Tấn công bằng hóa chất: Đòn thù hiểm độc

Tấn công bằng hóa chất để lại di chứng nặng nề về thể xác và tinh thần, nạn nhân sống đau khổ suốt đời, thậm chí tử vong

Ngày 24-5, Công an TP HCM cho biết đang phối hợp Công an quận 7 tạm giữ Đặng Hoàng Toàn (SN 1988) về hành vi tạt hóa chất vào nhóm công nhân.

Ra tay chớp nhoáng, hậu quả nặng nề

Chiều 22-5, Toàn cùng nhiều công nhân khác ngồi nhậu tại con hẻm 502 Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM. Trong lúc nhậu, giữa Toàn và một số người xảy ra cự cãi nhưng được can ngăn.

Sau đó, Toàn bỏ lên gác phòng trọ ngủ nhưng vẫn nghe nhóm bạn nhậu nói xấu mình. Bực tức, Toàn lấy bình hóa chất (loại dùng để tẩy sơn) có sẵn trong nhà vệ sinh đi ra tạt vào nhóm công nhân đang ngồi nhậu. Anh N.H.L (44 tuổi) bị dính nhiều nhất nên gục tại chỗ, 7 người khác bị phỏng nặng.

Trở lại hiện trường xảy ra vụ việc vào sáng 24-5, phóng viên ghi nhận dãy trọ khoảng 5 căn cửa đóng then cài, bàn ghế, quần áo, vật dụng cá nhân… ngổn ngang.

Một phụ nữ sống cách dãy trọ 20 m cho biết Toàn làm nghề sơn nước, cùng vợ và hai con mới dọn về dãy trọ hơn một tháng nay. "Những người ngồi nhậu đều là công nhân trong Khu Chế xuất Tân Thuận (quận 7), cuộc sống bình thường và sống ở dãy trọ đã lâu. Một tháng nay mọi người thỉnh thoảng tụ tập ăn uống, trong đó có Toàn" - người phụ nữ nói.

Mua bán axít ở chợ Kim Biên, quận 5, TP HCM. Ảnh: ÁI MY

Mua bán axít ở chợ Kim Biên, quận 5, TP HCM. Ảnh: ÁI MY

Sau khi xảy ra sự việc, các nạn nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Do bị phỏng quá nặng, anh N.H.L đã tử vong. Anh N.Đ.V (SN 1986, quê Long An) cũng đã tử vong vào rạng sáng 24-5. Những nạn nhân còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hồng, Khoa Mắt - Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá đây là tình trạng nặng cần báo động đỏ nên các bệnh nhân được hội chẩn nhiều chuyên khoa. Hai bệnh nhân được cấp cứu chuyển lên Khoa Mắt, một bệnh nhân nặng hơn được chuyển lên phòng mổ để rửa mắt và thoa thuốc vào vùng da bị phỏng; 2 bệnh nhân nhẹ thì phỏng mắt độ 2 và thị lực đếm ngón tay trên 1 m; bệnh nhân nặng thì cần theo dõi thêm.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Phước Tiến, Phó trưởng Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin hằng năm bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp phỏng hóa chất, trong đó có axít. Nguyên nhân những vụ việc này xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm, xung đột cá nhân trong công việc, cuộc sống. Những bệnh nhân phỏng axít thường để lại di chứng rất nặng nề, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật để hòa nhập cuộc sống.

Phải quản lý chặt

Đến chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM) sáng 24-5, có hàng trăm sạp, ki-ốt bày bán hóa chất công khai. Ngoài các loại hóa chất như thuốc nhuộm, chất tạo màu, hương liệu…, axít cũng được bán theo nồng độ khác nhau - từ axít loãng đến các loại đậm đặc hơn.

Nghe chúng tôi hỏi mua axít clohydric (HCl), một chủ cửa hàng bên trong chợ nhìn chúng tôi một lượt rồi cho biết axít muốn mua phải nói rõ tên axít, mua về sử dụng với mục đích gì?

"Mỗi loại axít có nồng độ khác nhau, cách dùng khác nhau. Nếu mua về làm đồ thủ công, kinh doanh phải có giấy phép của nhà nước. Dĩ nhiên, trong chợ có nơi người ta bán mà không đòi hỏi gì nhưng chỗ tôi bán là phải đúng quy định, có giấy tờ mới bán" - chủ cửa hàng này nói.

Một số tiểu thương khác dè dặt hỏi chúng tôi mua loại axít nào, làm gì, cũng có người nói: "Không ai bán đâu. Bán công an bắt rồi sao?".

Chúng tôi trình bày muốn mua hóa chất về lau sàn của công trình nhà đang thi công. Lúc này, họ đồng ý bán nhưng phải mua số lượng lớn. Một chủ sạp ra mức giá 20.000 đồng/lít axít HCl, mua 5 lít trở lên mới bán; nếu mua 30 lít thì chỉ 15.000 đồng/lít.

Chúng tôi mua 5 lít, chủ sạp đứng dậy, dùng tay không cầm can axít HCl rót vào can nhỏ mà không cần dụng cụ bảo hộ. Rót chừng 2 lít, can 30 lít hết, người bán nhanh chóng vào bên trong sạp hàng lấy tiếp 1 can 30 lít. Do can đầy, người bán dùng ống chiết chứ không đổ hẳn ra như trước. Can axít không có bao bì, tem nhãn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Người bán dặn dò: "Giữ kín chứ đừng để lung tung. Tẩy gì thì tẩy, không được để dính vào da, nó mạnh lắm, hơn các loại tẩy khác, pha loãng 1 lít nước và 1 lít axít là tẩy rất mạnh rồi".

Nói về việc quản lý buôn bán hóa chất, đặc biệt là axít, luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Đông Phương Luật - cho rằng những vụ án đau lòng do hóa chất gây ra là vấn đề nhức nhối trong xã hội.

"Dù pháp luật khá nghiêm khắc trong chế tài nhưng nạn tạt axít vẫn xảy ra thường xuyên. Vì sao như vậy? Phải chăng hình phạt chưa đủ răn đe? Công tác quản lý việc mua bán hóa chất còn lỏng lẻo? Sự phát hiện, ngăn ngừa các vụ việc chưa kịp thời? Hay là tất cả các nguyên nhân nêu trên?" - luật sư Nguyễn Thành Công đặt câu hỏi.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, để hạn chế loại tội phạm này, cần xem lại việc quản lý kinh doanh mặt hàng hóa chất, đặc biệt là axít. Cần thiết phải đưa axít vào loại hàng kinh doanh có điều kiện và có báo cáo về người mua.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng 7 VKSND TP HCM, phân tích: "Hiện nay, luật pháp rất nghiêm khắc đối với hành vi dùng axít tấn công người khác, có người đã phải lãnh án tử hình do nạn nhân tử vong. Vấn đề là việc quản lý mua bán hóa chất cần phải nghiêm ngặt hơn chứ như hiện nay thì đáng suy ngẫm".

Ngày 26-7-2023, Bùi Duy Khánh (SN 1989, quê Thanh Hóa) đã dùng axít tấn công vợ mình là chị Q.T.M (SN 1990) khiến chị phỏng nặng vùng mặt.

Ngày 25-2-2023, Lưu Hoàng Ân (SN 1986) đã dùng axít tạt vào người chị Đ.T.L (ngụ Bình Dương) khiến chị tử vong. Nguyên nhân là do chị L. có lời lẽ xúc phạm Ân và bạn gái.

Ngày 18-1-2023, chị L.T.H (SN 1992, quê Thanh Hóa) đang điều khiển xe máy chở con trai 8 tuổi và chị gái thì bị tạt axít khiến cả 3 phỏng nặng. Công an xác định Đỗ Viết Lợi (SN 1981) đã thuê người tạt axít chị H. vì níu kéo tình cảm bất thành.

ÁI MY - ANH VŨ - PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tan-cong-bang-hoa-chat-don-thu-hiem-doc-196240524213158773.htm