả ngủ cũng không yên.
Dương Tu
Dương Tu (175 - 219), tự Đức Tổ, là người Hoằng Nông, Hoa Âm (nay là Hoa Âm, Thiểm Tây), là người có tài, xuất thân cao môn sĩ tộc lại có tiếng học rộng hiểu sâu, ông từ vị Hiếu liêm dần dần làm đến chức Chủ bộ, là thủ hạ dưới trướng Tào Tháo khi ấy đang là Thừa tướng. Quyền cao chức trọng, hằng ngày Tào Tháo bận nhiều việc, hầu hết các việc trong ngoài của phủ đều do Dương Tu nắm giữ. Có thể nói, Dương Tu khi ấy là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất triều đình.
Ông có mối giao hảo tốt với Tào Thực, con trai thứ tư của Tào Tháo và quyết định trở thành mưu sĩ theo phò cho Tào Thực trong cuộc chiến giành ngôi vị Thế tử giữa Tào Thực và Tào Phi.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, nhờ tài năng xuất trúng của mình Dương Tu trở thành một nhân vật đầy quyền thế đồng thời nhận nhiều sự căm ghét của các nhân vật lớn lúc bấy giờ, trong đó có Tào Tháo. Tất cả đều xuất phát từ sự nhanh trí và giỏi luận chữ Hán của Dương Tu. Không rõ là vì cái tôi của mình hay vì không ưa Tào Tháo mà Dương Tu thường hay tạo ác cảm với Tào Tháo bằng những việc nhỏ.
Một lần Tào Tháo sau khi đi thăm vườn cảnh của phủ mới được xây, lấy bút viết lên cổng chữ "hoạt", Dương Tu trông thấy bèn sai thợ phá cái cổng để làm nhỏ hơn. Có người hỏi thì Dương Tu mới nói là làm theo lệnh Tháo, rồi chỉ ra chữ "hoạt" mà Tào Tháo viết nằm trong chữ "môn" thì thành ra chữ "khoát", có thể hiểu ra là "rộng quá", nên cho phá đi làm lại. Tào Tháo ngoài mặt hài lòng nhưng lại rất không vui vì bị Dương Tu đọc được suy nghĩ của mình.
Tương tự trong một lần ngoài biên ải có người gửi cho Tào Tháo một hộp bơ, Tào Tháo viết lên đó mấy chữ “Nhất hợp tô” (Một hộp bơ) rồi để ở bàn. Dương Tu thấy thế liền lấy ra đem chia cho mỗi người một miếng. Khi bị tra hỏi, Dương Tu nói chiết tự “Nhất hợp tô” là “Nhất nhân nhất khẩu tô” (Mỗi người một miếng bơ).
Một lần khác ở nhà Thái Diễm thấy Thái Ấp viết 8 chữ lên mặt sau bia mộ Tào Nga: “Hoàng quyên ấu phụ, ngoại tôn tê cữu”. Tất cả mọi người, kể cả Tào Tháo đều không hiểu, duy nhất Dương Tu chiết tự ra là: “Tuyệt diệu hảo từ” (Từ ngữ hay tuyệt diệu).
Đặc biệt có lần Tào Tháo muốn đánh giá tài năng hai con trai, ông lệnh cho hai con ra khỏi Nghiệp thành, một mặt lại bí mật lệnh cho lính giữ cổng thành không cho ra. Kết quả Tào Phi bị chặn lại không ra được, còn Tào Thực giết lính giữ cổng thành để ra. Tào Tháo cho rằng Tào Thực có tài năng hơn. Nhưng thực ra đây là kế Dương Tu bày cho Tào Thực.
Qua những câu chuyện trên có thể thấy phản ứng châm chọc của Dương Tu đối với Tào Tháo. Có lẽ, Tào Tháo cũng nhận ra rằng Dương Tu cũng giống cha mình, không bao giờ ủng hộ Tào Tháo lấn át Thiên tử, nhưng cách phản đối của Dương Tu thâm thúy hơn chứ không thẳng thừng như Dương Bưu.
Trong một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Thời gian trôi qua, không thay đổi được tình hình chiến trường đâm ra chán chường, có ý muốn rút nhưng lại ngại xấu hổ trước ba quân, quần thần. Buổi tối, tướng Hạ Hầu Đôn vào trướng xin khẩu lệnh ban đêm cho doanh trại, Tào Tháo ngần ngừ một lúc rồi nói: "Kê lặc" (gân gà). Hạ Hầu Đôn thấy khẩu lệnh này lạ lùng quá bèn thắc mắc đem hỏi Dương Tu.
Dương Tu cười lớn rồi bảo Hạ Hầu Đôn chuẩn bị gói ghém đồ đạc, kẻo nội trong 3 ngày nữa Tào Tháo sẽ hạ lệnh rút quân. Dương Tu giải thích rằng khẩu lệnh "gân gà" nói lên tâm trạng của Tào Tháo, vừa muốn rút quân, vừa không muốn bỏ như gân gà, ăn thì không có thịt, bỏ đi thì thấy tiếc. Quả nhiên, Tào Tháo ra lệnh hồi kinh. Việc Dương Tu đoán được ý đến tai Tào Tháo, khiến Tào Tháo rất tức giận và muốn tìm cơ hội giết Dương Tu.
Năm Kiến An thứ 24 (219), mùa thu, Dương Tu cùng Tào Thực say rượu đi qua Tư Mã môn, do say sưa mà hạ nhục bộ hạ của Tào Chương. Việc trình lên, Tào Tháo mượn cớ Dương Tu tự cao tự đại, để lộ quân cơ, ra lệnh xử tử Dương Tu.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, cái chết của Dương Tu lại nhanh hơn một chút. Sau khi Dương Tu giải được ý tứ "Kê lặc" của Tào Tháo, việc truyền đến tai Tào Tháo khiến Tào Tháo tức giận nên lấy cớ là Dương Tu phao tin làm loạn lòng quân, đem ra chém đầu.
Tội danh làm rối loạn lòng quân chỉ là giọt nước tràn ly, thực tế cái chết của Dương Tu là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Dương Tu cậy tài, khoe tài, luôn muốn thể hiện mình hơn người, giỏi giang, với mục đích muốn được ban quan tước cao hơn, vì nghĩ mình xứng được như thế. Ỷ tài khoe tài là đại kỵ trong thuật xử thế.
Thứ hai, Dương Tu có tài nhưng không dùng vào việc giúp thượng cấp giải quyết công việc quân sự, quân vụ chiến trường, quản lý bách tính, nội vụ… mà chuyên dùng để tỏ ra mình hơn người, hơn Tào Tháo, và bóc trần các mưu kế, ý tưởng của Tào Tháo, mà “kê lặc” chỉ là giọt nước tràn ly. Dùng tài để phá mưu kế thượng cấp là đại kỵ.
Thứ ba, Dương Tu dùng tài của mình can thiệp vào kết quả đánh giá tài năng hai con trai của Tào Tháo, vốn là việc nội bộ gia đình, và là việc quan trọng để lựa chọn người kế nghiệp. Đây cũng là đại kỵ trong chốn quan trường.
Thứ tư, Dương Tu tuy có tài nhưng chưa lập được công tích gì, cũng chưa giúp thượng cấp được mưu kế hay gì để giành thắng lợi. Quân sỹ chiến đấu, chưa có lệnh của tổng chỉ huy, đã lệnh cho binh sỹ gói hành lý chuẩn bị rút quân, thì làm gì còn tinh thần chiến đấu? Nếu lúc đó quân địch đánh tới, ắt bại. Riêng tội danh làm mất sỹ khí quân đội cũng đủ xử trảm rồi.
Cậy tài, khoe tài, ngạo mạn sẽ tự đem đến tai họa cho bản thân, ngay cả người yêu quý trân trọng nhân tài, có tấm lòng khoan dung như Tào Tháo cũng không dung nhẫn nổi, huống hồ người thường.