Tân Châu: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu
Hạt nhân trong việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chính là các cơ sở chăn nuôi.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu là hết sức cần thiết. Trong đó, hạt nhân trong việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chính là các cơ sở chăn nuôi.
Chủ động phòng bệnh
Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi gà và chăn nuôi theo kiểu “gối đầu” nên chuồng trại của gia đình ông Nguyễn Văn Duy ở ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu lúc nào cũng có hàng ngàn con gà. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh luôn được ông đặt lên hàng đầu và tuân thủ đúng quy trình. Ông Nguyễn Văn Duy cho biết, gia đình ông bắt đầu nuôi gà từ năm 2014, trải qua nhiều thăng trầm của nghề chăn nuôi, ông hiểu rõ, điều quan trọng nhất trong chăn nuôi chính là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nếu xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó khống chế, thiệt hại vô cùng lớn.
Hiện tại, gia đình ông Duy đang có 3 trại nuôi gà theo kiểu bán công nghiệp, quy mô mỗi trại khoảng 3.000 con mỗi lứa. Nguồn con giống được ông lựa chọn nhập từ những trại lớn ở tỉnh Bình Phước, gà bố mẹ đã được tiêm vaccine đầy đủ, khả năng kháng bệnh của con giống cũng cao hơn. Gà con khi nhập về, ông cũng tiến hành tiêm ngừa đầy đủ các loại bệnh phổ biến, nhất là vaccine phòng bệnh cúm gia cầm. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là những biện pháp hàng đầu được gia đình ông thường xuyên thực hiện và mang lại nhiều hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà.
“Điều quan trọng nhất trong nuôi gà là phải tiêm vaccine đầy đủ để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Đối với gà thịt, mình tuân thủ đúng quy trình, 3-7 ngày tuổi tiêm vaccine Lasota và Gumboro, 15 ngày tuổi tiêm vaccine lần 1 để phòng bệnh cúm gia cầm”- ông Duy chia sẻ.
Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học
Chăn nuôi an toàn sinh học là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại bên trong cơ sở chăn nuôi; không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi; đây là giải pháp tối ưu để phát triển chăn nuôi bền vững.
Nhờ làm tốt công tác phòng dịch mà những năm gần đây, huyện Tân Châu đã và đang thu hút nhiều dự án trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. Các cơ sở chăn nuôi đã đầu tư chuồng trại rất hiện đại, khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vì vậy trong 2 năm qua trên địa bàn huyện không xuất hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm.
Tại trang trại chăn nuôi gà của Công ty TNHH Sài Gòn Tây Ninh (ấp 5, xã Suối Dây, huyện Tân Châu) hiện đang nuôi khoảng 360.000 con gà theo hợp đồng gia công cho De Heus Việt Nam.
Ông Lý Văn Tâm- quản lý trang trại của Công ty TNHH Sài Gòn Tây Ninh cho biết, để đáp ứng yêu cầu của đối tác, ngoài việc tuân thủ quy trình tiêm vaccine ngừa các loại bệnh, công ty đã đầu tư, xây dựng hệ thống trang trại kiên cố, khép kín, hiện đại; tuân thủ những quy định chăn nuôi an toàn sinh học hết sức nghiêm ngặt, nhất là công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại được thực hiện thường xuyên; xây dựng hệ thống khử trùng các phương tiện và người ra vào trại.
Hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có huyện Dương Minh Châu được công nhận là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) cúm gia cầm và bệnh Newcastle đối với gà. Theo kế hoạch, trong năm 2024, ngành Thú y tiếp tục triển khai xây dựng vùng chăn nuôi ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle trên gà tại huyện Tân Châu. Bên cạnh đó, mục tiêu đến cuối năm 2025, sẽ có thêm huyện Tân Biên được công nhận cơ sở chăn nuôi ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle.
Ông Dương Văn Phụng- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu cho biết, tính đến hết quý I năm 2024, tổng đàn gia cầm của huyện khoảng 2.000.000 con. Trong đó, có 1.600.000 con (gà) tại 9 trang trại (chiếm khoảng 85% tổng đàn); 178.000 con (gà) tại 8 hộ chăn nuôi bán công nghiệp quy mô vừa và có 9 hộ chăn gia trại với tổng số khoảng 39.300 con (gồm gà, vịt, ngan) và 107.152 con được chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ.
Từ năm 2023, ngành chăn nuôi huyện Tân Châu bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle. Để được công nhận an toàn dịch bệnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Trong đó, khuyến khích người dân chuyển đổi từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, trang trại khép kín; áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các biện pháp thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát khá tốt. Các bệnh dịch thông thường trên gia súc, gia cầm được phát hiện, xử lý kịp thời.
Tính đến cuối năm 2023, đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 9 triệu con, sản lượng thịt đạt 49.000 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Tỉnh hiện có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con, tăng 40,8% số trang trại chăn nuôi gia cầm so với năm 2017. Trong đó, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; 1 vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 74 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Tây Ninh sẽ hoàn thành xây dựng thêm vùng an toàn dịch bệnh (cúm gia cầm và Newcastle) trên gà tại 2 huyện Tân Biên và Tân Châu.