Tấn công trực diện Hamas, Israel đương đầu nhiều thách thức
Sau chiến thuật không kích được áp dụng trong những tuần đầu của cuộc xung đột tại Dải Gaza, quân đội Israel đã chuyển sang giai đoạn chiến thuật mới - tấn công trực diện. Tuy nhiên, Israel đang phải đương đầu nhiều thách thức khi áp dụng chiến thuật này.
Thương vong nhiều hơn do tấn công trực diện
Với hàng loạt cuộc không kích dữ dội trên không và giao tranh trên bộ diễn ra ở phía Bắc và phía Nam Gaza, trong lúc hệ thống chăm sóc sức khỏe đang tê liệt, cuộc xung đột Israel – Hamas đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều thương vong hơn.
Các lực lượng của Israel đang áp sát thị trấn Jabalia ở phía Bắc Gaza và khu lân cận Shujaiya của thành phố Gaza. Trong khi đó, ở phía Nam, lực lượng Israel tăng cường tấn công trực diện với các chiến binh Hamas ở trong và xung quanh thành phố Khan Younis.
Chuyển sang giai đoạn tấn công trực diện, cả quân đội Israel và các quan chức Palestine đều báo cáo tổn thất nặng nề hơn. Trong những ngày gần đây, số binh sĩ Israel thiệt mạng trong các trận đánh trực diện với các tay súng Hamas đã tăng lên.
Theo quân đội Israel, kể từ khi chiến sự bắt đầu, 115 binh sĩ Israel đã thiệt mạng và khoảng 600 người bị thương ở Gaza. Đó là con số thương vong lớn hơn tất cả các chiến dịch mà quân đội Israel từng trải qua ở Gaza trước đây.
Chuẩn đô đốc Daniel Hagari - Người phát ngôn quân đội Israel xác nhận: “Chúng tôi đang ở giai đoạn có lực lượng lớn hoạt động ở Dải Gaza. Càng mở rộng hoạt động trên dải đất này thì chúng tôi càng đối mặt nhiều với tay súng Palestine và đáng tiếc là càng có nhiều người bị thương”.
Ông Hagari đồng thời khẳng định, cuộc giao tranh cũng khiến nhiều phiến quân Hamas bị tiêu diệt hoặc đầu hàng.
Theo Shalom Ben Hanan, cựu quan chức tình báo cấp cao của Israel, đây là một phần trong chiến lược của Israel nhằm giảm thương vong cho dân thường. Nhưng điều đó đang khiến quân đội Israel trả giá, và trong giới quân sự, an ninh, một số người đang bắt đầu đặt đặt câu hỏi về hiệu quả của chiến lược này.
Thách thức phá hủy mạng lưới đường hầm của Hamas
Theo các chuyên gia quân sự đã nhận định ngay từ khi Israel bắt đầu mở chiến dịch trên bộ vào Dải Gaza, một trong những thách thức lớn nhất của Israel là phá hủy mạng lưới đường hầm của Hamas dài khoảng 500km bên dưới khu vực đô thị. Việc phá hủy đường hầm là nhiệm vụ nguy hiểm và rất tốn kém đối với Israel, và còn ảnh hưởng đến tính mạng các con tin được cho là đang bị giam giữ bên trong đường hầm.
Phía Israel cho biết, quân đội Israel đã xác định được hơn 800 đường hầm dưới lòng đất của Hamas, chủ yếu được sử dụng để cất giấu vũ khí, đạn dược, cũng là trung tâm chỉ huy và hầm trú ẩn cho các tay súng Hamas. Theo người phát ngôn của quân đội Israel, IDF đã vô hiệu hóa khoảng 500 hầm bằng nhiều phương thức khác nhau, bao gồm cả việc cho nổ phá và phong tỏa.
Quân đội Israel đang có những bước đi thận trọng trong việc xử lý các đường hầm ở Gaza. Vì một cuộc chiến dưới đường hầm, nếu xảy ra, chắc chắn thương vong sẽ không hề thấp. Vì thế, quân đội Israel đã tính đến một phương án mới là bơm nước biển phá hủy đường hầm. Tuy nhiên, việc này cũng đang gặp thách thức.
Thứ nhất, nhiều video cho thấy mạng lưới đường hầm của Hamas được thiết kế theo kiểu ngắt đoạn, có cửa khóa kín nước từng đoạn, cho nên dù bơm nước vào thì cũng chỉ có thể làm ngập một đoạn, không gây ngập cho toàn bộ hệ thống.
Thứ hai, một hệ thống máy bơm cùng đường ống kéo dài nhiều km không chỉ khiến quân đội Israel phải tăng cường lực lượng bảo vệ máy bơm, mà còn khiến tuyến đường ống máy bơm đó trở thành mục tiêu tấn công mới.
Nhà khoa học Eilon Adar cho rằng, việc bơm nước biển vào đường hầm có thể gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nước ngầm của Gaza. Ông nhấn mạnh: “Nếu vài triệu mét khối nước biển được bơm vào các đường hầm và thấm vào tầng ngậm nước, tác động tiêu cực đến chất lượng nước ngầm sẽ kéo dài trong nhiều thế hệ, tùy thuộc vào lượng thấm vào lòng đất.”
Những người khác cũng lo lắng về những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, ô nhiễm đất và hệ sinh thái tổng thể trong khu vực do kim loại dưới lòng đất gây ra.
Quan trọng hơn, Hamas có thể đang giam giữ con tin dưới đường hầm. Theo ước tính của phía Israel, Hamas vẫn giam giữ khoảng 138 con tin. Hamas cảnh báo rằng, sẽ không có con tin nào còn sống rời Gaza trừ khi yêu cầu của nhóm này về thả tù nhân được đáp ứng.
Với Israel, mục tiêu xuyên suốt là tiêu diệt, loại bỏ Hamas, nhưng trước mắt là đưa tất cả con tin trở về. Trong khi đó, nhấn chìm đường hầm bằng nước biển hay đột kích tấn công vào đường hầm sẽ khiến Israel rơi vào cái bẫy giết con tin và chịu áp lực phản đối từ dư luận.
Ngoài thách thức về đường hầm, Israel còn phải đối mặt với một khó khăn khác, đó là các cuộc phục kích chiến thuật từ phía Hamas khi đánh trực diện.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Mỹ cho biết, các thiết bị nổ, bãi mìn và bẫy chống tăng tự chế là những mối nguy hiểm mà quân đội Israel gặp phải.
Theo các nhà phân tích, cuộc phục kích cho thấy Hamas vẫn duy trì được mức độ hiệu quả về mặt chiến thuật, cho phép các chiến binh thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật phức tạp.
Áp lực từ Mỹ kêu gọi giảm thương vong cho dân thường
Không chỉ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong chiến dịch đổ bộ vào đô thị Gaza, Israel còn phải đối mặt với áp lực trực tiếp ngày càng tăng từ Mỹ. Các động thái trong nhiều tuần qua từ phía Mỹ cho thấy, Washington đang gây áp lực, kêu gọi Israel thay đổi chiến thuật quân sự ở Gaza, nhằm giảm thương vong cho dân thường, trong khi cộng đồng quốc tế vẫn liên tục hối thúc một lệnh ngừng bắn giữa hai bên.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết đã thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc thu hẹp quy mô các hoạt động cường độ cao của Israel tại Gaza, nhưng từ chối cung cấp thời gian biểu cụ thể.
Ông Sullivan nhấn mạnh: "Cuộc chiến chống lại Hamas sẽ mất thời gian và sẽ diễn ra theo từng giai đoạn. Chúng tôi đã nói điều đó ngay từ đầu. Không có gì mâu thuẫn khi nói rằng, cuộc chiến sẽ mất nhiều tháng và các giai đoạn khác nhau sẽ diễn ra vào những thời điểm khác nhau trong những tháng đó, bao gồm cả việc chuyển đổi từ các hoạt động cường độ cao sang các hoạt động có mục tiêu cụ thể hơn".
Một quan chức Mỹ nhận định, sự thay đổi này có thể bao gồm chuyển đổi trọng tâm từ các hoạt động rà phá cường độ cao sang cường độ thấp hơn và tập trung vào các mục tiêu có giá trị cao, với nhiều cuộc tấn công dựa trên thông tin tình báo hơn và nhiều mục tiêu quân sự hẹp, phức tạp hơn. Sự thay đổi chiến lược này đánh dấu một bước ngoặt lớn cho mục tiêu dài hạn của Israel tại dải Gaza.
Trước đó, tờ New York Times cũng đưa tin, Mỹ đang thúc đẩy sự thay đổi diễn ra vào cuối năm nay. Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Israel cẩn trọng hơn trong các cuộc tấn công vào Gaza và tập trung cứu mạng dân thường. Tổng thống Joe Biden cũng cảnh báo Israel đang bắt đầu mất sự ủng hộ vì ném bom trên diện rộng vào vùng đất Palestine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Netanyahu cũng đã tranh luận về việc ai sẽ quản lý Dải Gaza sau chiến tranh. Ông Biden cho biết, chính quyền Mỹ muốn chính quyền Palestine, hiện đang quản lý Bờ Tây, sẽ nắm quyền kiểm soát Gaza. Trong khi đó, thủ tướng Israel Netanyahu mạnh mẽ bác bỏ đề xuất của Mỹ. Trước đó, ông cho biết, quân đội Israel đang có kế hoạch duy trì quyền kiểm soát vô thời hạn đối với dải đất này.
Trong khi đó, triển vọng về một lệnh ngừng bắn vẫn mờ nhạt. Mặc dù Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza, tuy nhiên, nghị quyết này không mang tính bắt buộc. Chiến sự giữa Israel và Hamas vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục bế tắc trong việc tìm kiếm một hành động thống nhất nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman cũng cho biết, Qatar và các quốc gia đối tác vẫn đang đẩy mạnh các nỗ lực để tiếp tục đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở Dải Gaza. Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại rằng, giao tranh tiếp diễn ở dải đất ven biển này đang "phủ bóng đen" lên triển vọng đạt được thỏa thuận.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực với các bên liên quan dù hiện nay mục tiêu lớn nhất của họ là tiêu diệt lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng giải pháp chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán. Tuy nhiên, thiện chí thảo luận về một lệnh ngừng bắn đang giảm xuống so với thời điểm trước khi đạt được lệnh ngừng bắn đầu tiên. Chúng tôi vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán, tiếp tục các nỗ lực của mình” - Thủ tướng Qatar nhấn mạnh.
Đài truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia dẫn lời một quan chức Palestine tiết lộ, Hamas và Israel có thể bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận mới nhằm trao đổi con tin vào tuần này. Theo quan chức Palestine, mặc dù con đường hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn mới ở Dải Gaza hiện đang được mở ra nhưng các cuộc đàm phán thích hợp vẫn chưa bắt đầu.
Trước lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế về việc kết thúc chiến dịch tấn công quân sự của nước này ở Dải Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định, giai đoạn hiện tại của chiến dịch nhằm loại bỏ nhóm Hamas sẽ cần thêm thời gian.
Nhiều quan chức Mỹ dự đoán, Israel có thể kết thúc các hoạt động quân sự quy mô lớn ở phía Nam Gaza vào tháng 1/2024, rồi tiến hành thêm các cuộc tấn công nhắm mục tiêu cụ thể hơn vào các thành viên và thủ lĩnh Hamas.
An ninh hàng hải tại Biển Đỏ bị đe dọa
Một áp lực khác mà Israel phải đối mặt trong thời điểm này, đó là tình hình tại Biển Đỏ đang trở nên phức tạp. Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Dải Gaza, lực lượng Houthi ở Yemen đã thể hiện sự ủng hộ người dân Palestine bằng cách tấn công rải rác vào biên giới Israel và cùng với đó là đe dọa các tàu hàng đến và đi từ các cảng của Israel trên Biển Đỏ.
Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm về các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, lực lượng Houthi tại Yemen đã đe dọa và tấn công 3 tàu chở hàng của Liberia trên Biển Đỏ. Hôm 15/12, lực lượng Houthi đã phóng hai tên lửa đạn đạo về phía các tuyến đường vận chuyển quốc tế ở eo biển Bab el-Mandeb nối liền Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Trước đó, trên mạng xã hội X, cơ quan điều hành thương mại hàng hải của Anh báo cáo có 8 sự cố ở khu vực phía nam Biển Đỏ, gần eo biển Bab al-Mandab.
Hai trong số các công ty vận tải đường biển hàng đầu thế giới là Maersk của Đan Mạch và Hapag-Lloyd của Đức đã thông báo tạm dừng các chuyến tàu đi qua eo biển Bab al-Mandab trên Biển Đỏ, do lo ngại về an toàn sau khi xảy ra những vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại trong khu vực.
Kể từ khi bùng phát xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas hôm 7/10, Houthi đã nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công các tàu đến và đi từ Israel, bất kể là tàu của nước nào, đồng thời cảnh báo các công ty vận tải quốc tế không giao dịch với các cảng của Israel.
Sự gia tăng đột biến các vụ tấn công tàu thương mại như vậy tại Biển Đỏ đã làm leo thang căng thẳng tại một trong những tuyến vận chuyển đường biển quan trọng nhất thế giới.
Biển Đỏ là tuyến đường thương mại quan trọng nối giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Khoảng 40% thương mại quốc tế đi qua eo biển Bab-el-Mandeb trên Biển Đỏ, trong đó có các chuyến tàu chở năng lượng.
Những diễn biến này đe dọa an ninh hàng hải tại một trong những nút thắt chiến lược và bận rộn nhất thế giới, biến nơi này thành điểm nóng của cạnh tranh địa chính trị.
Một mặt chuyển sang chiến thuật mới để đẩy nhanh mục tiêu tiêu diệt lực lượng Hamas, mặt khác, Israel vẫn để ngỏ khả năng quay lại đàm phán với Hamas để giải cứu con tin, đặc biệt là sau vụ bắn nhầm con tin Israel mới đây, Thủ tướng Netanyahu đang phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận nước này.
Theo các nguồn tin ngoại giao Trung Đông, Thủ tướng Israel dường như đã sẵn sàng hơn với lời kêu gọi từ các bên trung gian nhằm đạt được một thỏa thuận trao trả con tin và tù nhân. Phía Hamas cũng cho biết sẵn sàng thảo luận với Israel về một sáng kiến hoặc thỏa thuận nào có thể dẫn tới lệnh ngừng bắn. Điều này có thể đem lại một tia hy vọng cho những nỗ lực của các bên liên quan nhằm hướng tới lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas./.