Tầm vóc Nguyễn Huệ qua góc nhìn ở các thời đại khác nhau
Đã từ rất lâu, khi nhắc đến Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, không ít người thường dành cái nhìn ưu ái hơn dành cho Nguyễn Huệ. Song, không phải trong thời kỳ nào, Nguyễn Huệ được những người viết sử tôn vinh như thế.
Những diễn ngôn qua các thời kỳ về Nguyễn Huệ cùng với triều đại Tây Sơn là một trong những nội dung đáng chú ý, được TS. Nguyễn Quốc Vinh (Đại học Columbia, Mỹ) làm sáng tỏ trong tọa đàm "Tây Sơn và Nguyễn Ánh: Nhìn lại hai thế kỷ nhận thức lịch sử" vừa diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thái độ gay gắt của cựu thần nhà Lê với Nguyễn Huệ
Sau khi nghĩa quân Tây Sơn giành được ngôi nước, ngoài những kẻ cơ hội hợp tác với Tây Sơn, hay những sỹ phu Bắc Hà phản đối chế độ quân chủ mới này, còn có những “khoảng xám” giữa hai thái cực đen trắng đó.
Tiêu biểu phải kể đến La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Sự do dự của ông khi thần phục nhà Tây Sơn, được TS. Nguyễn Quốc Vinh chỉ ra qua những thư từ trao đổi với Nguyễn Huệ, sau này được tập hợp trong cuốn La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn. Xét thấy, Nguyễn Thiếp đại diện cho thái độ do dự của sĩ phu Bắc Hà bị khuất phục trước áp lực của thế lực quân sự của Nguyễn Huệ, nhưng vẫn cố gắng giữ tính cương thường. Nguyễn Thiếp luôn gọi Nguyễn Huệ là “quý quốc”, cách nói như với một kẻ xa lạ ở bên ngoài.
Trong những sĩ phu Bắc Hà hợp tác với Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm là nhân vật lịch sử được TS. Nguyễn Quốc Vinh chú trọng nhất. Ngoài viết ba bài biểu suy tôn Nguyễn Huệ làm vua và bài chiếu lên ngôi của Quang Trung, ông đảm đương phần lớn trách nhiệm bang giao với nhà Thanh. Đây là vấn đề rất quan trọng để hợp thức hóa quyền lực của triều đại mới cả trong và ngoài nước. Bởi bang giao với nhà Thanh nhằm mong muốn nhận được phong chức tước, thay thế nhà Lê trước đó, làm chủ Đại Việt.
Việc cầu phong được các học giả bàn tán rất sôi nổi, đặc biệt là lễ bát tuần đại khánh của Càn Long. Nổi bật trong đó, vấn đề gây tranh cãi cho đến ngày nay là nhân vật Quang Trung sang dự lễ là thật hay giả. Nếu tiếp cận theo góc nhìn của sử chí học, ta sẽ khó có thể nhận định được là Quang Trung năm đó có phải là thật hay không. Các chứng cứ về mặt này, hay mặt kia là hoàn toàn chưa thuyết phục.
Song với nhà Thanh, dù là ai thì họ cũng đối xử như Quang Trung thật. Bởi họ coi đó là một dạng chiến lợi phẩm, tức là vua một nước phiên thuộc sang chầu hầu thiên tử. Thậm chí, sau khi Quang Trung qua đời, Càn Long còn thương tiếc mà làm loạt bài thơ được in trong Ngự đế thi. Càn Long nhớ về Quang Trung như nhớ về một người con ngoan đến chầu vua cha, chẳng may qua đời rất đáng thương. Có điều, trong sử Việt Nam chỉ chép lại được 1, 2 bài trong loạt các bài thơ đó.
Ngọn nguồn của tranh cãi đó, TS. Nguyễn Quốc Vinh cho rằng, đến từ những kẻ xấu mồm phao tin Tây Sơn lừa gạt nhà Thanh là thần tử của nhà Lê. Chính nhà Tây Sơn cũng phải đối phó với những lời đồn đại và phải thanh minh với nhà Thanh. Những thần tử của nhà Lê bêu rếu nhà Tây Sơn là đưa vua giả đi như thế là không có đức độ, trí trá với người ngoài, không có đức để hưởng mệnh trời.
Học giả Nguyễn Duy Chính trong nghiên cứu của mình, đã cho rằng, bên chống Tây Sơn có chủ đích nói xấu Tây Sơn, nên chúng ta không hoàn toàn tin những lời của họ. Cho nên, cho dù đúng hay sai, có những động thái đưa ra diễn ngôn lịch sử, mà có thể nhìn thấy rõ là mục đích chi phối sự thật lịch sử. Tuy nhiên, sang thế kỷ 20, giả vương nhập cận là điều mà một số người Việt Nam rất tự hào. Vì bấy giờ, người ta cho rằng, ta vốn dĩ là nước có chủ quyền, không bao giờ thần phục những nước lớn, nên chỉ sai người giả đi thay.
Xóa sổ tầm vóc của Nguyễn Huệ sau khi triều Nguyễn thành lập
Sau khi nhà Tây Sơn suy tàn, thực thể nhà Tây Sơn chấm dứt, cần viết lại lịch sử thế nào, để trở thành quá khứ khả dụng cho nhà Nguyễn. Do Tây Sơn đánh đổ nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, trở thành là kẻ thù của nhà Nguyễn sau này, nên không thể nào chấp nhận Tây Sơn là triều đại chính thống. Song, nhà Tây Sơn vẫn đóng vai trò quan trọng, là bản lề kết nối hai diễn ngôn.
Trong Việt Định Khâm giám cương mục, cuốn này viết về từ thời Hồng Bàng đến hết nhà Lê, nhưng loại bỏ triều Tây Sơn ra khỏi lịch sử. Nhưng Ngụy Tây liệt truyện, viết trong Đại Nam liệt truyện lại có nói đến 3 khái niệm: khái niệm “báo”, trung hưng, chính thống. Mục đích của Ngụy Tây liệt truyện viết về kẻ thù của mình, nhằm răn đe, thiết lập tính chính danh cho triều đại mới.
“Báo” là một khái niệm đa thức trong Hán tự, trong đó có báo ứng, báo thù, báo đáp. Tương truyền, Quang Trung mơ thấy tổ tiên nhà Nguyễn hiện ra mắng chửi là xâm phạm đến lăng tẩm tiên hoàng, đập gậy vào đầu, sau đó, hôn mê bất tỉnh và chết. Ngày nay, có thể lý giải là vua bị đột quỵ. Nhưng dưới góc nhìn lúc bấy giờ, người ta cho rằng, Nguyễn Huệ bị báo ứng do xâm phạm lăng tẩm chúa Nguyễn. Còn Nguyễn Ánh báo thù cho dòng họ của mình, nên đã thảm sát nhà Tây Sơn khi giành chiến thắng, đồng thời cũng báo đáp các công thần giúp đỡ mình.
Diễn ngôn trung hưng diễn ra trong bối cảnh một triều đại đang hưng thịnh, bị suy vong, nhưng nhờ trời, nhờ đức độ của người, mà được khôi phục lại. Ở đây, Nguyễn Nhạc đứng đầu cuộc nổi dậy chống chúa Nguyễn, đến Nguyễn Huệ diệt chúa Nguyễn, chúa Trịnh, vua Lê, rồi Nguyễn Quang Toản đánh mất cơ nghiệp nhà Tây Sơn vào tay Nguyễn Ánh. Trung hưng, được TS. Nguyễn Quốc Vinh nhấn mạnh là quá trình diễn ra trong một triều đại, nhấn mạnh tính liên tục của lịch sử.
Diễn ngôn chính thống là làm sao để hợp thức hóa, thuyên chuyển quyền lực từ nhà Lê sang nhà Nguyễn. Bởi dưới các chúa Nguyễn, chúa Nguyễn vẫn xưng thần, coi vua Lê là bậc chí tôn. Thành thử, khi kế thừa nhà Lê, nhà Nguyễn không muốn thể hiện mình cướp ngôi nhà Lê. May thay, nhà Tây Sơn đã làm việc cướp ngôi từ trước đó. Công của Tây Sơn là cướp ngôi nhà Lê, để sau này nhà Nguyễn giành được mệnh trời về tay mình một cách hợp thức. Vì vậy, tuy Tây Sơn là một điều cấm kỵ dưới triều Nguyễn như đã nói ở trên, nhưng lại đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển giao quyền lực từ nhà Lê sang nhà Nguyễn.
Anh hùng Nguyễn Huệ qua góc nhìn của các tri thức thời Pháp thuộc
Tây Sơn bị bôi nhọ là Ngụy Tây, nhưng trong lòng người Bình Định vẫn ấp ủ sự mến mộ, ca ngợi dành cho anh em Tây Sơn. Điều này được thể hiện qua các truyện Nôm của anh em họ Nguyễn ở thôn Vân Sơn (nay thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) như Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì,… Để rồi đến đầu thế kỷ 20, sự âm ỉ ấy trỗi dậy và tiếp sức cho diễn ngôn mới, Nguyễn Huệ trở anh hùng dân tộc, chứ không phải kẻ tội đồ.
Dưới chế độ thực dân, Việt Nam bị tác động bởi chủ nghĩa đa nguyên sống còn, hiện tượng cá lớn nuốt cá bé. Những khái niệm này thẩm thấu vào Việt Nam qua tân thư, tân học từ Nhật Bản và Trung Quốc. Nói về Nguyễn Huệ, Nguyễn Tử Siêu viết bộ tiểu thuyết Việt Thanh chiến sử gồm 12 cuốn. Bộ này có những lời thoại, lời bàn rất mới như Quang Trung hiệu triệu quân sĩ nói về công dân, đất nước.
Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim đã lần đầu biện minh cho nhà Tây Sơn, nhận định Quang Trung xứng đáng được nằm trong truyền thống chính thống của các triều đại Việt Nam. Sau đó, Phạm Huy Hổ đã đặt Nguyễn Huệ ngang hàng với Á châu thất hùng, 7 anh hùng nổi danh của châu Á trong lịch sử, như: tiên tri Mohammed, Thành Cát Tư Hãn,… Và xem Nguyễn Huệ như đệ bát hùng của châu Á. Đây là cái nhìn mới khi so sánh người Việt trong nước với nước ngoài.
Bức “An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình” (tên thật vua Quang Trung) lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Ảnh: TL
Giữ thái độ có phần trung lập, Nam Đán Nguyễn Văn Bình vừa khen, vừa chê nhân vật Quang Trung trong truyện của mình. Ông khen ngợi những công lao của Nguyễn Huệ, song lại phê phán Nguyễn Huệ thất đức, nên nhà Nguyễn mới lấy được mệnh trời. Hóm hỉnh hơn, Nguyễn Văn Bình lấy hai nhân vật của phương Tây là Napoleon Bonaparte và Adolf Hitler. Ông cũng mong mỏi, Nguyễn Huệ cũng làm mưa làm gió như Hitler thì dân tộc Việt Nam sau này đỡ khổ. TS. Nguyễn Quốc Vinh nhìn nhận, so sánh Nguyễn Huệ với Napoleon - vị vua oanh liệt nhất trong lịch sử nước Pháp là sâu sắc nhất. Bởi Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng, chết trong đỉnh vinh quang. Còn Napoleon thất bại ở Waterloo, chết trong khi bị lưu đày.
Nhìn chung, theo TS. Nguyễn Quốc Vinh, lịch sử ở mỗi giai đoạn có những biểu hiện của riêng nó, phản ánh hình tượng và giá trị gắn với thời đại đó. Số phận của các nhân vật lịch sử cũng “chìm nổi” trong những biểu hiện của thời đại. Song, những công trạng của bất kỳ nhân vật lịch sử nào cũng cần có sự nhìn nhận công tâm từ hậu thế.