Tâm thức biển của người Việt: một cái nhìn văn hóa - lịch sử
Biển với người Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng và sẽ ngày càng quan trọng hơn. Nhưng tâm thức biển thì tùy từng giai đoạn mà đậm nhạt khác nhau.
1. Trong kỷ Băng hà, cách đây 12.000 - 7.000 năm, khi Trái đất nóng lên, băng ở hai cực tan chảy, nước biển dâng lên gọi là biển tiến; còn khi Trái đất lạnh đi, băng đóng lại ở hai cực, nước biển rút xuống gọi là biển lùi.
Khi biển tiến thì cư dân ven biển và đồng bằng chạy nước lên vùng núi và cao nguyên. Từ chỗ làm nông/ngư nghiệp, họ thoái lùi, hay hoang hóa, trở thành những người hái lượm, săn bắt. Khi biển lùi thì họ lại xuống đồng bằng rồi tiến ra biển, làm nông nghiệp lúa nước và đánh bắt cá dọc sông ven biển. Lúc bấy giờ thềm lục địa nổi lên, cư dân có thể dùng bè di chuyển từ đảo này sang đảo khác ở khu vực Nam Thái Bình Dương, thậm chí sang tận Mỹ châu.
Ngư dân ở làng chài Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Trung Dũng
Nhịp biển tiến - lùi như vậy không chỉ diễn ra có một lần và trong một thời gian ngắn. Dấu tích vật chất còn lưu lại ở nhiều nơi. Các hòn đảo đá vôi ở vịnh Hạ Long còn ghi dấu những ngấn sóng cách mặt nước hiện nay hàng mét. Núi Yên Tử, trên lối lên chùa Đồng, người hành hương ngạc nhiên bắt gặp hóa thạch của những con ốc biển. Nhưng, có lẽ dấu vết của những cơn đại hồng thủy còn dễ thấy hơn ở các mảnh vỡ huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ. Như truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh của người Kinh, Sự tích hồ Ba Bể của người Tày, trường ca Khảm hải/Vượt biển cũng của người Tày, đề tài cá trong truyện cổ Ba Na và hoa văn trang trí trên thổ cẩm của nhiều tộc người Tây Nguyên.
Như vậy, người Việt Nam tự trong bản thân mình, từ xa xưa, đã có văn hóa đất và văn hóa biển, sau này theo các luồng di cư theo chiều Đông Tây và Tây Đông thì có cả văn hóa Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
2. Khi mực nước biển xấp xỉ như mực nước hiện nay, vào thời kỳ cuối Đá mới sang Đồng, thì trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện các văn hóa cổ như Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo. Đây là thời kỳ tâm thức biển đậm. Trống đồng Đông Sơn có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á có thể do cư dân Đông Sơn khi di cư mang theo, hoặc do buôn bán trao đổi.
Tại di tích của nền văn hóa Sa Huỳnh, phát hiện các đồng tiền Ngũ Thủ và Vương Mãng, các gương đồng của nhà Tây Hán, đỉnh đồng nhà Đông Hán, chứng tỏ họ đã có một nền sản xuất hàng hóa thủ công cùng với sự giao thương buôn bán tương đối phát triển.
Còn khi khai quật di chỉ Óc Eo, các nhà khảo cổ tìm thấy những đồng tiền in hình hoàng đế La Mã, chứng tỏ bấy giờ buôn bán không chỉ quẩn quanh Đông Nam Á, Nam Á mà đã viễn dương sang châu Âu. Như vậy, bấy giờ, phương tiện giao thông, buôn bán chủ yếu bằng đường sông, biển. Người Việt Nam, do vậy, cũng rất giỏi chế tạo những chiếc bè tre vượt biển và đóng thuyền chiến. Hai trận thắng lớn trên sông Bạch Đằng và trận đánh chiếm đoàn thuyền chở quân lương của nhà Nguyên trên vịnh Hạ Long, đã nói lên điều đó.
Con thuyền, như vậy, đã trở thành biểu tượng cho văn hóa Việt Nam, đối lập với cỗ xe ngựa, hoặc con ngựa biểu tượng cho văn hóa phương Bắc. Thuyền, thậm chí còn là biểu tượng tình yêu trai gái như thuyền và bến, thuyền và biển…
Người Việt Nam tự trong bản thân mình, từ xa xưa, đã có văn hóa đất và văn hóa biển, sau này theo các luồng di cư theo chiều Đông Tây và Tây Đông thì có cả văn hóa Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Ngày nay, khi giao thông đường sông không còn quan trọng nữa mà đường biển còn quanh quẩn ven bờ thì đường bộ với những chiếc ô tô thay thế vai trò của đường thủy, hình ảnh thuyền bắt đầu nhạt dần. Theo đà đó, các từ chỉ giao thông sông, biển cũng chẳng còn. Nhưng nếu ai làm khảo cổ học ngôn từ, thì thấy đâu đâu cũng còn những hóa thạch ngôn ngữ nằm trong các địa danh sông nước như chợ búa (búa là bến, nên chợ búa là chợ bến/sông), bến Bình Than (than cũng là bến), là Ngọc Than (quê tôi thì là làng bến ngọc), Vạn Lai Triều ở phố Hiến là bến chờ để vào triều/chầu Thăng Long chứ không phải “đến đây từ vạn dặm sông” như Hữu Ngọc dịch, làng vạn chài là làng bến thuyền của cư dân đánh cá trên sông biển...
Việt Nam có hàng ngàn cây số bờ biển, là bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương, nhưng chưa phải là vương quốc biển, do tâm lý bám ruộng bám làng, sợ phiêu lưu của người nông dân. Ảnh: Hải Đông
3. Tâm thức nhạt biển xa rừng có thể bắt đầu từ thời Lê sơ. Bấy giờ đồng bằng Bắc bộ được phù sa bồi lắp tương đối bằng phẳng, chỉ còn sót lại một vài vùng trũng, như Phú Xuyên (Hà Tây), Hà Nam “cầu tõm”. Lương thực được đảm bảo. Số lượng ruộng tư ngang với ruộng công. Sự ra đời của gia đình hạt nhân và hạt nhân mở rộng cày cấy trên những mảnh ruộng nhỏ của riêng mình.
Lúc này cũng là khi Tống nho phát triển ở Việt Nam, chủ yếu là hình nhi hạ, tức phần nghi lễ, nghi thức, đạo đức. Tống nho hình nhi hạ chủ trương an bần lạc đạo, chống lại thương nghiệp vì sợ mất sự ổn định của cộng đồng. Việt Nam dần rơi vào chủ nghĩa tam nông: nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Làng xã xuất hiện như một đơn vị tự cung tự cấp. Người ta không cần phải ra khỏi lũy tre làng đã tự đầy đủ. Người tiểu nông ra đời. Thiết chế làng xã phân biệt chính cư và ngụ cư, trong đó dân chính cư được hưởng mọi quyền lợi thành viên của làng, còn dân ngụ cư thì chỉ có nghĩa vụ phục dịch. Chế độ ruộng công chỉ phân bổ cho các suất đinh sống ở làng khiến người dân không dám bỏ làng đi xa. Họ bám chặt đất làng, ruộng làng, ngại mọi chuyện phiêu lưu. Từ đó hình thành tâm lý xa rừng nhạt biển.
Đặc biệt là từ khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, với máy móc cơ giới, họ mở mang hanh thông đường bộ thì giao thông thủy càng bị thu hẹp. Những chuyến tàu thủy cuối cùng đi trên sông Hồng là của Bạch Thái Bưởi. Cảng sông Vị Hoàng doanh xưa với thuyền bè tấp nập nay nhường chỗ cho cảng biển Hải Phòng của người Pháp…
4.Việt Nam có hàng ngàn cây số bờ biển, là bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương, nhưng chưa phải là vương quốc biển, do tâm lý bám ruộng bám làng, sợ phiêu lưu của người nông dân, hay người có căn tính nông dân. Từ khi nhạt biển, Việt Nam không có ngoại thương đúng nghĩa. Các cuộc hải trình đi Indonesia, Singapore thời Nguyễn như các chuyến đi của Phan Huy Chú, Cao Bá Quát, Phạm Phú Thứ… chỉ là mua sắm hàng tiêu dùng cho vua. Còn hàng hóa chủ yếu “xuất khẩu tại chỗ”, mà về sau cũng “bế quan tỏa cảng”. Bởi vậy, không có nhiều thành phố ven biển. Ngư dân thì đánh bắt quanh bờ, không có tàu thuyền lớn để ra khơi. Vì thế, ý thức về lãnh hải (thềm lục địa và hải đảo) của người dân, và cả lãnh đạo, còn rất yếu ớt, lờ mờ.
Việt Nam muốn bảo vệ biển đảo của mình phải học Tàu để chống lại Tàu - đó là thành lập lực lượng hải quân, phát triển hải thương, đặc biệt là xây dựng các cảng biển, các thành phố ven biển.
Trước đây nghiên cứu văn hóa Việt Nam chịu sự thống trị của cái nhìn từ đồng bằng. Đó là cơ sở của Việt tâm luận. Gần đây, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà Việt Nam học người Úc - Li Tana đã đưa ra một cái nhìn từ biển. Bà chứng minh rằng Việt Nam trong quá khứ cũng là một quốc gia biển, nhất là ở xứ Đàng Trong. Bởi vậy, làm sao khôi phục lại được tâm thức biển thời đậm là một bài toán khả giải, đòi hỏi sự chung tay góp óc toàn dân, nhất là giới lãnh đạo và các trí thức độc lập có tâm, có tầm.
5. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới tiểu thuyết Tàu Tôtem Sói của Khương Nhung, kể về cuộc đấu tranh sinh tồn giữa một đàn sói và những người chăn cừu ở thảo nguyên Nội Mông. Những người chăn cừu, do học được từ bầy sói, nhiều mưu mẹo không kém nhưng chỉ để đối phó nhằm kiểm soát sói, chứ không phải tiêu diệt. Nhưng rồi những người trồng trọt đến, họ vỡ hoang, trồng lúa mì và tiêu diệt bầy sói. Đàn cừu không còn cuộc sống tự nhiên, tức không bị sói săn đuổi nữa, nhiễm bệnh, chết dần. Khương Nhung nêu rõ tính ưu việt của du mục so với nông nghiệp.
Ông còn cho biết trong lịch sử Trung Hoa, những nhân vật lịch sử lớn đều xuất thân du mục hoặc có nguồn gốc du mục: Dương Kiên, Dương Quảng nhà Tùy; Võ Tắc Thiên nhà Đường; Hốt Tất Liệt nhà Nguyên; Khang Hy nhà Thanh…
Tinh thần du mục bây giờ không còn nữa, phải tìm tinh thần khác thay thế. Khương Nhung đề xuất lấy tinh thần hải thương của Trịnh Hòa (người Duy Ngô Nhĩ) đời Minh. Đó chính là hướng biển và làm chủ biển. Trung Quốc đã và đang hiện thực hóa tư tưởng này. Việt Nam muốn bảo vệ biển đảo của mình phải học Tàu để chống lại Tàu - đó là thành lập lực lượng hải quân, phát triển hải thương, đặc biệt là xây dựng các cảng biển, các thành phố ven biển.
PGS-TS. Đỗ Lai Thúy
_________________
Tài liệu tham khảo chính:
1. S. Oppenheimer (2004), Địa đàng ở phương Đông, Lê Sỹ Giảng, Hoàng Thị Hà dịch, NXB Lao Động
2. Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nguyễn Nghị dịch, NXB Trẻ
3. Nguyễn Thanh Nhã (2013), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII, Nguyễn Nghị dịch, NXB Trí Thức
4. Đỗ Thị Thùy Lan (2016), Hệ thống cảng thị sông Đàng Ngoài (Lịch sử ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII), NXB Đại học Quốc gia
5. Nguyễn Văn Kim (2014), Vân Đồn - thương cảng quốc tế của Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia