Tâm thư xúc động mẹ gửi con trai bị bệnh Down: Con là nguồn sống, niềm tự hào của mẹ

'Minh Tâm là một đứa trẻ bị Down. Đa số mọi người sẽ thở dài và nói với mẹ là khổ thân nhưng với mẹ, con luôn là một niềm tự hào. Mẹ hãnh diện là mẹ của con', chị Thảo chia sẻ.

- Nếu con thật sự chậm phát triển, mẹ bé có buồn không?

Dù đã biết trước, nhưng khi nghe câu nói đó của bác sĩ, chị Thảo (30 tuổi, ở Yên Bái) cảm thấy rất buồn. Chị kể: "Khi mình mang bầu bé ở tuần thứ 12, đi siêu âm, mọi thứ đều bình thường. Đến tuần thứ 16, bác sĩ chẩn đoán con có độ mờ da gáy thấp. Mình xét nghiệm sàng lọc thì ở mức nguy cơ cao 1/250. Mình tiếp tục đi xét nghiệm sàng lọc ở một địa điểm khác thì kết quả lại cho ra nguy cơ thấp. Mình quyết định sẽ không bỏ con, cho dù là thế nào.

Khi con sinh ra, bé nặng 2,4kg. Mắt con bị xếch và rất yếu. Con bị vàng da nên chưa được 24h sau sinh đã phải nằm chiếu đèn. Mẹ chưa có sữa nên phải bón sữa bằng thìa cho con trong 2 ngày đầu.

Hiện tại, con đã đến với gia đình mình được 7 năm. Đó đều là quãng thời gian mình cảm thấy hạnh phúc vì được làm mẹ của con. Bé không đi trị liệu ở đâu hết, con được sống trong sự thương yêu, bao bọc và giúp đỡ của ông bà nội và mẹ (bố bé đi làm xa). Thời gian sau khi sinh bé thứ 2, mình mời cô giáo có chuyên môn về dạy em. Sau đó cô giáo xin nghỉ vì Minh Tâm rất cá tính và hiểu hết mọi chuyện. Chỉ là Minh Tâm cơ hàm yếu chưa nói ngay được. Cô cũng cho mình mượn tài liệu để giúp con tự tập ở nhà, xoa bóp cho con.

Để chăm sóc con, mình đã nghỉ việc và làm bán hàng online ở nhà. Khi mẹ làm việc, nấu cơm thì con sẽ chơi cùng ông bà. Mỗi năm mình cũng sẽ cố gắng cho con đi chơi xa 1- 2 lần để con được tiếp xúc với nhiều người giúp con không nhút nhát, rụt rè. Con được khám phá nhiều thứ hơn. Đến giờ con đã nói được nhiều từ đơn giản. Mình cho con đi học ở lớp bình thường. Thật trộm vía, con được cô giáo và các bạn thương yêu nên bé thích đi học. Vì mình muốn con hòa đồng và học theo các bạn bình thường nên khi con mắc lỗi, bé vẫn phải chịu phạt như thường. Con là một cậu bé hiểu chuyện và tình cảm".

Minh Tâm là một cậu bé vui vẻ, hay cười.

Minh Tâm là một cậu bé vui vẻ, hay cười.

Tâm thư của người mẹ gửi con trai 7 tuổi bị mắc bệnh Down

"Minh Tâm là một đứa trẻ bị Down.

Khi ai đó hỏi mẹ về con mẹ không ngần ngại khi thừa nhận rằng con trai mẹ là một em bé "chậm phát triển". Đa số mọi người sẽ thở dài và nói với mẹ là "khổ thân" hoặc thở dài khi nhìn con. Nhưng với mẹ, con luôn là niềm tự hào, là nguồn sống. Mẹ luôn hãnh diện vì được làm mẹ của Minh Tâm. Một Minh Tâm hiểu chuyện, lễ phép và biết yêu thương. Chớp mắt một cái mà đã 7 năm trôi qua, 7 năm chúng ta đồng hành cùng nhau.

- Đối với bất kì ai làm mẹ lần đầu cũng sẽ cảm thấy thật sự quá nặng nề. Mẹ vẫn nhớ rõ như chuyện mới vừa xảy ra ngày hôm qua.

Ngày đưa Minh Tâm đi lấy máu định gen phân tích nhiễm sắc thể của 4 năm trước, bác sĩ có hỏi mẹ rằng: "Nếu con em thật sự là chậm phát triển em có buồn không?". Một người lần đầu làm mẹ khi mới 23 tuổi, không kinh nghiệm, không công việc, không dư giả tài chính gặp chuyện như vậy liệu có buồn nổi không? Làm mẹ của một đứa trẻ bình thường đã quá khó huống chi làm mẹ của đứa trẻ chậm phát triển...

Rồi sau đó Minh Tâm được đưa vào phòng lấy máu cùng các cô y tá, nghe tiếng con gào khóc gọi mẹ cứu thất thanh mà lòng quặn lại. Tự dặn lòng mình từ giờ về sau phải thật mạnh mẽ, thật kiên cường và thật nhẫn nại để lo cho Minh Tâm.

20 ngày sau đó là 20 ngày cả nhà luôn sống trong lo âu chờ điện thoại từ bệnh viện gọi đến lấy kết quả. Ngày nhận kết quả bác sĩ có động viên mẹ rằng: Con là một em bé có đôi mắt sáng, giao tiếp bằng mắt rất tốt nên nếu được nuôi dạy tốt con vẫn sẽ phát triển bình thường và không trở thành gánh nặng.

Chị Thảo cho con đi học lớp bình thường, thường xuyên cho bé đi du lịch để con hòa đồng hơn với mọi người.

Chị Thảo cho con đi học lớp bình thường, thường xuyên cho bé đi du lịch để con hòa đồng hơn với mọi người.

Minh Tâm thật may mắn vì vẫn luôn được bố và ông bà, gia đình yêu thương hết mực. Quãng thời gian đầu, sau khi nhận kết quả từ bệnh viện, nếu nói mẹ không sao thì là nói dối, mẹ như người bị mù đường mất phương hướng với cuộc sống. Nhưng nhờ có ông bà nội luôn ở bên yêu thương, động viên hai mẹ con mỗi ngày nên mẹ mới lấy lại được tinh thần để phấn đấu làm việc và chăm sóc con tốt hơn.

Vì là một đứa trẻ chậm phát triển nên mỗi mốc thời gian của con đều chậm hơn các bạn cùng tuổi. Khớp xương của con lỏng lẻo và không chắc chắn.

- 4 tháng biết lẫy.

- 5 tháng con mới biết cười.

- 8 tháng biết trườn.

- 19 tháng con mới lò dò biết đi vài bước.

Những ngày tháng luyện tập cơ tay cơ chân cho con cả nhà vất vả biết bao. Mỗi sáng thức dậy, mẹ đều massage tay cho con rồi cùng con tập lên xà đơn bằng cách bám vào ngón tay mẹ đu lên hạ xuống. Chiều chiều ông nội dắt con đi bộ vài vòng cho con luyện đôi chân.

Cậu bé biết mang quà 8/3 về tặng mẹ

Cậu bé biết mang quà 8/3 về tặng mẹ

Con biết xếp hàng để mua đồ như những người khác.

Con biết xếp hàng để mua đồ như những người khác.

Minh Tâm ngày nào bé nhỏ non nớt biết bao bây giờ đã biết vui đùa, biết chú ý đến hành động - cử chỉ - thái độ của mọi người xung quanh. Biết chia sẻ - biết giận hờn và hơn tất cả biết yêu thương em Ỉn. Hàng ngày ăn cơm xong, con còn biết rủ em Ỉn xách nồi cơm đi cất, con tự vỗ vào ngực mình rồi gồng tay cầm lấy quai nồi cơm sau đó chỉ em Ỉn rồi chỉ vào dây điện. Con muốn nói rằng: "Anh khỏe hơn để anh xách nồi nặng Ỉn cầm dây điện đi theo anh thôi".

Minh Tâm còn rất sợ mẹ đánh em, mỗi lần thằng Ỉn chạy lung tung ra ngoài, mẹ quát không được chuẩn bị đi lấy roi là Minh Tâm tất tưởi chạy trước mẹ ra ngoài cầm tay kéo em bắt đi vào nhà trước khi mẹ mang roi ra đánh đít em.

Mẹ vẫn nhớ rõ ánh mắt cử chỉ của con khi lần đầu nhìn thấy em Ỉn. Con không hiểu chuyện gì xảy ra khi mẹ đi vắng vài ngày mới về và mang theo cả em Ỉn. Minh Tâm cứ nhìn em chằm chằm rồi sợ chạy thật xa. Sau 3 ngày liên tục theo dõi em thì đến tối ngày thứ 3 lúc con đang đi lên nhà với ông để đi ngủ, tay ôm cái ô tô, con thích nhất thì em khóc đòi thay bỉm. Em khóc to hơn mọi ngày một chút thôi mà Minh Tâm bỗng dưng quay lại đưa cho em cái ô tô yêu thích và ra hiệu rằng: "Anh cho mượn ô tô này nín đi ". Khoảnh khắc ấy không hiểu vì sao mẹ lại khóc nhưng miệng thì vẫn đang cười. Những ngày sau đó con lại gần em nhiều hơn. Đi học về là đòi rửa tay rồi bế em, mặc dù mỗi lần con bế em là một lần cả nhà hết hồn. Minh Tâm bế em chắc được vài giây rồi ném luôn em để còn đi ăn bim bim theo đúng lịch trình.

Con yêu bố và quý em. Khi em ốm, anh trai nắm tay em đi ngủ.

Con yêu bố và quý em. Khi em ốm, anh trai nắm tay em đi ngủ.

Cô giáo dạy kỹ năng cho con nói con là một đứa trẻ rất cá tính, có chính kiến riêng và rất có nề nếp. Bất kể mọi việc con làm hàng ngày đều theo một trình tự nhất định. Ví dụ đi học về thì nhất định phải: Đi vệ sinh - rửa tay - kê bàn ghế ăn bim bim - xem hoạt hình - đi thể dục - đi tắm - ăn cơm- rồi đi ngủ vào 9h tối. Ngày nào cũng thế, ngày nào cũng vậy không bao giờ sai trình tự, nếu chưa làm con sẽ nhắc ngay.

Đến bây giờ dù đã 7 tuổi nhưng con vẫn chưa thể nói được. Nhưng con hiểu hết mọi thứ và tự nghĩ ra những hành động để diễn tả nói với mọi người. Đôi lúc con có thể nghĩ ra những chuyện mẹ không thể ngờ, trí nhớ của con cũng rất tốt nên đôi lúc khiến mẹ rơi vào lúng túng vì chính mẹ hứa với con mà mẹ cũng quên béng mất.

Con có một sở thích đó là kể truyện cổ tích, chia sẻ với mọi người, nhưng vì con không thể nói nên con thường kể bằng hành động. Mỗi lần con kể một câu truyện là một lần cả nhà được cười rách miệng. Điều đấy khiến con thấy rất vui thì phải, chỉ cần con vui thì cả nhà luôn luôn sẵn sàng nghe.

Mỗi lần stress công việc, bế tắc trong cuộc sống chỉ cần mở ảnh của Minh Tâm ra ngắm. Tự khắc miệng mẹ mỉm cười, rồi tất thảy khó khăn trước mắt đều trở thành chuyện nhỏ với mẹ.

Cho dù con là một đứa trẻ không bình thường, con chậm chạp và thi thoảng cục tính vì chưa nói được thì mẹ vẫn yêu con thật nhiều. Nếu được chọn lại một lần nữa, mẹ vẫn sẽ chọn được làm mẹ của Minh Tâm".

Minh Nhật

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tam-thu-xuc-dong-me-gui-con-trai-bi-benh-down-con-la-nguon-song-niem-tu-hao-cua-me-20230227144845714.htm