Yên Bái thúc đẩy chuyển đổi số kinh tế

Là tỉnh miền núi, nhưng Yên Bái đã và đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, tạo bước đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển theo hướng 'Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc'.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán đã dần trở thành thói quen của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Người dân thực hiện chuyển khoản thanh toán trong mua bán hàng hóa tại chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán đã dần trở thành thói quen của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Người dân thực hiện chuyển khoản thanh toán trong mua bán hàng hóa tại chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái.

Ông Lê Trí Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: "Để công tác CĐS trên địa bàn theo đúng lộ trình, Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phát triển số, kinh tế số trên địa bàn, điển hình như: Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 14/11/2023 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trong đó xác định phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm; phải chủ động triển khai quyết liệt, thường xuyên, liên tục, tận dụng tốt các nguồn lực đã đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số. Đặc biệt, trong Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 27/3/2024 CĐS tỉnh Yên Bái năm 2024, tỉnh xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 16,5% trong GRDP của tỉnh năm 2024”.

Cùng với đó, tỉnh ban hành 12 kế hoạch chuyên đề, văn bản triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, cụ thể như: Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Kế hoạch thúc đẩy thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ điện, nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái về CĐS giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Yên Bái đến năm 2025; Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái…

Đến nay, 100% các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số ngành/ lĩnh vực, địa phương, giai đoạn 2023-2025 hoặc đã đưa các chỉ tiêu nhiệm vụ về kinh tế số vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương mình năm 2024.

Cùng với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là phát triển hạ tầng Internet phục vụ CĐS nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng. Dù là tỉnh miền núi, nhưng đến nay Yên Bái đã cơ bản xóa vùng trắng sóng di động, khắc phục vùng lõm sóng di động băng rộng 4G, đưa Internet băng rộng cố định đến thôn. Đến hết năm 2023, tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng băng rộng di động đạt trên 98%, tỷ lệ thôn/bản có Internet băng rộng cố định đạt 95% (hết 6 tháng đầu năm 2024 là 99,1% và 97%).

Chất lượng dịch vụ Internet tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu tập trung dân cư được nâng cao đảm bảo tốc độ tối thiểu 40 Mbps.Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng khắp từ thành phố đến nông thôn, việc thanh toán số đến nay đã trở thành thói quen hàng ngày của người dân. Tính đến hết tháng 6/2024 đã có 71% người dân có tài khoản điện tử, 61% tài khoản ngân hàng. Toàn tỉnh có 248 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, công nghiệp công nghệ thông tin (với tổng số vốn đăng đăng ký khoảng 173.600 triệu đồng).

Việc triển khai kinh tế số trong ngành, lĩnh vực đã đi vào thực tiễn. Hết 6 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 8,3% trong tổng giá trị ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản; kinh tế số trong ngành công nghiệp - xây dựng đạt 8,2% trong tổng giá trị ngành công nghiệp - xây dựng; kinh tế số trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 9,4% trong tổng giá trị ngành dịch vụ, trong đó kinh tế số du lịch có mức tăng trưởng cao, chủ yếu đến từ việc ứng dụng các nền tảng, mạng Internet để tăng doanh số.

Thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 có tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 37%), giá trị kinh tế số nền tảng trên địa bàn tỉnh cơ bản là từ thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2023 là: 9,3%, 6 tháng đầu năm 2024 dự ước chiếm 12,7%. Trong tổng giá trị kinh tế số, năm 2023 kinh tế số ICT là chủ yếu chiếm 55,75% tổng giá trị kinh tế số trên địa bàn, với giá trị đóng góp ước đạt trên 1.555 tỷ đồng (tăng 8,7%); 6 tháng đầu năm 2024 kinh tế số ICT tiếp tục tăng trưởng cao, dự kiến >10%.

CĐS trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế số trên địa bàn tỉnh đã và đang đi vào thực tiễn ngày một mạnh mẽ, tạo những bước đột phá trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính, thu hút đầu tư...; từ đó, nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền góp phần xây dựng Yên Bái ngày một phát triển mạnh mẽ.

Thanh Phúc

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/326146/yen-bai-thuc-day-chuyen-doi-so-kinh-te-.aspx