Tâm tình người 'dừng lại'

'Dừng lại' trong phạm vi bài viết này bao gồm những người 'đứng qua một bên, nhường đường cho lớp cán bộ kế cận tiếp bước' trong hành trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp. Họ ngừng bước, nhìn đồng đội và quê hương mình thay đổi để thích ứng với giai đoạn mới. Hành trình 'dừng lại' ấy đã và đang diễn ra, nên câu chuyện vẫn chưa hề mất tính thời sự.

Trao quyết định nghỉ chờ hưu trong lực lượng vũ trang.

Trao quyết định nghỉ chờ hưu trong lực lượng vũ trang.

Trung tá Châu Bảo Ngọc suy nghĩ rất nhiều trước khi ký vào đơn xin nghỉ chuẩn bị hưu, dù tuổi đời rất trẻ, dù đang đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP. Long Xuyên (cũ).

Cuối cùng, chị vẫn gửi nguyện vọng kết thúc quãng đường hơn 27 năm công tác trong quân đội, đúng vào thời điểm cả hệ thống chính trị đang chuyển mình mạnh mẽ, khi thực hiện chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, kéo theo việc giải thể cơ quan quân sự cấp huyện. Chị lựa chọn trở về làm người phụ nữ của gia đình, gác lại những khát khao cháy bỏng của nữ quân nhân xông xáo, nhiệt huyết.

Ngoài việc phải cân bằng lại tâm tình của người “về hưu non”, chị và nhiều đồng đội còn đối mặt với luồng dư luận cho rằng “thấy không khỏe, yếu trong mình thì xin về sớm”; hay đây là dịp để tinh gọn, sàng lọc cán bộ đủ đức, đủ tài để sắp xếp cán bộ.

“Tôi khẳng định, xin nghỉ không có nghĩa là chúng tôi không có bản lĩnh, không đủ sức khỏe hay không còn khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nghỉ hay ở, không chỉ là chuyện cá nhân mà còn là sự lựa chọn có trách nhiệm với đơn vị, với tập thể. Chấp hành chủ trương tinh, gọn, mạnh để sẵn sàng cho toàn dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, chúng tôi lựa chọn khởi đầu mới cho chặng đường mới trong cuộc đời mình, một hành trình mà chúng tôi sẽ tiếp tục sống, cống hiến theo một cách khác - lặng lẽ hơn, nhưng không kém phần trách nhiệm. Dù không còn trong quân ngũ, tôi vẫn sẽ tiếp tục giữ vững bản lĩnh, đạo đức và phẩm chất người lính Cụ Hồ, sẵn sàng góp sức xây dựng địa phương, giữ gìn mối liên hệ với đơn vị và luôn đồng hành với anh em khi có thể”, chị Bảo Ngọc bày tỏ.

Điều trăn trở khác của cán bộ hiện nay là sớm được giải quyết chế độ, chính sách để họ “dừng lại” đúng lúc. Họ đã gom góp đủ dũng khí để đưa ra quyết định nghỉ hưu sớm, thôi việc trong giai đoạn bộn bề này, chọn giải pháp phù hợp nhất cho mình và tập thể. Tuy nhiên, khi bộ máy tổ chức mới đã vận hành 3 tuần nay, không ít người chưa được “dừng lại” theo nguyện vọng.

Một viên chức ngụ phường Long Xuyên chia sẻ: “Tôi đăng ký nghỉ hưu sớm vài năm để được hưởng chính sách của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. Số tiền được chi trả không nhiều, trong khi tôi đang làm lãnh đạo cấp phòng, vẫn còn rất yêu nghề. Nhưng tôi “làm việc tư tưởng” với bản thân rằng, “dừng lại” đúng lúc để đơn vị tiện sắp xếp nhân sự, để lớp trẻ có cơ hội làm việc lâu dài… là điều mình nên làm.

Chuẩn bị tâm lý xong xuôi, gần hết tháng 7, tôi vẫn chưa được giải quyết cho nghỉ. Điều này gây ra bất tiện, lúng túng cho tôi lẫn đơn vị mới sáp nhập. Trước mắt, tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết sớm hồ sơ cho tôi và nhiều trường hợp tương tự. Nếu không được cho nghỉ, tổ chức cần tôi, tôi rất sẵn sàng tiếp tục cống hiến bằng mọi khả năng của mình, không còn lăn tăn gì nữa”, cán bộ ấy chia sẻ.

Nhiều đồng nghiệp, người bạn thân thiết của tôi đã chính thức dừng bước kể từ đầu tháng 7, bắt đầu chuỗi ngày sống cho riêng mình. Họ dành thời gian cho con cháu, gia đình nhiều hơn, bù đắp những tháng ngày mải miết đi làm, bận rộn công tác trước kia. Họ dành thời gian lắng nghe sức khỏe của bản thân, sống chậm hơn, nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống lành mạnh và điều độ hơn. Nhưng họ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho người đang tiến bước. Những cuộc trò chuyện, thăm hỏi: “Mấy nay đi làm ở nơi mới quen chưa? Nhịp sống, làm việc đã ổn định chưa? Còn khó khăn gì không?...” cứ diễn ra liên tục. Người hỏi lẫn người đáp đều chia sẻ cùng nhau, động viên nhau vượt qua giai đoạn “giao thời” này.

Tôi nhớ mãi lời động viên của một người bạn vong niên: “Kết thúc để bắt đầu”. Với anh, kết thúc công việc của những người “dừng lại” như anh là cách để bắt đầu cho đội ngũ “ở lại”. Người tiếp tục đi làm sẽ gặp nhiều áp lực, sẽ đương đầu với mọi thứ mới mẻ chưa từng có tiền lệ. Nhưng chắc chắn, họ sẽ làm được, làm thật tốt. Bởi, họ đang gánh vác kỳ vọng của người lùi lại phía sau lẫn của chính mình, cháy bỏng mong muốn đưa đất nước, đưa đơn vị tiến bước!

Ngày 16/7, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ ban hành Công văn số 14/CV-BCĐ, nêu rõ: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền để cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí đối với nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng nghỉ theo chế độ tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.

Bài và ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tam-tinh-nguoi-dung-lai--a424808.html