Tận dụng dữ liệu 'sạch' thúc đẩy vay tiêu dùng
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư Phan Đức Hiệp, qua nắm tình hình chung, mặc dù cơ bản Bộ Công an đã có các giải pháp trấn áp các hoạt động tín dụng đen trên môi trường thực, còn trên môi trường điện tử cần thiết phải thiết lập thêm nhiều cơ chế quản lý, kiểm soát. Nhưng, mấu chốt vẫn là phải mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân thông qua vay tiêu dùng. Việc khai thác hiệu quả dữ liệu có thể giải được bài toán này.
Khai thác dữ liệu sẽ tạo nhiều tiện ích mới
Theo các TCTD, do chưa có đủ thông tin để đánh giá xác định đối tượng cho vay nên quy trình giải ngân tại các ngân hàng còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cấp bách của người dân. Bên cạnh đó, các gói chính sách hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội chưa được áp dụng kịp thời đến những người có nhu cầu, chưa đảm bảo tính kịp thời. Các cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ nghiệp vụ, chia sẻ dữ liệu, thông tin để kiểm soát tín dụng đen và hỗ trợ người dân còn hạn chế.
Do đó, khi cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử được đưa vào vận hành, hoạt động tạo tiền đề giải quyết những nguyên nhân gốc rễ, định danh được chính xác cá nhân tham gia quá trình vay vốn. Từ đó, giúp tổng hợp, đánh giá để đưa ra các nhận định chính xác nhất hỗ trợ khối ngân hàng trong các hoạt động nghiệp vụ đẩy nhanh quá trình giải ngân, cũng như có đủ cơ sở để xác định được đối tượng cần giải ngân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các TCTD cũng đã tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư vào các hoạt động của mình, trong đó hướng tới khai thác “mỏ vàng” dữ liệu này để thúc đẩy cho vay tín chấp. Đơn cử như tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT thông tin, thời gian qua, ngân hàng rất quyết tâm để triển khai dịch vụ trên kênh số. Nếu được các cơ quan cho phép khai thác dữ liệu dân cư thì rất nhiều tiện ích có thể thực hiện trên kênh số bao gồm cả việc thẩm định và giải ngân với các khoản vay giá trị nhỏ cũng sẽ được ngân hàng sẵn sàng triển khai.
“Nếu ngành Ngân hàng, trong đó có Vietcombank, được khai thác các dữ liệu này trong thời gian tới tạo ra được rất nhiều tiện tích cho người dân và doanh nghiệp”, ông Tùng chia sẻ và kỳ vọng trong thời gian tới, với nhiều kiến nghị đã được gửi tới các cấp từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành… các ngân hàng được tạo điều kiện khai thác tối đa dữ liệu hiện nay đang được quản lý tại các bộ, ngành khác nhau, như dữ liệu liên quan đến dân cư, thuế, viễn thông, bảo hiểm...
Mới đây, LPBank cũng cho biết đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân triển khai các giải pháp, dịch vụ số trên ứng dụng VNeID và Đề án 06. Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, phát triển giải pháp, triển khai các sản phẩm, dịch vụ bao gồm xác thực - định danh điện tử (xác thực căn cước công dân gắn chip điện tử, đối chiếu dữ liệu sinh trắc học cá nhân), làm sạch dữ liệu thông tin khách hàng và liên kết các dịch vụ như ứng dụng giải pháp đánh giá mức độ khả tín khách hàng cho các sản phẩm vay tín chấp online; mở tài khoản, khoản vay/thấu chi trên ứng dụng VNeID…
Trong đó, giải pháp đánh giá khả tín khách hàng là công cụ mạnh mẽ, giúp tự động hóa quá trình thẩm định và phê duyệt tín dụng trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn, giúp tối ưu hóa quá trình đánh giá khả năng trả nợ của người vay và hỗ trợ ngân hàng ra quyết định cho vay một cách nhanh chóng, chính xác.
Cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an khẳng định, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra những giải pháp bảo mật để đảm bảo tốt các tiện ích cũng như an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc này sẽ giúp cho ngành Ngân hàng nói chung đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay tín chấp thông qua chấm điểm tín dụng của công dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng và toàn xã hội.
Theo thống kê, quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11.000 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Xu hướng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được ghi nhận ở cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu… và các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Malaysia…
Cùng chung xu hướng đó, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng TCTD tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của hoạt động cho vay tiêu dùng, đây là công cụ hữu hiệu đẩy lùi tín dụng đen. Đặc biệt, trong thời gian tới, dự báo hoạt động cho vay tiêu dùng tại nước ta sẽ có dấu hiệu hồi phục trở lại và được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, khi có sự tham gia mạnh mẽ từ phía các NHTM.
Không chỉ vậy, đầu tháng 7/2024, NHNN đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN cho phép các TCTD cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia của khối NHTM trong hoạt động cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen.
Theo bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), việc quy định khoản vay dưới 100 triệu đồng không yêu cầu khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi TCTD cho vay vốn. Những thay đổi này giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, góp phần kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tan-dung-du-lieu-sach-thuc-day-vay-tieu-dung-154677.html