Tân Châu, một lần ghé đến

Tân Châu nằm bên kia bến phà Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp. Tôi đến đó vào một buổi chiều, trời nhiều mây nên không nhìn thấy mặt trời lặn về phía nào. Chuyến phà cuối ngày thưa thớt người, không thấy ai hối hả vội vàng. Thị xã Tân Châu nhỏ bé nằm sát bờ sông, vắng vẻ, hiền hòa, không có nhà cao tầng, chỉ có những dãy nhà phố buôn bán nhỏ lẻ. Nghe nói chỗ này ngày xưa là một khu phố sầm uất, nhưng có một năm con sông hiền hòa đột nhiên nổi giận, bờ sông đổ sụp kéo theo một dãy phố. Buổi chiều đi qua, mặt trời giấu mình ở đâu đó làm cho con phố vốn lặng lẽ cũng trở nên buồn hiu hắt, vài người bắc ghế trước cửa nhà mình ngồi ngó ra đường, gương mặt an nhiên tự tại, thản nhiên nhìn chiếc xe lạ đang chầm chậm đi qua. Lần đầu tiên đến Tân Châu nên chúng tôi không tìm được địa chỉ phải đến, ông chủ khách sạn phải chạy xe ra đón tận cái bùng binh chỗ bắt đầu vào phố. Gương mặt hiền lành của ông chủ làm những người khách áy náy khi bảo với nhau là nếu ở thành phố khác chắc không được đón tiếp như thế.

Buổi tối, những con đường của Tân Châu không thấy rực rỡ ánh đèn, không ồn ào tiếng xe cộ, chỉ có những cửa hàng nhỏ đèn vàng vắng khách nên con đường buồn thiu. Cả thị xã chỉ có một nhà hàng nhỏ mà khi chúng tôi tìm đến thì không tiếp khách vì đã có tiệc đặt trước. Đêm ở lại Tân Châu, chúng tôi ăn tối ở một quán cơm tấm ở vỉa hè, buôn bán dựa vào ngọn đèn đường màu vàng hắt ra thứ ánh sáng mờ mờ. Cô chủ hàng vui vẻ chào mời khách bằng giọng nói Nam Bộ rất dễ thương, nhưng buổi tối cũng chỉ mới bắt đầu mà trong nồi chỉ còn vừa đủ mười một đĩa cơm. Đĩa cơm không nhiều nhưng gạo dẻo và thơm, miếng thịt nướng mỏng tang nhưng ướp vừa miệng, vài miếng dưa leo, thêm mấy cọng cà rốt chua ngọt và chén nước chấm lại ngon cực kỳ, giá chỉ mười bảy ngàn đồng. Chúng tôi nói với nhau, nếu cô hàng nói giá hai mươi ngàn đồng đĩa cơm ấy thì chúng tôi cũng không kêu đắt và không thắc mắc gì. Điều đó làm cho những người khách mới gặp đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi tính cách thật thà, thân thiện của người dân thị xã Tân Châu.

Đêm đó, chúng tôi nghỉ lại ở một khách sạn được cho là nhất, nhì thị xã. Khách sạn khá rộng rãi, tương đối sạch sẽ nhưng trong phòng giường nệm đơn giản, có máy lạnh nhưng không có tivi. Cả khách sạn chỉ thấy ông chủ kiêm phục vụ hiền lành đến chậm chạp nên không nỡ đòi hỏi gì thêm. Một đêm khó ngủ vì sự im ắng đến lạ kỳ, ngoài đường không nghe tiếng xe chạy, không có tiếng người nói chuyện hay cãi nhau, không có cả tiếng chó sủa vu vơ. Trong cái lặng thinh đó dường như nghe được tiếng đêm dài đang chầm chậm lướt qua.

Buổi sáng ở Tân Châu cũng bình yên. Bên cạnh khách sạn là một cái chợ nhỏ, hàng quán đơn sơ dù có hầu hết những mặt hàng của một cái chợ, từ áo quần, tạp hóa đến các loại thực phẩm. Khách rất ngạc nhiên khi người ta bắt đầu họp chợ cũng nhẹ nhàng, không nghe tiếng nói cười hay cáu gắt gì. Những gian hàng dọc theo con đường ngang chợ cũng mở cửa bắt đầu một ngày và cảm nghĩ của khách là sáng nay chỉ khác chiều hôm qua ở chỗ mặt trời vừa nhô lên khỏi những mái nhà và đổ xuống ánh nắng ấm áp xua tan bóng tối của ngày hôm trước. Chợt nghĩ đó có phải là sự bình yên đặc thù của Tân Châu không?

Chúng tôi rời Tân Châu trên một chuyến phà nhỏ hơn chuyến phà ngày hôm trước, nối liền Tân Châu và thành phố Châu Đốc. Lúc đã ở trên bến phà, tôi quay nhìn lại nơi mình vừa mới từ giã, Tân Châu nhỏ bé, dịu dàng và trầm mặc như không quan tâm đến phố thị ồn ào rực rỡ bên này. Cách nhau chỉ một bước chân mà sao khác nhau nhiều như thế, nhưng Tân Châu lại rất đáng yêu trong lòng chúng tôi.

Sẽ nhớ rất nhiều. Hẹn có lần trở lại nhé, Tân Châu.

LƯU CẨM VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202212/tan-chau-mot-lan-ghe-den-8272459/