Tâm sự của hai chị em song sinh người Huế làm giảng viên tại Mỹ và Việt Nam
Thường thì trong nội dung một bài viết các bạn sẽ nghe lời tự sự của một nhân vật, nhưng riêng hôm nay, ngày 20/11/2021, các bạn sẽ có dịp làm quen với hai nhân vật đặc biệt là hai chị em song sinh người Huế là Trương Khánh Hằng và Trương Khánh Mỹ, 2 chị em từng đạt danh hiệu thủ khoa và tốt nghiệp bằng thạc sĩ loại xuất sắc, hiện đang cùng là giảng viên tại Mỹ và Việt Nam.
Chúng tôi là hai chị em song sinh Trương Khánh Hằng và Trương Khánh Mỹ và cũng là chị ruột của cô bé Trương Anh Thư (tháng 7/2020 cũng đã có dịp được chuyên trang Sinh Viên Việt Nam giới thiệu là gương mặt sinh viên tiêu biểu toàn quốc với tựa đề “Sao tháng giêng tôi - Sao của niềm đam mê”).
3 chị em
Ba tôi, tôi, và em song sinh của tôi là giảng viên đại học. Chồng tôi và mẹ tôi là giáo viên cấp 3 và cấp 2. Còn cô em út cũng đang làm gia sư ở Huế và cũng đang phấn đấu để sẽ có cùng một tên gọi như tất cả mọi người trong gia đình của mình.
Cả ba chị em chúng tôi đều theo học ngành ngôn ngữ Anh. Chúng tôi yêu và chắc chắn sẽ gắn bó với ngôn ngữ thứ hai này như cái nghiệp đến suốt cuộc đời.
Chúng tôi đã và đang có một thanh xuân thật đẹp. Bởi chúng tôi đã làm được điều mình yêu thích là sống vì ước mơ, nỗ lực và cố gắng để biến cái ước mơ đó thành hiện thực như ý cho bản thân mình. Chúng tôi lớn lên bằng chính sự ưu ái, tôn trọng sở thích ước mơ của con từ ba mẹ chúng tôi. Ba mẹ chúng tôi đã và đang dìu dắt chúng tôi đi trên con đường họ đã chọn. Con đường của tri thức hiện đại, văn minh cộng với kinh nghiệm của chính ba mẹ chúng tôi đã và đang đi qua.
3 mẹ con
Năm 2010 như dấu son hồng tô lên hành trình thanh xuân của hai cô gái Huế ỏn ẻn chúng tôi. Tôi được thủ khoa khối D1 toàn Đại học Huế. Năm 2015 em tôi thủ khoa tốt nghiệp toàn khóa của trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Huế. Thú vị là hai chúng tôi đều cùng học cùng chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Rồi chúng tôi được Học bổng toàn phần. Tôi là sinh viên ở Đại học Budapest, Hungary. Em tôi học ở trường Đại học Ngoại ngữ Huế và tiếp tục nhận được học bổng toàn phần khóa ngắn hạn ở đại học Upsala,Thụy Điển.
Trương Khánh Hằng
Trương Khánh Mỹ
Chúng tôi- “Đôi bạn cùng tiến” như lời bạn bè gán cho chúng tôi, ngay từ khi hai đứa cùng nhận giải 3 toàn tỉnh môn Tiếng Anh ở trường Phổ thông chuyên Quốc học Huế. Năm 2018, hai chúng tôi lại cùng nhận tiếp học bổng toàn phần để rồi cùng nhận được hai tấm bằng thạc sĩ loại xuất sắc. Tôi nhận ở Bern University, Thụy sĩ và em tôi ở Đại Học Wesmingter, London, Anh.
Tháng 7/2018, tôi sang Mỹ định cư cùng gia đình nhỏ, và rồi Wesbers State University, Utah, USA đã dành cho tôi một chỗ đứng, một tên gọi trên giảng đường: Giảng viên đại học. Ở Mỹ, một đất nước, một môi trường không đơn giản chút nào khi muốn tìm cho mình một công việc thích hợp, như ý. Điều này là một thử thách quá lớn với tôi. Những tháng đầu khi đến Mỹ, tôi chấp nhận làm thêm các công việc chân tay, ngoài chuyên môn của mình để trải nghiệm và tự thử thách chính bản thân tôi. Nói theo cách của người trẻ chúng ta thường dùng là trải nghiệm. Đây có lẽ là lần vượt vũ môn ấn tượng nhất của chị em tôi.
Tôi tự nhủ cố lên tôi ơi, ước mơ vẫn là mơ ước khi bản thân không biết tự nỗ lực. Như việc rải đơn xin học bổng trước đây, rải nhiều đơn, nhiều trường và ... chờ đợi thì lần này cũng vậy. Ba chị em tôi thường đùa với nhau: Công cuộc “rải thính” bắt đầu. Tôi rải đơn xin việc khắp nơi và cũng chờ đợi. Và rồi điều tôi mơ ước đã thành sự thực. Wesber State University Utah, USA đã cho tôi một chỗ đứng trên bục giảng. Tôi đã trở thành cô giáo trên giảng đường đại học Mĩ. Để hôm nay tội tự hào mà nói với gia đình rằng ít nhất chị đại cũng là một ảnh hình lung linh cho hai em soi vào nhé.
Còn cô em tôi cũng trở thành “cô giáo điệu”, như sinh viên thường gọi vui cô giáo của khoa tiếng Anh trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế. Một điều thú vị nữa mà như tiêu đề tôi đã viết, cô em tôi và tôi, mới đây, tháng 8/2020, hai chúng tội đã gặp nhau ở xứ sở cờ hoa, khi em tôi lại có thêm một học bổng toàn phần Fullbright ở Mỹ gần một năm.
Một sự trùng hợp như sắp đặt trước giống sự ra đời của hai chị em chúng tôi. Bao nhiêu giải thưởng, danh hiệu, bằng cấp và những nơi chúng tôi đã đi qua để học tập đều bằng nhau, giống nhau. Song bạn bè tôi nói đùa liệu có là sự trùng hợp ngẫu nhiên không hay đằng sau nụ cười của ba mẹ, người thân, thầy cô bạn bè hôm nay là sự cố gắng nổ lực rất nhiều của bản thân chúng tôi.
Ở bậc đại học và sau đại học, dù mỗi người được đào tạo với hình thức môi trường có thể khác nhau, nhưng chúng tôi đều được học và sinh hoạt trong tình thương và sự động viên của ba mẹ, người thân và nhất là đội ngũ thầy cô giỏi, dày dặn kinh nghiệm. Dù học ở đâu, điều kiện như thế nào thì sự tân tâm của thầy cô là điều quý giá và đáng trân trọng nhất đấy các bạn ạ.
Câu thành ngữ “Trọng thầy mới được làm Thầy” quá hay và ý nghĩa. Chúng tôi luôn được thầy cô ở đất nước mình yêu thương dạy dỗ rồi thầy cô ở nước ngoài ưu ái, tạo mọi điều kiện để được tiếp cận với những kiến thức mới mẻ, văn minh… Hình ảnh những thầy cô giáo già vẫn chăm chút cẩn thận sửa cho chúng tôi từng trang từng ý… Thật cảm kích! Bên cạnh đó, cái quan trọng nhất chúng tôi muốn chia sẻ với mọi người là sự tự học, tự tìm tòi. Đây là yếu tố thiết yếu của mỗi người chúng ta trên con đường học vấn, nhất là với những du học sinh.
Hôm nay trong không khí của ngày nhà giáo Việt Nam, cả nhà tôi đều có cùng một cái tên thật đẹp thật tự hào. Giáo viên. Riêng tôi, dù hôm nay 20/11, không đươc như ba mẹ, và hai em gái tôi hạnh phúc trong hoa và lời chúc, nhưng ' gia đình nhỏ giáo viên ' của tôi ở đây, nửa vòng trái đất cũng cảm nhận cái ấm áp này. Bởi khi ta yêu nhìn đâu cũng thấy nụ cười, nhìn đâu cũng thấy mùa xuân. Tôi yêu cái tên tôi đang mang, tôi yêu hai từ Cô giáo.
Kính chúc quý thầy cô giáo của chúng em ở mọi miền và đặc biệt ba mẹ hai người thầy đầu tiên của chúng con một mùa hiến chương bình yên, hạnh phúc.
Và không quên chúc các bạn đã và đang nghe tâm sự này một lời chúc thật trẻ trung nè các bạn. Không có gì là không thể khi ta biết sống và làm việc vì ước mơ đẹp của bản thân ta.