Tấn công đòi tiền chuộc ransomware vào các doanh nghiệp Việt tăng đột biến

Các cuộc tấn công đòi tiền chuộc (ransomware) không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn rất phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt sau khi khái niệm tiền mã hóa (crypto) ra đời...

Các cuộc tấn công ransomware đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các tổ chức bị tấn công. Ảnh minh họa

Các cuộc tấn công ransomware đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các tổ chức bị tấn công. Ảnh minh họa

Các cuộc tấn công ransomware đã và đang diễn ra với mức độ phức tạp và nguy hiểm ngày càng cao, tạo ra những thách thức lớn cho các tổ chức và doanh nghiệp trong việc bảo vệ hệ thống và dữ liệu của mình. Bối cảnh an toàn thông tin đang chứng kiến sự biến động không ngừng, với số lượng và quy mô các cuộc tấn công mã độc tăng lên đáng kể.

SỐ VỤ TẤN CÔNG RANSOMWARE VÀO CÁC TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM ĐANG GIA TĂNG

Theo báo cáo của Viettel Threat Intelligence năm 2023, đã có 12 triệu tài khoản bị xâm nhập trên không gian mạng và 48 triệu bản tin dữ liệu cá nhân, tổ chức bị rò rỉ. Các dữ liệu này bị đăng tải và mua bán trên các diễn đàn và trang mạng như Telegram.

Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, năm 2023 đã ghi nhận gần 6.000 tên miền giả mạo trên không gian mạng, tăng 30% so với năm 2022. Hiện tượng giả mạo tên miền tài chính này dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, vì đây là một trong những hình thức tấn công lừa đảo phổ biến và dễ thực hiện, nhằm chiếm đoạt tài khoản và tiền của cá nhân. Dự báo trong 5 năm tới, con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Viettel chỉ ghi nhận 9 vụ tấn công mã độc tống tiền và 24 cuộc tấn công có chủ đích vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, Viettel đã ghi nhận khoảng 2.300 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, cho thấy sự gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có khoảng 30 vụ ransomware nhắm vào các tổ chức lớn, ngân hàng và tổ chức tài chính. Và 70% chính là tỉ lệ tăng đột biến của các chiến
dịch ransomware đầu năm 2024 so với cùng kì 2023 nhắm vào các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Viettel dự đoán số lượng các vụ tấn công này sẽ tiếp tục gia tăng, bởi vì mô hình tấn công ransomware rất dễ triển khai nhưng khó phát hiện, đồng thời gây ra những khó khăn lớn cho các tổ chức trong việc khôi phục dữ liệu và hệ thống.

Ransomware là phần mềm gián điệp hay phần mềm tống tiền, được thiết kế để mã hóa dữ liệu và yêu cầu tiền chuộc để giải mã. Nếu như các cuộc tấn công khác chỉ gây gián đoạn hoặc ngưng trệ hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, thì ransomware lại hoạt động theo hình thức đòi tiền chuộc để giải mã dữ liệu. Việc yêu cầu tiền chuộc này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn rất phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt sau khi khái niệm tiền mã hóa (crypto) ra đời. Crypto đã trở thành phương tiện để các đối tượng tấn công yêu cầu doanh nghiệp và tổ chức trả tiền chuộc mà không để lại dấu vết.

Ransomware có hai loại điển hình, đó là Locker Ransomware (khóa máy tính, từ chối truy cập hệ thống) và hai là Crypto Ransomware (mã hóa dữ liệu, làm cho dữ liệu của tổ chức không thể truy cập được). Gần đây, loại ransomware mã hóa dữ liệu trở nên phổ biến hơn. Hacker sẽ mã hóa toàn bộ dữ liệu của tổ chức và không cho phép truy cập hoặc sử dụng dữ liệu đó. Điều này dẫn đến tình trạng ngưng trệ toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tài chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Các hacker thường thâm nhập vào hệ thống qua nhiều con đường như PC, thiết bị IoT, thiết bị di động và các thiết bị khác trên mạng, để xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát dữ liệu của tổ chức. Mô hình tấn công ransomware đã có những bước tiến hóa rõ rệt chỉ trong vòng chưa đầy một năm qua. Trước đây, các cuộc tấn công ransomware thường nhỏ lẻ và việc phát hiện xâm nhập khá đơn giản. Tuy nhiên, các cuộc tấn công ransomware hiện nay đã được thiết kế rất bài bản và tinh vi hơn, sử dụng các hình thức tấn công mạng nâng cao (Advanced Network Attacks).

RANSOMWARE MANG LẠI NGUỒN LỢI NHUẬN LỚN CHO CÁC NHÓM TẤN CÔNG

Mô hình ransomware không chỉ dừng lại ở việc tấn công mã hóa dữ liệu mà còn được xây dựng dựa trên một chiến lược kinh doanh hoàn chỉnh, khiến cho nó ngày càng phổ biến và chắc chắn sẽ tiếp tục bùng phát trong năm 2025. Nguyên nhân chính là do mô hình này mang lại nguồn lợi nhuận cực kỳ lớn cho các nhóm tấn công.

Thực tế, khi các dấu hiệu tấn công không được phát hiện, điều đó có nghĩa là hệ thống của doanh nghiệp đã bị xâm nhập từ rất lâu. Tuy nhiên, quá trình mã hóa dữ liệu có thể chỉ diễn ra trong vài giờ, gây ra thiệt hại khổng lồ cho doanh nghiệp.

Vòng đời của ransomware với các giai đoạn chính, bao gồm phát tán, lúc này ransomware được phát tán qua các kênh như email hoặc các trang web độc hại. Thứ hai là lây nhiễm, khi người dùng vô tình mở tệp đính kèm hoặc nhấp vào liên kết độc hại, ransomware sẽ lây nhiễm vào hệ thống máy tính. Tiếp theo là giao tiếp với máy tính, ransomware sẽ kết nối với máy chủ điều khiển của hacker để nhận lệnh và thực hiện các hành vi tiếp theo.

Sau đó, ransomware sẽ tìm kiếm các tập tin quan trọng trên hệ thống, thường là các tập tin tài liệu, hình ảnh hoặc cơ sở dữ liệu. Sau khi tìm thấy các tập tin mục tiêu, ransomware sẽ tiến hành mã hóa chúng, làm cho người dùng không thể truy cập được. Và cuối cùng là yêu cầu tiền chuộc, hacker sẽ yêu cầu nạn nhân trả tiền chuộc, thường bằng tiền điện tử, để có được khóa giải mã và khôi phục quyền truy cập vào các tập tin.

Ransomware có khả năng xâm nhập và ẩn nấp trong hệ thống doanh nghiệp lên đến 200 ngày trước khi được kích hoạt.

Theo các chuyên gia an toàn thông tin, trong dài hạn sẽ có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến an toàn thông tin. Thứ nhất là sự phát triển không ngừng của các kịch bản tấn công, trong đó tội phạm mạng quốc tế ngày càng thực hiện các cuộc tấn công một cách bài bản hơn, có chiến lược rõ ràng và kế hoạch tấn công quy mô hơn. Điều này khiến cho các tổ chức phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng phức tạp và khó lường.

Thứ hai là thiếu hụt nhân sự an toàn thông tin. Sự thiếu hụt nhân sự có kỹ năng về an toàn thông tin đang trở thành một rào cản lớn cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo an ninh mạng. Việc không có đủ nguồn lực để vận hành và duy trì các hệ thống bảo mật khiến cho các tổ chức dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công.

Và thứ ba là mối nguy an toàn thông tin tiềm ẩn trong tổ chức. Nghĩa là, ngay cả khi chưa có dấu hiệu tấn công, các mối nguy an toàn thông tin vẫn tiềm ẩn trong hệ thống của doanh nghiệp. Những lỗ hổng bảo mật hoặc các yếu tố chưa được xử lý triệt để có thể trở thành điểm yếu để hacker lợi dụng bất kỳ lúc nào, gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tan-cong-doi-tien-chuoc-ransomware-vao-cac-doanh-nghiep-viet-tang-dot-bien.htm