Tâm sự của thanh niên tự hủy hoại tương lai vì a dua theo chúng bạn

A dua theo chúng bạn trong những cuộc nhậu nhẹt, chơi bời, Giàng A Bình, SN 1994, trú tại xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) không ngờ trở thành một mắt xích trong đường dây buôn người để rồi chỉ biết ân hận khi bị tuyên phạt 22 năm tù về hai tội Mua bán người và Mua bán trẻ em.

Nước da nâu khỏe mạnh, thoạt trông chẳng ai bảo Giàng A Bình là người dân tộc, sinh ra ở vùng núi cao quanh năm thiếu nước. Vậy mà Bình lại là người dân tộc Mông, trình độ văn hóa chưa hết THCS.

Phạm tội vì a dua?

Là con thứ ba nhưng lại là con trai duy nhất trong gia đình, Giàng A Bình sớm nhận được sự yêu chiều của bố mẹ nên không phải đi nương, đi rẫy như các chị, các em. Đến tuổi đi học, Bình được cắp sách tới trường nhưng vì ham chơi hơn ham học nên đang học lớp 7 thì Bình bỏ. Hỏi có phải vì chán học hay học không vào, Bình tỉnh khô: “Trường học xa nhà, ở lại trường thì nhớ nhà mà ngày ngày đi bộ thì mỏi chân, đã thế lại còn nhiều bài tập phải làm nên nghỉ”.

Hỏi về các chị em trong nhà có ai học cao hơn Bình không, anh ta cười hì hì: “Chỉ có em là học cao nhất còn mọi người dù có thích đi học thì cũng chỉ hết lớp 5 là phải ở nhà”.

Vốn được yêu chiều nên việc Bình đi học hay nghỉ cũng không bị bố mẹ làm khó dễ. Với họ, chuyện học hành không quan trọng lắm bằng việc có sức khỏe để sau này đi làm và lấy vợ. Bình bảo nhà anh ta có 6 chị em nhưng mỗi mình anh ta là con trai nên dù có đi chơi thì mọi việc ở nhà đã có bố mẹ và các chị em gái làm đỡ. Thường xuyên đi chơi nên Bình kết giao với một số thanh niên trong huyện, la cà nhậu nhẹt. Thi thoảng cả nhóm còn hứng khởi lén qua biên giới đi chợ để tán gái và uống rượu, từ đó mà được đặt vấn đề đưa người qua biên giới cho một dịch vụ mai mối lấy chồng nước ngoài.

“Họ bảo với chúng tôi là bên đó đang thiếu phụ nữ làm vợ, nếu chúng tôi đưa được người sang thì được trả công 10 triệu đồng”, Bình kể. Anh ta bảo đã chứng kiến nhiều phụ nữ trong xã bỏ qua biên giới lấy chồng nên cho rằng việc làm của mình không vi phạm pháp luật. “Có nhiều người chán chồng thì bỏ qua bên đó sống mà. Nhiều cô chồng chết, con nhỏ không ai lấy thì tôi giúp họ có chồng thôi”, Bình lý sự.

Theo bản án, ngày 28-6-2014, khi Giàng A Bình đang đưa hai phụ nữ Giàng Thị Mỷ, SN 1968 và Thào Thị Cho, SN 1994 cùng trú tại bản Huổi Bon 1, xã Pa Ham, Mường Chà (Điện Biên) qua biên giới thì bị tổ công tác đồn biên phòng Pa Ham và CA xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà phát hiện bắt giữ. Sau khi bị bắt, Bình khai nhận trước đó đã bán 3 cô gái trong đó có hai người vẫn đang tuổi vị thành niên cho một đối tượng tên là Sùng Thị Hà và được Hà trả công 35 triệu đồng.

Ngoài số bị hại trên, Giàng A Bình còn cùng nhóm bạn lừa 5 cô gái nữa đều là người sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đưa qua biên giới bán cho Sùng Thị Hà. Số tiền bất chính thu được, Bình và nhóm bạn sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.

Phạm nhân Giàng A Bình (đội mũ) cùng các phạm nhân đang lao động ở xưởng may trại giam Ninh Khánh.

Phạm nhân Giàng A Bình (đội mũ) cùng các phạm nhân đang lao động ở xưởng may trại giam Ninh Khánh.

Nghĩ đến cha mẹ là chảy nước mắt

“Vào đây rồi em mới thấy thương bố mẹ và thấm thía với những việc mình đã làm. Mẹ vẫn thường bảo em đừng vội tin người lạ, nhất là khi người ta đối xử tốt với mình. Ngày đó nghe mẹ nói thế, em đã cho rằng mẹ cổ hủ, lạc hậu, giờ nghĩ lại mới thấy mẹ nói quá đúng”, Bình tâm sự.

Nói đến số tiền kiếm được đã tiêu xài uổng phí, nam phạm nhân này cười ngượng ngập: “Đồng tiền làm ra không phải bằng sức lao động thì ra đi cũng nhanh như khi đến”. Hôm bị bắt, trong chiếc ví màu vàng của Bình, ngoài giấy tờ tùy thân chỉ có vài chục ngàn tiền lẻ và một sợi dây chuyền bằng bạc.

Do nhà xa nên thời gian còn ở trại tạm giam, thi thoảng Bình mới được bố mẹ xuống thăm. Nhưng từ khi Bình về trại giam Ninh Khánh cải tạo, hai người anh rể thay phiên nhau vài tháng xuống thăm chứ bố mẹ Bình không xuống nữa. Qua hai người anh rể, Bình nắm bắt được thông tin về bố mẹ và mọi người trong gia đình. Bình bảo bây giờ anh ta đã lên chức cậu và có 4 đứa cháu. Một em gái Bình mới lấy chồng năm ngoái và trong nhà hiện chỉ còn cô em út là chưa lập gia đình.

Về trại giam Ninh Khánh cải tạo ở đội may mặc, công việc của Bình là chần các miếng vải để tạo thành những chiếc găng tay lao động. Bình bảo ở đây làm theo dây chuyền nên mỗi người một việc. Bình làm ở công đoạn đầu nên khá đơn giản, chỉ cần đường may mũi chỉ ngay ngắn là được. Công đoạn ghép các tấm với nhau là khó nhất do những phạm nhân lành nghề đảm nhiệm. “Ngày đầu ngồi làm cũng thấy khó chịu vì cảm giác tù túng nhưng mãi rồi cũng quen. Giờ mà cho đi làm ở đội chăn nuôi hay đội trồng rau là em không làm được. Sau này ra trại, em sẽ về nhà làm ruộng còn không thì sẽ xin đi làm công nhân cho nhà máy may nào đấy”, Bình tâm sự.

Hỏi Bình có lúc nào cảm giác ân hận với những nạn nhân đã bị mình bán đi, anh ta vò đầu bứt tai, nét mặt đầy vẻ sượng sùng: “Lúc đầu thì không nghĩ đâu nhưng nghe cán bộ giảng giải thì thấy mình có lỗi”.

Bình bảo nhớ nhà nhất là lúc chập choạng tối, khi mà ánh hoàng hôn đang bị màn đêm thu hẹp, thẫm dần trên các ngọn cây còn những rặng núi đá quanh trại bắt đầu phủ lớp khói mỏng. Bình bảo những khi ấy thấy cảnh vật xung quanh thật giống với cảnh tượng quê nhà, nhất là tiếng chim kêu gọi bầy. “Chiều ở quê em vui lắm. Chạng vạng tối là tiếng mõ trâu công cốc đánh nhịp về chuồng rồi tiếng lợn gà, tiếng chim kêu. Mùi khói bếp tỏa ra từ các nhà bay lên, quyện vào sương núi. Ở trại ăn cơm sớm, em cũng chưa khi nào nhìn thấy khói bếp nên nhớ mùi cơm bếp củi lắm”, Bình bộc bạch.

Về trại giam Ninh Khánh cải tạo từ tháng 3-2015, Bình đã 5 lần đón Tết ở đây. Anh ta kể, những lần đón Tết trong trại giam mà lòng buồn rười rượi vì nhớ nhà. Đồ ăn thì có đủ bánh chưng, giò và bánh kẹo cùng nhiều trò chơi, văn nghệ thể thao nhưng trong lòng chỉ ước ao Tết được gặp người thân. Anh ta bảo nhớ hương vị núi rừng, nhớ mùi khen khét của miếng thịt gác bếp và nhớ cả những bữa rượu chay ở chợ với các cô gái trẻ.

Và dường như dòng hồi tưởng về quê nhà khiến Bình trở nên day dứt. Anh ta bảo giá như có một chút kiến thức về pháp luật hoặc suy nghĩ chín chắn hơn trước khi làm thì giờ này đâu phải ngồi đây mà ân hận, tiếc nuối.

Nghe Bình nói thế, chúng tôi chỉ còn biết chúc anh ta cố gắng cải tạo tốt. Bình bảo thời gian ở trại còn rất dài và mỗi khi nghĩ đến lại vô cùng ân hận vì đã đánh mất quãng thời thanh xuân tươi đẹp nhất của mình. Bình bảo có cố gắng thì cũng phải hơn chục năm mới được ra tù, đến lúc đó thì “tuổi cũng nhiều mà cái chân thì chắc cũng lười đi rồi” như lời anh ta nói. Có lẽ trong lòng nam phạm nhân này chắc chắn là ân hận lắm lắm.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tam-su-cua-thanh-nien-tu-huy-hoai-tuong-lai-vi-a-dua-theo-chung-ban-179446.html