Tâm thư của người hành quyết tử tù Nhật Bản
Một cai ngục về hưu đã viết 12 trang thư gửi cho tờ báo Nhật Bản, chia sẻ về những ngày tháng cuối đời của tử tù, cũng như tâm trạng của một người thi hành án tử hình.
Ngày 14/11, tờ Asahi Shimbun đăng tải tâm thư của một cai ngục về hưu 89 tuổi, sống ở vùng Kanto, Nhật Bản. Người đàn ông không được tiết lộ danh tính chia sẻ về những ngày tháng đau khổ, dằn vặt khi phải đối mặt với tử tù những ngày cuối đời.
Một ngày đâu đó trong khoảng 1975-1977, người cai ngục ở nhà tù Osaka được trưởng trại giam nói nhỏ về việc ngày hành quyết của một tù nhân đã được ấn định.
“Tôi cứ ngỡ mình đã sẵn sàng cho một ngày như vậy. Nhưng thực tế, tôi bắt đầu trở nên căng thẳng. Trong phút chốc, tôi cảm thấy cơn rùng mình chạy dọc qua sống lưng”, cựu cai ngục viết trong bức thư dài 12 trang.
Trong thời gian ông làm việc tại nhà tù Osaka, 3 tù nhân bị kết tội giết người, cướp của khác nhau đã bị xử tử. Khoảng 5 ngày trước ngày hành quyết, cựu cai ngục - người tham gia thi hành án - sẽ nhận được lệnh thi hành án tử hình từ Bộ trưởng Tư pháp.
Theo luật pháp Nhật Bản, kể từ năm 1873, treo cổ là hình thức hành quyết duy nhất đối với tử tù. Người thi hành án tử hình sẽ điều chỉnh độ dài của dây thừng tùy theo chiều cao và cân nặng của tử tù. Những người thi hành án có khoảng 5 ngày để chuẩn bị tinh thần.
Tâm trạng của người thi hành án
Cựu cai ngục cho biết ông thường thở dài mỗi khi ở một mình và thường xuyên phải trấn an để bản thân bình tĩnh hơn. Các đồng nghiệp của ông đặt cho ông biệt danh Kshitigarbha, nghĩa là “Bồ tát trông coi thế giới ngầm”.
“Tôi và các tử tù đều là con người, vì vậy chúng tôi có mối quan hệ tin cậy ở mức độ nhất định. Nếu tôi trông khác thường dù chỉ một chút, họ sẽ biết rằng ngày hành quyết của họ sắp đến. Khi đó những tình huống bất ngờ có thể xảy đến. Vì thế, tôi phải cố để tỏ ra bình thường”.
Người đứng đầu trại giam sẽ thông báo cho tử tù về thời gian hành quyết trước 24 giờ. Đó là một cơn địa chấn. Cựu cai ngục sẽ sắp xếp để các tử tù gặp mặt mọi người lần cuối. Họ cũng được tổ chức tiệc chia tay với các tử tù khác và đáp ứng nguyện vọng về bữa ăn cuối cùng.
“Chúng tôi dùng tiền quyên góp để mua cho họ bữa ăn cuối cùng họ muốn, chẳng hạn như sushi hoặc mì soba. Các nhân viên nhà tù sẽ tăng cường tuần tra để ngăn chặn các vụ tự sát. Họ thay phiên nhau giám sát tù nhân”, cựu cai ngục, người đồng hành cùng tử tù những ngày cuối đời, bộc bạch.
Một số tử tù sẽ dọn dẹp khu vực sinh hoạt và viết di chúc vài giờ trước khi chết. Cựu cai ngục kể rằng các tử tù thường không ngủ được và cứ viết đi viết lại di chúc cho đến sáng.
Ngày hành quyết
Vào ngày hành quyết, cựu cai ngục sẽ áp giải tử tù đến phòng hành quyết. Ba tử tù mà ông tham gia thi hành án là những người dũng cảm. “Họ giữ bình tĩnh và đi vào phòng mà không cần giúp đỡ. Một trong số họ đã xin được bắt tay tôi”, ông viết.
“Tay ông ấy lạnh như băng. Mặt ông ấy trông trắng bệch”, người cai ngục kể lại. Ông chứng kiến vụ hành quyết từ một căn phòng. “Tôi không muốn đi vào chi tiết vì điều đó không khác gì xoáy vào nỗi đau của người đã mất”.
Theo Mirror, đa phần tử tù phải chờ ít nhất 5 năm mới đến lượt thi hành án, có người phải chờ hàng thập kỷ. Thông thường, những người tham gia hành quyết được phép về nhà sớm. Nếu cựu quản ngục về nhà vào ban ngày, gia đình ông sẽ hiểu rằng có người nào đó đã bị treo cổ. Vì vậy, ông sẽ giết thời gian bên ngoài trước khi về nhà.
Cựu cai ngục cho biết ông chưa bao giờ nói với ai, kể cả người thân, về những điều ông đang viết. Ông đã quyết định làm vậy sau khi đọc được bài báo của Asahi Shimbun vào tháng 9 về đoạn hội thoại cuối cùng của một tử tù. Hiện nay, các tử tù chỉ được thông báo về số phận của mình cho tới sáng ngày thi hành án.
“Chúng tôi đã chuẩn bị để trở thành cai ngục. Nhưng hầu hết mọi người muốn tham gia vào việc giáo dục cải tạo tù nhân. Không ai vui vẻ thực hiện vụ hành quyết. Chúng tôi chỉ nghĩ đó là nhiệm vụ phải hoàn thành”, cựu cai ngục viết trong tâm thư.
Người cai ngục về hưu cho biết ông đã cầu nguyện cho các tử tù mỗi lần đến đền hoặc chùa. Ông nói rằng một cai ngục tham gia nhiều vụ thi hành án mà ông biết đã nhiều lần đi đến 88 ngôi chùa Phật giáo Shikoku.
“Tôi muốn công chúng biết nhiều hơn về các vụ hành quyết. Nếu các bạn biết điều ấy, các bạn sẽ không đưa ra những lời nói bất cẩn như vậy”, cựu cai ngục nhắc đến cựu Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yasuhiro Hanashi, người vừa bị cách chức hôm 11/11 sau phát ngôn gây tranh cãi liên quan việc thi hành án.
“Tôi nghĩ hoặc bây giờ hoặc không bao giờ tôi có thể đóng góp vào các cuộc thảo luận về án tử hình, dù không nhiều. Tôi muốn các bạn hiểu những gì nhân viên thi hành án phải trải qua”, ông cho hay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-thu-cua-nguoi-hanh-quyet-tu-tu-nhat-ban-post1375544.html