Tâm và Tầm - 'chìa khóa' kiến tạo văn hóa Việt Nam?
Tâm và Tầm - 'chìa khóa' kiến tạo văn hóa Việt Nam?
Câu chuyện thời sự hiện nay mà giới văn hóa rất mong mỏi là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Tại cuộc găp gỡ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với giới trí thức, nhà khoa học văn nghệ sĩ trung tuần tháng 2/2023, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tha thiết đề nghị cần có cơ chế, chính sách để đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển CNVH quốc gia.
Sự sốt sắng ẩn chứa lo lắng cũng là dễ hiểu vì chỉ còn 22 năm nữa là đến cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1945-2045) cũng là thời điểm nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trên thực tế, nước phát triển có thu nhập cao đều đi đầu phát triển CNVH trở thành trụ cột của nền kinh tế. Theo các chuyên gia: CNVH phải đóng góp vào GDP đất nước ước chừng xấp xỉ 7-9% (hiện nay mới chỉ là 3,61%). Con số 9% này dựa theo kết quả của CNVH đã trở thành động lực nền kinh tế của một nước phát triển là Hàn Quốc trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Tầm quan trọng của CNVH không chỉ dừng lại ở vấn đề làm ra bao nhiêu của cải mà tác động của CNVH rất toàn diện. CNVH càng phát triển thì nhận thức xã hội về văn hóa mới thay đổi, theo hướng coi trọng văn hóa vì khi đó văn hóa không còn là lĩnh vực “tiêu tiền” mà là “mỏ vàng không khói” cho nền kinh tế. CNVH khai thác tất cả những giá trị văn hóa, vốn liếng văn hóa của dân tộc nên sẽ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiết thực, hiệu quả; từ đó tăng cường “sức mạnh mềm”, đưa văn hóa Việt Nam ra với thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời chống lại “xâm lăng văn hóa” hiệu quả.
CNVH dựa trên sức sáng tạo nên sẽ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của toàn dân, nhất là giới trẻ. Như vậy, muốn hay không, bản thân giáo dục cũng phải thay đổi theo hướng sáng tạo, phát huy tiềm năng cá nhân của người học. CNVH còn tạo “áp lực” để hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng cơ chế thị trường nên sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề nhức nhối hiện nay như tình trạng sáng tạo nghiệp dư, sản phẩm văn hóa độc hại, đầu tư tài chính cho văn hóa, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và biểu đạt của người dân…
Để phát triển CNVH một cách nhanh chóng, hiệu quả, đạt được nhiều mục tiêu đề ra, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Phát triển CNVH không phải chỉ là câu chuyện của riêng ngành văn hóa, mà cần chung tay của các bộ, ngành, địa phương. Hơn 10 năm nghiên cứu CNVH, bản thân tôi và các đồng nghiệp đi tìm lời giải cho câu hỏi: Vì sao Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng về CNVH hàng đầu nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng? Đó là vì chúng ta thiếu cơ chế, chính sách về thuế, về đầu tư, chưa chú trọng giáo dục sáng tạo trong nhà trường, chưa thu hút nguồn lực xã hội hóa…”
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Hơn 20 năm được đánh giá là đủ thời gian tạo ra thay đổi cơ bản, toàn diện CNVH, nhất là tận dụng ưu thế dân số trẻ. Nếu không khẩn trương ngay từ bây giờ, “thời điểm vàng” sẽ đi qua và giấc mơ văn hóa phát triển với “bệ đỡ” CNVH sẽ mãi chỉ là giấc mơ.
Nhiều năm qua trên, tại các kỳ họp Quốc hội cũng như nhiều diễn đàn chính thống, rất nhiều người đặt câu hỏi cho “tư lệnh” ngành văn hóa: Trách nhiệm của ngành với hiện trạng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp? Động cơ đặt câu hỏi có thể rất trong sáng do chứng kiến những suy đồi văn hóa, đạo đức trong xã hội nhưng dường như xác định không đúng chủ thể trả lời. Một mình ngành văn hóa không thể nào ngăn chặn văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp và nhìn rộng hơn, sâu hơn văn hóa không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.
Trong chiến tranh, quân và dân ta thắng lợi là phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố tạo nên đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện. Kiến tạo văn hóa tương lai cũng phải cần một đường lối tương tự, cần sức mạnh tổng hợp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.
Nghiên cứu kỹ các văn kiện của Đảng từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) đến nay, chúng ta thấy tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ đã thay đổi rất nhiều, được bổ sung, phát triển lên tầm cao mới. Chẳng hạn, trước đây, trong Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) đặt ra nhiệm vụ: “Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v.v.) làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”. Đặt trong bối cảnh khi đó dân trí của nước ta rất thấp, văn nghệ cần tuyên truyền cho kháng chiến, kiến quốc thì đề cao tả thực là chính xác, đúng đắn. Nhưng thời nay khi dân trí chúng ta phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ rất đa dạng, cần phát huy yếu tố sáng tạo để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam nên nếu độc tôn tả thực lại là phản tiến bộ.
Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: “Các văn kiện của Đảng gần đây đều nhấn mạnh phải đa dạng hóa văn hóa, văn nghệ, chấp nhận mọi sự sáng tạo miễn là trong sáng, lành mạnh và phải có ích cho sự phát triển, góp phần cho việc xây dựng con người”.
Chủ trương của Đảng đúng đắn là vậy nhưng trên thực tế giáo dục phổ thông chưa mở rộng tìm hiểu các trường phái văn hóa, văn nghệ hiện đại; hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị vẫn khô cứng, giáo điều; các xu hướng tìm tòi đổi mới chưa được ủng hộ; nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế gây cản trở sức sáng tạo và đầu tư… Chỉ một ví dụ về vấn đề phương pháp sáng tạo trong văn hóa, văn nghệ, chúng ta thấy có rất nhiều “điểm nghẽn”. Và rõ ràng, giải quyết những “điểm nghẽn” kể trên một mình ngành văn hóa dù dốc sức với sự tâm huyết đến mấy sớm muộn cũng rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.
Dù chưa có những nghiên cứu cụ thể về đặc trưng văn hóa của nước phát triển có thu nhập cao là gì, song từ kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới có thể thấy chủ trương phát triển văn hóa phải nhất quán, tiến bộ, bám sát thực tiễn; việc cụ thể hóa phải thực sự khoa học, bài bản với tầm nhìn, hoạch định chiến lược. Mọi ý tưởng, sáng kiến từ quần chúng đều được tiếp thu tối đa phục vụ cho sự phát triển chung.
Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, quán triệt những chỉ đạo sâu sắc trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quan tâm của xã hội với ngành văn hóa lên cao chưa từng thấy. Các bộ, ban, ngành Trung ương và nhất là các địa phương đã tích cực phối hợp với ngành văn hóa bàn thảo xác định các mục tiêu, xây dựng các chương trình, đề án lớn để phát triển toàn diện văn hóa nước nhà với quyết tâm và tầm nhìn hướng đến tương lai.
Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 - 25/1/1994) xác định 4 nguy cơ lớn là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Sau gần 30 năm, bốn nguy cơ vẫn còn hiện hữu, thách thức và đe dọa sự tồn vong của chế độ, ổn định xã hội, tăng trưởng bền vững.
Như đã đề cập, văn hóa không phải là “chìa khóa vạn năng” giải quyết mọi vấn đề. Song vì văn hóa thẩm thấu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống cho nên nếu biết phát huy sức mạnh nền tảng tinh thần của văn hóa sẽ góp phần giải quyết các bất cập vấn đề đời sống xã hội, trong đó có bốn nguy cơ kể trên. Hẳn là người sẽ thắc mắc văn hóa có liên quan gì đến “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế”? Nguy cơ này có nhiều nguyên nhân, trong đó có năng suất lao động thấp. Năng suất lao động thấp ngoài nguyên nhân thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức còn tồn tại vấn đề là về tác phong, môi trường văn hóa làm việc, thái độ làm việc của người lao động chưa thật chuyên nghiệp, chuẩn mực. Nếu khắc phục tác phong chậm chạp, thói quen thụ động lười suy nghĩ sáng kiến, loại bỏ thói cả nể, minh bạch khách quan trong khen thưởng, xử phạt nghiêm minh…; tất yếu sẽ tinh thần người lao động sẽ thay đổi, hết mình với công việc, năng suất lao động vì thế sẽ được nâng cao.
Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu, từng bước xác lập bốn hệ giá trị: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Điều quan trọng là chúng ta phải xác định những giá trị có tính bao trùm, có tác dụng điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của văn hóa, con người Việt Nam. TS Hồ Bá Thâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực-nhân tài TP Hồ Chí Minh, đề nghị: “Không nên đặt giá trị “sáng tạo” ở vị trí cuối cùng trong chuẩn mực con người Việt Nam. Bởi lẽ, sáng tạo là thành tố then chốt ở thời đại công nghiệp 4.0; khuyến khích sự sáng tạo trong mỗi con người Việt Nam thì mới có quốc gia sáng tạo, mới có nhiều phát kiến giúp dân giàu, nước mạnh”.
Một giá trị khác mà nhiều người nhà nghiên cứu đề xuất cần được đặt ở vị trí trung tâm của thời đại là “pháp luật” cùng với đó là “kỷ cương”, “kỷ luật”. Pháp luật mới có tính bắt buộc, bất vị thân mới đủ sức răn đe, ngăn chặn những thói hư tật xấu như tùy tiện, cả nể, tham nhũng, tiêu cực… Từ “tiểu sự” cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm, lái xe không dùng rượu bia đến “đại sự” là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, pháp luật được thực thi nghiêm minh, minh bạch đã có tác động điều chỉnh “mặt trái” của cả xã hội.
Như vậy, trong thời gian tới, khi thiết kế bất cứ một chủ trương, chính sách nào cần phải chú ý đến yếu tố văn hóa, bám sát vào các hệ giá trị chủ chốt, tạo ra “sức mạnh mềm” của văn hóa để phát triển, điều tiết các vấn đề hệ xã hội, con người. Có như vậy, văn hóa thực sự góp sức cho mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao ngày càng gần hơn, rõ hơn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tam-va-tam-chia-khoa-kien-tao-van-hoa-viet-nam-ar745033.html