Tâm tình của nhà báo nghiệp dư
Tôi không thể nào quên kỷ niệm ngày xuân (2006), buổi gặp gỡ định mệnh giúp tôi trở thành nhà báo nghiệp dư của báo Phật giáo trong 12 năm.
Nhân dịp đến tham dự lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 tại hội trường báo Giác Ngộ, khi bước chân vào hội trường tâm tư tôi tự nhiên dâng trào cảm xúc khó tả khi gặp lại chư vị tôn túc trong Ban biên tập, quý thầy và quý anh chị em phóng viên, biên tập viên... lòng tôi bồi hồi xúc động, tưởng nhớ về chư vị tôn túc không còn lãnh đạo vì phải đảm nhận trọng trách cao quý hơn, quá vãng hay đã về hưu...
Tôi không thể nào quên kỷ niệm ngày xuân (2006), buổi gặp gỡ định mệnh giúp tôi trở thành nhà báo nghiệp dư của báo Phật giáo trong 12 năm. Lúc bấy giờ, chư vị tôn túc trong Ban Biên tập là Hòa thượng Tổng Biên tập (nay là Đức Pháp chủ GHPGVN), Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách nội dung; cố nhà báo lão thành Tống Hồ Cầm, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Trị sự; thầy Thích Thiện Bảo, Thư ký; thầy Chúc Phú, phụ trách Nguyệt san và nhà báo Trần Công Đức, Phó Thư ký… các vị chào đón tôi trong niềm hoan hỷ như đứa con đi xa nay mới về nhà.
Hòa thượng Thích Giác Toàn thân mật hỏi: “Anh Bồng lúc nào về hưu?”. Tôi thưa: Dạ tháng 11 năm nay. Hòa thượng dạy: Vậy anh nên về giúp báo Giác Ngộ tăng lượng báo lên. Tôi trả lời sốt sắng: “Dạ vâng!”. Kế đó, Hòa thượng Tổng Biên tập dạy: “Công việc này rất khó, không như báo Sài Gòn Giải Phóng anh đang làm, vì báo mình là báo đạo, sự ủng hộ còn có giới hạn”. Tôi thưa: “Bạch Thầy, cho phép con làm thử đến cuối năm xem sao, nếu không được con xin rút!”. Mọi người cười xòa vui vẻ trong không khí ấm áp ngày xuân. Tôi có duyên đảm nhận vai trò Trợ lý Phó Tổng Biên tập phụ trách Trị sự từ tháng 9-2006.
Tình hình Giác Ngộ lúc bấy giờ in hai màu trên giấy báo Tân Mai, nên hình ảnh không bắt mắt, số lượng trồi sụt khoảng 4.000 tờ, báo xuân khoảng 6.000. Giá bìa phát hành 4.000đ/tờ. Phòng Phát hành hoạt động theo mô hình bưu điện! Trước tiên, tôi đến với chư vị tôn túc trụ trì tham vấn, tìm hiểu ảnh hưởng báo Giác Ngộ đối với các ngài, rồi đến Phật tử ở các đạo tràng, các khóa tu để nắm bắt, lắng nghe tâm tư, ước muốn, những lời bình phẩm về hình thức và nội dung báo hoặc phàn nàn về cung cách phát hành, v.v... Mong tìm cách khắc phục để đưa báo đến với độc giả.
Tôi tập hợp và tùy duyên báo cáo lên Ban Biên tập và Thư ký tòa soạn cũng như điều chỉnh nghiệp vụ anh chị em phát hành. Nhờ vậy mới gỡ nút thắt vô hình, để cung đón các vị tôn túc trụ trì hoan hỷ tham gia giới thiệu chùa mình, đưa tin xây dựng chùa tháp, đúc chuông, tạo tượng, xây cầu và tin lễ, hội và khóa tu lên báo nhằm tạo duyên lành cho bà con Phật tử lập công bồi đức cúng dường...
Trong tác nghiệp, tôi vô cùng biết ơn sự hỗ trợ của đạo hữu Nguyễn Anh Tú, biên tập viên câu chữ về đạo, trong giao dịch với các chùa xa có đạo hữu Pháp Thiện trợ duyên; sau này tôi mở rộng viết (tạo mãi lực) cho các nhà hàng chay, cơ sở đúc tượng, cửa hàng văn hóa phẩm, pháp khí của Phật giáo, v.v...
Trong giao tiếp, tôi học tập cung cách của thầy Tâm Hải qua cách ứng đối như: Nói năng từ tốn, khiêm cung đối với chư vị tôn túc và lời lẽ ân cần thuyết phục với đồng đạo... cũng như bắt chước nụ cười hoan hỷ của thầy Quảng Tánh. Nhờ vậy, tôi được hảo cảm khi tiếp xúc với chư vị tôn túc trụ trì và quý ngài đạo cao, chức trọng như Trưởng ban Trị sự tỉnh Đồng Nai và TP.Đà Nẵng... Điều khó khăn ban đầu là bài viết và hình ảnh chỉ được gói gọn 1 trang mà phải đạt 3 mục đích: Giới thiệu tổng quan về chùa; Hoạt động tu tập và sinh hoạt; và đề xuất tham gia đóng góp trùng tu, chùa đang xây dựng hoặc cúng dường lễ hội...
Thành quả cuối năm đó, trong giai phẩm báo xuân, tôi viết giới thiệu hơn 10 ngôi chùa, và năm sau, cũng trên báo xuân, tôi mở rộng viết cho các ngôi chùa ở Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, ra đến miền Trung với 3 chùa ở Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Ngãi, riêng ở Huế tôi phát tâm viết (cúng dường) cho chuyến du xuân chiêm bái tôn tượng Đức Quán Thế Âm ở núi Tứ Tượng và cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi ở chùa Đức Sơn.
Nhân dịp chuyển báo ra Bắc phục vụ Đại hội Phật giáo toàn quốc, tôi viết cho chùa Bồ Đề; về Hải Phòng viết cho các chùa Vẽ, Hào Quang, An Đà và một ngôi chùa đang xây dựng ở Hải Dương... Và cứ thế mỗi năm số lượng chùa tham gia đăng báo tăng dần. Tôi còn nhớ về điều kiện tịnh tài: Nhà chùa sẽ trả chi phí tiền trang và mua báo; riêng viết cho lễ hội Dâng y ở thiền viện Phước Sơn, Hội chùa đèn ở Giang Điền... dạng tường thuật đưa tin, nhà chùa không phải trả tiền trang mà chỉ mua báo với số lượng từ 500 có khi đến 1.000 tờ. Theo dòng thời gian, số phát hành cũng tăng dần và theo đó nguồn thu từ phát hành và quảng cáo cũng tăng lên...
Năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng Tăng thân Làng Mai về thăm quê hương; tôi tranh thủ theo chân đoàn, phát hành báo xuân ở Hà Nội được 2.000 tờ và Huế có 3.000 tờ; thật phấn khởi khi năm này số lượng phát hành đạt đỉnh điểm 30.000 với giai phẩm báo xuân lúc bấy giờ.
Giác Ngộ dần dần chuyển đổi hình thức sang giấy trắng Tân Mai và ngày nay là giấy couche matt, in toàn bộ nội dung đều 4 màu, với nội dung phong phú và trình bày trang nhã, hình ảnh đẹp.
Không may tháng 9-2011, tôi bị tai biến mạch máu não phải đành nghỉ dưỡng điều trị và sau đó do vì sức yếu nên đành ngậm ngùi chia tay Giác Ngộ, chuyển sang tạp chí Văn hóa Phật giáo đảm nhận Trị sự cho tới cuối năm 2019 là gác bút. Tôi có duyên lành viết báo đạo với tư cách là Nhà báo nghiệp dư trong suốt 12 năm, lòng tôi vô cùng sung sướng được công quả cho báo làm lợi lạc “tốt đạo, đẹp đời”.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tam-tinh-cua-nha-bao-nghiep-du-post67717.html