Tân cử nhân VinUni với 7 dự án nghiên cứu, 14 bài báo khoa học và hành trình khai phá những 'vùng trắng' trong y học
Tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Cử nhân Điều dưỡng tại Trường Đại học VinUni với học bổng 100% suốt 4 năm, Nguyễn Châu Anh không chỉ ghi dấu bằng thành tích học tập vượt trội mà còn bằng hành trình nghiên cứu khoa học tâm huyết. 7 dự án khoa học, 14 bài báo công bố trong và ngoài nước, hai đầu sách chuyên khảo và các hội nghị học thuật lớn - tất cả tạo nên chân dung một nhà nghiên cứu trẻ bền bỉ đi vào những 'vùng trắng' bị lãng quên trong y học cộng đồng.
Quyết định nghiên cứu khoa học từ năm nhất
Trong 4 năm học tập tại VinUni, Châu Anh là trợ lý nghiên cứu Viện Khoa học Sức khỏe và đã tích cực tham gia vào 7 dự án nghiên cứu đa lĩnh vực liên quan đến: Quản lý triệu chứng và chăm sóc sức khỏe tinh thần sau điều trị ung thư, Chăm sóc sức khỏe sau sinh cho phụ nữ Việt Nam, Tảo hôn và sức khỏe sinh sản vị thành niên, Khuyết tật học tập (Learning Disabilities) tại Việt Nam, Khóa học hướng nghiệp cho sinh viên Y khoa.

Khác với hình dung thông thường rằng đam mê nghiên cứu phải đến từ một khoảnh khắc “bừng sáng”, với Châu Anh, cảm hứng đến từ những lần lặng lẽ nhận ra các khoảng trống chưa được lấp đầy trong y học cộng đồng, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế. Khi còn là sinh viên năm nhất ngành Điều dưỡng, cô bắt đầu tự hỏi: “Sau điều trị thì sao?”, “Ai lắng nghe phần tinh thần của người bệnh?”, “Có những nỗi đau nào không ai dám nói?”. Chính những câu hỏi ấy đã dẫn lối cô đến với những vấn đề tưởng chừng nằm ngoài trọng tâm y học lâm sàng, nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống của người bệnh: trầm cảm sau sinh, lo âu hậu điều trị, kỳ thị trong cộng đồng,... “Cảm hứng của mình không đến từ một khoảnh khắc lớn, mà từ nhiều lần nhận ra có những khoảng trống không ai nói đến,” Châu Anh chia sẻ.

Châu Anh luôn trăn trở với câu hỏi “Ai sẽ lắng nghe người bệnh”.
May mắn lớn nhất, theo cô, là được học tập trong một môi trường học thuật cởi mở và khai phóng. Các giảng viên và giáo sư tại Viện Khoa học Sức khỏe và chương trình Điều dưỡng không chỉ tận tâm hướng dẫn về mặt chuyên môn mà còn tin tưởng trao cơ hội để cô tham gia các dự án thực tế từ rất sớm. Nhờ đó, Châu Anh không chỉ học cách làm nghiên cứu mà còn học cách lắng nghe, tôn trọng sự đa chiều của mỗi vấn đề và biết đặt câu hỏi đúng cho những nhóm đối tượng dễ bị bỏ qua. Chính những trải nghiệm ấy đã giúp cô tin rằng: nghiên cứu không chỉ dành cho người “giỏi” mà dành cho người dám quan sát, dám đặt câu hỏi, và dấn thân vào những vùng chưa ai đi tới.
Khoảnh khắc “chạm tới một phần đời sống còn bị bỏ quên”
Châu Anh chia sẻ rằng cô luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi được góp mặt trong các dự án nghiên cứu với vai trò trợ lý hoặc điều phối viên. Mỗi nghiên cứu, với cô, không chỉ là một công trình học thuật mà còn là một lát cắt của đời sống - nơi những điều chưa được gọi tên, những câu chuyện bị lãng quên dần hiện rõ dưới ánh sáng khoa học.
“Mình thường bắt gặp một cảm giác rất khó diễn tả, đó là khi đọc qua những dòng khảo sát hoặc bản ghi phỏng vấn, mình nhận ra sự im lặng đã kéo dài quá lâu của một nhóm người nào đó,” cô nói.
Châu Anh nhớ mãi một dự án về sức khỏe tinh thần của phụ nữ sau sinh. Trong rất nhiều câu trả lời, hiện lên nỗi lo âu, trầm cảm, và mệt mỏi nhưng điều khiến cô day dứt là câu nói đi kèm: “Chị chưa bao giờ dám nói điều này với ai.” Chính những khoảnh khắc như vậy khiến cô không chỉ xúc động, mà còn cảm nhận rõ ràng trách nhiệm của một người làm nghiên cứu: trách nhiệm đảm bảo rằng tiếng nói ấy được lắng nghe, được ghi nhận, và không bị xem nhẹ trong hệ thống.

“Mỗi dữ liệu thu được không chỉ là con số hay nội dung phân tích. Đó là bằng chứng sống cho thấy xã hội đang bỏ quên ai, và mình có thể làm gì để góp phần thay đổi điều đó,” Châu Anh chia sẻ.
Vượt qua định kiến tuổi trẻ để góp tiếng nói học thuật thực chất
Ở độ tuổi đôi mươi, Châu Anh đã là đồng tác giả của 14 bài báo khoa học trong và ngoài nước, xoay quanh các chủ đề như chăm sóc sau ung thư, điều dưỡng, sức khỏe tâm thần, bệnh mạn tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên. Cô cũng tham gia biên soạn hai sách chuyên khảo liên quan đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho phụ nữ sau điều trị ung thư và chăm sóc toàn diện cho phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, Châu Anh đã đồng tác giả báo cáo nghiên cứu tại 5 hội nghị khoa học lớn, bao gồm Hội nghị Nghiên cứu Điều dưỡng Quốc tế lần thứ 35, Hội nghị Khoa học quốc gia nâng cao chất lượng chăm sóc 2025, Hội nghị Liên đoàn Giáo dục Y khoa Thế giới 2025, Hội nghị Hiệp hội Hướng nghiệp châu Á Thái Bình Dương APPCDA 2025, và International Open Innovation Conference 2024.

Châu Anh tại Hội nghị Giáo dục Y học Toàn quốc lần thứ VIII.
Với cô, rào cản lớn nhất khi bắt đầu hành trình nghiên cứu không phải là thiếu kỹ năng, mà là cảm giác… mình quá nhỏ để nói điều gì đó có giá trị. Khi mới bước vào năm hai đại học, cô thấy mình lạc lõng giữa những buổi họp chuyên môn với các giáo sư, tiến sĩ và các nhà nghiên cứu kỳ cựu. “Khi ấy, mình chỉ vừa mới học cách viết tổng quan tài liệu, còn đang lúng túng với những khái niệm học thuật cơ bản. Mình từng nghĩ: liệu một sinh viên như mình thì có thể đóng góp được gì?”

Châu Anh cùng nhóm nghiên cứu Khuyết tật học tập tại Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ 7.
Nỗi sợ bị đánh giá, sợ viết sai, sợ bị từ chối, sợ mình chưa đủ "tầm" từng khiến cô chùn bước. Nhưng rồi, chính những thành quả nhỏ đầu tiên - một bài viết được chấp nhận, một hội nghị được mời trình bày - đã dần xua đi nỗi sợ ấy. Châu Anh hiểu ra rằng: học thuật không phải là lãnh địa của những người giỏi nhất, mà là không gian dành cho những người dám đặt câu hỏi và kiên nhẫn tìm câu trả lời. Mỗi lần trình bày nghiên cứu, mỗi phản biện nhận được, không chỉ giúp cô viết mạch lạc hơn, tư duy chặt chẽ hơn, mà còn học cách lắng nghe và phát triển không ngừng.
Bên cạnh đó, việc làm việc trong nhiều nhóm nghiên cứu cũng cho cô cơ hội rèn luyện những năng lực "phi học thuật" nhưng thiết yếu: tổ chức công việc, phối hợp liên ngành, quản lý tiến độ, và giao tiếp học thuật trong môi trường đa chiều. “Những kỹ năng đó không nằm trong giáo trình, nhưng nếu muốn theo đuổi nghiên cứu một cách lâu dài, bạn nhất định phải học,” Châu Anh chia sẻ.
Từ điều dưỡng đến tư duy liên ngành
Sau khi tốt nghiệp tại trường đại học VinUni, Châu Anh dự định tham gia khóa đào tạo tại bệnh viện để lấy chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam, đồng thời chuẩn bị cho các kỳ thi chứng chỉ quốc tế. Tuy vậy, nghiên cứu khoa học vẫn sẽ là một phần không thể thiếu trên hành trình phát triển nghề nghiệp của cô.

Châu Anh tốt nghiệp bằng xuất sắc ngành Cử nhân Điều dưỡng tại Trường Đại học VinUni.
Không giới hạn mình trong phạm vi y tế lâm sàng, Châu Anh hướng đến những giao điểm giữa sức khỏe, xã hội và công nghệ – nơi các vấn đề phức tạp như sức khỏe tinh thần, định kiến giới, hay khả năng tiếp cận dịch vụ của nhóm yếu thế có thể được tiếp cận theo hướng liên ngành.
“Mình quan tâm đến cách chúng ta thiết kế ứng dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần sao cho phù hợp với văn hóa, hoặc cách định kiến xã hội ảnh hưởng đến hành vi tìm kiếm dịch vụ y tế. Mình tin rằng những giao điểm đó sẽ mở ra các hướng nghiên cứu đầy tiềm năng, và đầy trách nhiệm với cộng đồng”, Châu Anh nhắn gửi.