Tận dụng cơ hội 'dân số vàng' để tăng năng suất lao động

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu 'dân số vàng' khi có 69% dân số trong tuổi lao động. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Để phát huy tối đa thế mạnh này, Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

CƠ HỘI CỦA “DÂN SỐ VÀNG”

Do tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ ít nên tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm nhiều, làm cho tỷ lệ “nhóm phụ thuộc” giảm mạnh. Điều này dẫn tới tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” tăng nhanh. Nếu năm 1979, nhóm này chỉ chiếm 53% tổng dân số, thì đến năm 2007 đã đạt 67,31% và năm 2014 là 69,4%. Khi tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” chiếm ít nhất 66%, nghĩa là chiếm 2/3 tổng dân số trở lên thì được coi là quốc gia có cơ cấu “dân số vàng”.

Như vậy, năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “dân số vàng” và dự báo kéo dài gần 40 năm, tức là kết thúc vào khoảng giữa thế kỷ này do già hóa dân số. Do đó, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của “dân số vàng” cũng đồng thời đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, nếu không tận dụng được cơ hội “dân số vàng” để cải thiện năng suất lao động, thì dư lợi dân số sẽ về âm.

Cơ cấu “dân số vàng” đã tạo cho Tiền Giang có lợi thế về nguồn lao động trẻ. (Ảnh chụp tại Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Cơ cấu “dân số vàng” đã tạo cho Tiền Giang có lợi thế về nguồn lao động trẻ. (Ảnh chụp tại Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ “dân số vàng” là dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước cũng như tỉnh Tiền Giang.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, tăng 10,4 triệu người so với năm 2009. Tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” nhưng tốc độ già hóa dân số cũng đang tăng nhanh.

Đối với Tiền Giang có quy mô dân số 1,764 triệu người, là tỉnh có tiềm năng về nguồn lao động dồi dào. Dân số sau 10 năm kể từ năm 2009 đã tăng hơn 92.000 người, bình quân mỗi năm tăng 0,54%, bằng một nửa tốc độ tăng bình quân cả nước - đây là tốc độ tăng dân số ở mức hợp lý, góp phần duy trì sự ổn định quy mô dân số, đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 65,8% tổng dân số và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,5%...

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là lợi thế lớn, vì có nguồn lao động trẻ dồi dào; có cơ hội cải thiện năng suất lao động nhằm tăng trưởng, phát triển kinh tế. Cơ cấu “dân số vàng” tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Mặt khác, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giảm tỷ số giữa học sinh và giáo viên; nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho trẻ em, cải thiện chất lượng sức khỏe dân số tương lai. Ðồng thời, dân số trong độ tuổi lao động lớn, cùng với sự phát triển của khu vực công nghiệp và dịch vụ tạo nhu cầu lớn về đào tạo nghề…

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG TRẺ

Các chuyên gia cho rằng thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là một cơ hội hiếm hoi chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia và đây chính là cơ hội để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại. Do đó, đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, tăng năng suất lao động là vấn đề rất được quan tâm tại diễn đàn Quốc hội. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội được dự báo là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt của năm 2022. Trong bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động thấp (ước tăng 4,7% - 5,2%, mục tiêu là 5,5%), trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch.

Năng suất lao động phần lớn được quyết định bởi lực lượng lao động, mà chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo các số liệu thống kê, có tới gần 74% lực lượng lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới

Đáng chú ý, 2 năm qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu hụt kỹ năng lao động trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều ngành nghề, lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, giảm thu nhập, nhất là nhóm lao động có kỹ năng làm việc thấp.

Tiền Giang cũng không đứng ngoài thực trạng về chất lượng nguồn lao động như trên. Thực tế cho thấy ở Tiền Giang, lực lượng lao động chiếm số lượng lớn, nhưng chất lượng chưa cao, thiếu lao động qua đào tạo và lao động có tay nghề cao. Ngoài ra, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chưa được nâng cao…

Để nâng tầm chất lượng lao động, Tiền Giang đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề của người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ kỹ năng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong đó, người lao động sẽ được cải thiện, nâng cao trình độ kỹ năng, năng lực nghề nghiệp theo vị trí việc làm, qua đó tìm việc làm, tự tạo việc làm, duy trì việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập và ổn định sinh kế.

Đối với doanh nghiệp, chất lượng kỹ năng nghề của người lao động được nâng cao sẽ là nhân tố gia tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng trưởng, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Năng suất lao động được nâng cao tạo cơ sở để doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Còn đối với nền kinh tế, khi trình độ kỹ năng nghề của lực lượng lao động được nâng cao sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ. Phát triển kỹ năng nghề cho người lao động một mặt đáp ứng nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế thâm dụng lao động, đồng thời bám sát yêu cầu các ngành kinh tế trọng điểm, ưu tiên các ngành ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, từ đó giúp kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng tăng trưởng nhanh, bền vững.

Mặt khác, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực theo nghề, ngành đào tạo trong các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động từ tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, thăng tiến… lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động…

HỮU NGHỊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202212/tan-dung-co-hoi-dan-so-vang-de-tang-nang-suat-lao-dong-967912/