Tầm soát tim mạch - đừng chần chừ!

Hiện nay, một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở nước ta là bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ và ung thư. Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 200 ngàn người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số người tử vong do ung thư và gấp 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Bệnh tim mạch thường diễn biến âm thầm, đa số người bệnh phát hiện khi các dấu hiệu bệnh đã nặng. Trong đó, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não là 2 bệnh thường gặp và có nhiều người mắc nhất. Để hạn chế bệnh tim mạch, ngoài thay đổi thói quen xấu thì thực hiện việc tầm soát bệnh chính là cách hữu hiệu nhất để phát hiện bệnh và có phác đồ điều trị kịp thời.

Tim mạch - bệnh của cuộc sống hiện đại

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm trên thế giới có 17,9 triệu người tử vong do bệnh tim mạch. Các bệnh thường gặp ở tim, như: động mạch vành, viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim… Còn theo thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành trong độ tuổi từ 18-65 chiếm 25%, như vậy cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. Trong khi đó, bệnh tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh. Nếu như trước đây, bệnh tim mạch thường gặp ở người lớn tuổi thì hiện nay, bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Ở lứa trẻ, người mắc bệnh thường trong độ tuổi từ 25-40, bởi những lý do như: Lạm dụng rượu, bia; hút thuốc (chủ động lẫn thụ động); ít vận động, thừa cân, có tiền sử mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, thức khuya, căng thẳng, áp lực tâm lý…

Bác sĩ đang thực hiện tầm soát tim mạch cho bệnh nhân tại Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh

Bác sĩ đang thực hiện tầm soát tim mạch cho bệnh nhân tại Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh

Tim là bộ phận quan trọng bậc nhất trong cơ thể con người, nhưng đôi khi vì sự chủ quan mà mỗi người không biết tim đang chịu tổn thương một cách âm thầm. Anh Trần Thanh Nam ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành (43 tuổi), cho biết: Tôi không bị bệnh tim bẩm sinh, chỉ mắc bệnh do thói quen của cuộc sống. Khi mắc bệnh này, dù chưa nặng nhưng tôi thấy rất khó chịu, mỗi khi lên cơn đau, mồ hôi toát ra khắp người, cảm giác như không thể thở. Để giảm cơn đau, tôi phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Cùng quan điểm đó, ông Trần Đình Liên ở thị trấn Tân Phú (huyện Đồng Phú) chia sẻ: “Mỗi lần lên cơn nhồi máu, trong người tôi phát nóng, phát cuồng, vì mệt nên tôi cũng khó chịu luôn với các thành viên trong gia đình. Để giảm cơn đau, tôi bắt buộc phải thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, đỡ được lúc nào hay lúc ấy”.

Chủ động để trái tim khỏe

Các triệu chứng của bệnh tim mạch thường không đặc trưng và rất khó nhận thấy ở giai đoạn đầu, cho đến khi dấu hiệu trở nên rõ ràng thì bệnh đã bước sang giai đoạn nguy hiểm. Lúc này việc điều trị đã trở nên phức tạp và mang nhiều rủi ro. Do đó, tầm soát sớm bệnh vẫn là cách kiểm soát hiệu quả nhất đối với các bệnh lý tim mạch. Bởi thông qua tầm soát sẽ giúp bác sĩ nhận diện được các yếu tố nguy cơ như rối loạn nhịp tim, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp…; đồng thời có thể phát hiện sớm bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh lý cơ tim cho bệnh nhân.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Văn, Phó chủ tịch Hội Nhịp tim học TP. Hồ Chí Minh tư vấn kết quả siêu âm tim cho bệnh nhân tại Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Văn, Phó chủ tịch Hội Nhịp tim học TP. Hồ Chí Minh tư vấn kết quả siêu âm tim cho bệnh nhân tại Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Văn, Phó chủ tịch Hội Nhịp tim học TP. Hồ Chí Minh thông tin: Bất kỳ ai cũng nên chủ động tầm soát các bệnh lý về tim mạch. Đặc biệt, đối với những nhóm nguy cơ cao như: người mắc bệnh lý di truyền trong gia đình, người dư cân, hút thuốc lá, người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, những người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa… thì cần kiểm tra và tầm soát để có những đánh giá, phát hiện kịp thời các bệnh lý tim mạch sớm. Nên tầm soát 2 lần/năm để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả nhất.

Mục tiêu của y học là phòng bệnh hơn chữa bệnh, đặc biệt là đối với bệnh lý tim mạch. Ngoài các trường hợp bẩm sinh, để phòng bệnh, việc thay đổi lối sống là yếu tố đầu tiên. Đó là xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm các chất béo xấu, giảm muối… khi đưa vào cơ thể. Ngoài ăn uống cần kết hợp tập thể dục thể thao với các bài tập đơn giản, duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế uống bia, rượu…

Tiến sĩ, bác sĩ PHẠM HỮU VĂN, Phó chủ tịch Hội Nhịp tim học TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, y học ngày càng hiện đại, tùy mức độ bệnh mà bệnh nhân sẽ được áp dụng những phương pháp tầm soát tim mạch khác nhau. Trong đó, đơn giản nhất là khám lâm sàng để tìm hiểu tiền sử gia đình, đánh giá thể trạng, cân nặng, đo chiều cao, tính chỉ số khối cơ thể, huyết áp… Đối với phương pháp chẩn đoán hình ảnh, đó có thể là điện tâm đồ, siêu âm tim để phát hiện những bất thường về cấu trúc và chức năng của tim; chụp X-quang tim, phổi để phát hiện những bất thường về hình thái học. Trong tầm soát tim mạch, người ta cũng có thể khảo sát được bệnh lý mạch vành bằng chụp cắt lớp điện toán, giá trị xấp xỉ với chụp mạch vành bằng phương pháp đưa ống thông vào trong tim; những cái vi mạch dán vào người bệnh nhân trong khoảng thời gian nhất định để theo dõi diễn biến của các cơn loạn nhịp… Ngoài ra, trong tầm soát tim mạch, việc thực hiện các xét nghiệm về công thức máu, đường huyết, mỡ máu, axit uric… cũng cho những kết quả để có phác đồ điều trị các dấu hiệu sớm của bệnh tim một cách tốt nhất.

Ngày Tim mạch thế giới (29-9) năm nay có chủ đề: “Lan tỏa nhịp đập yêu thương - Vì những trái tim khỏe mạnh” một lần nữa kêu gọi sự chú ý của cộng đồng, tất cả mọi người về tầm quan trọng của sức khỏe tim mạch. Thông qua chủ đề này, mọi người cùng nhìn lại sức khỏe của mình, lắng nghe nhịp đập trái tim để hiểu trái tim và quan tâm hơn đến sức khỏe tim mạch của mình.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/137338/tam-soat-tim-mach-dung-chan-chu