Tận dụng đất, đá thải khai khoáng làm vật liệu san lấp

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều mỏ khai thác than, quặng sắt, đa kim, cho nên lượng đất, đá thải trong quá trình khai thác rất lớn, chiếm nhiều diện tích đất để chứa, và có nguy cơ sạt lở, gây ô nhiễm môi trường.

Dự trữ lượng đất, đá thải rất lớn, bãi thải mỏ than Phấn Mễ có nguy cơ sạt trượt.

Dự trữ lượng đất, đá thải rất lớn, bãi thải mỏ than Phấn Mễ có nguy cơ sạt trượt.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh đang thiếu đất san lấp và đá xây dựng. Nếu đất, đá bãi thải trong quá trình khai thác khoáng sản được sử dụng để làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng thì không chỉ giảm áp lực rất lớn về bãi chứa, khắc phục nguy cơ sạt lở, đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn, giải quyết việc làm, mà còn tăng thu ngân sách địa phương.

Tỉnh Thái Nguyên đang trong quá trình phát triển, nhiều công trình hạ tầng giao thông, khu-cụm công nghiệp, khu dân cư-đô thị đang được triển khai, nhu cầu về vật liệu san lấp, đá xây dựng rất lớn. Nhiều thời điểm, vật liệu xây dựng khan hiếm, không chỉ ảnh hưởng tiến độ thi công xây dựng các công trình, mà còn khiến giá tăng cao, làm nhiều nhà thầu bị thiệt hại.

Bãi thải đất, đá mỏ than Phấn Mễ trên địa bàn xã Phục Linh, huyện Đại Từ rộng hàng trăm héc-ta, cao như núi, có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Điển hình là tháng 3/2020, bãi thải xuất hiện vết nứt lớn, đất, đá sạt trượt, buộc lãnh đạo mỏ than Phấn Mễ và chính quyền địa phương phải hỗ trợ tám hộ gia đình đi thuê nhà; thành lập đoàn liên ngành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá khả năng sạt lở và thi công hạ tải bãi thải để bảo đảm an toàn. Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ Nguyễn Xuân Tú cho biết: “Hằng năm, nhất là vào mùa mưa bão, chúng tôi phải khảo sát thực trạng bãi thải, đưa thiết bị để thi công những khu vực có nguy cơ sạt trượt, tạo hệ thống thoát nước để đề phòng sạt lở”.

Tương tự, hai bãi thải của mỏ than Khánh Hòa trên địa bàn xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên rộng hơn 200 ha, đến nay đã chứa hơn 100 triệu mét khối đất, đá được chất cao, gần như đã sử dụng hết mặt bằng để đổ thải. Vào mùa mưa, Công ty Than Khánh Hòa phải phối hợp chính quyền địa phương lập phương án phòng chống mưa lũ; kiểm tra, rà soát thực trạng bãi thải, mua sắm, củng cố phương tiện, thiết bị để khơi thông hệ thống rãnh thoát nước nhằm tránh sạt lở. Vào mùa khô, những hôm gió thổi mạnh, bụi từ bãi phát tán ra chung quanh, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa Vũ Thành Hưng chia sẻ: “Để khai thác một tấn than, chúng tôi phải bốc dỡ khoảng 12 m3 đất, đá, bình quân mỗi năm bốc dỡ 4,5 triệu mét khối đất, đá thải (bằng trữ lượng hai mỏ đất).

Lo lắng nhất hiện nay là bãi thải đã đầy, nếu không giải phóng được mặt bằng để mở rộng bãi thải thì thời gian tới chúng tôi sẽ buộc phải dừng hoạt động; ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hơn 600 công nhân, không có than để cấp cho Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn với công suất 10 MW”.

Việc khai thác quặng sắt tại mỏ Tiến Bộ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, khai thác quặng đa kim ở mỏ Núi Pháo thuộc huyện Đại Từ, hằng năm phải bốc dỡ, vận chuyển hàng triệu mét khối đất, đá tập kết tại bãi thải rộng hàng trăm héc-ta và diện tích chiếm đất để chứa thải ngày càng lớn. Mặt khác, hằng năm các doanh nghiệp phải bố trí nhân lực, kinh phí để bảo đảm an toàn bãi thải.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên Hoàng Đức Khánh, quy trình, thủ tục để cấp phép một mỏ đất làm vật liệu san lấp, mỏ đá làm vật liệu xây dựng mất nhiều thời gian, từ quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, thăm dò, đấu giá, giao đất, cho thuê đất đến cấp phép khai thác phải mất ít nhất từ 18 đến 20 tháng và trữ lượng mỗi mỏ đất chỉ khoảng vài triệu mét khối.

Đối với các mỏ đất, mỏ đá, các chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng, nếu người dân không đồng ý thì cũng không thể khai thác được. Trong khi đó, nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất lớn; đồng thời trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều bãi thải với trữ lượng đất, đá lên đến hàng trăm triệu mét khối; nếu chưa được sử dụng là sự lãng phí và đang là nghịch lý lớn.

Những năm trước đây, đá thải trong quá trình khai thác được mỏ than Phấn Mễ cấp cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã gần bãi thải chế biến làm vật liệu xây dựng và được các nhà thầu làm đường giao thông, xây dựng sử dụng. Tuy nhiên sau đó, toàn bộ đất, đá thải trong quá trình khai thác tại mỏ than Phấn Mễ đều được tập kết tại bãi thải và được quản lý theo chế độ chất thải. Phó Giám đốc mỏ than Khánh Hòa Vũ Thành Hưng cho biết: “Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đến liên hệ mua đất, đá bãi thải làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng, nhưng chúng tôi không được phép bán, vì phải quản lý theo chế độ về chất thải”.

Với trữ lượng đất, đá thải trong quá trình khai thác khoáng sản rất lớn và ngày càng chất đầy tại các bãi thải, nếu được sử dụng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng thì không chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ sạt lở, giảm diện tích đất làm bãi thải, giải quyết tình trạng thiếu vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng mà còn giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách địa phương.

Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa Vũ Thành Hưng dự tính, nếu mỗi năm sử dụng 20 triệu mét khối đất, đá tại hai bãi thải mỏ than Khánh Hòa, với đơn giá đất, đá hiện nay, ngân sách nhà nước sẽ thu được khoảng 100 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường. Mặt khác, khi đất, đá tại bãi thải được sử dụng, hằng năm doanh nghiệp sẽ không phải chi số tiền lớn để vận chuyển đến bãi thải, duy trì trạng thái an toàn của bãi thải (chiếm 20% giá thành sản xuất một tấn than), không mất mặt bằng để chứa thải.

Thời gian vừa qua, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã lấy mẫu đất, đá thải trong quá trình khai thác khoáng sản để giám định, xác định hợp chuẩn, hợp quy và phù hợp với quy mô, tính chất sử dụng của mỗi công trình cụ thể. Vấn đề đặt ra là cấp có thẩm quyền cần cho phép sử dụng đất, đá thải làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng, qua đó sẽ giải quyết nhiều vấn đề thiết thực trên địa bàn tỉnh.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tan-dung-dat-da-thai-khai-khoang-lam-vat-lieu-san-lap-5012518.html