Tận dụng EVFTA để xuất khẩu vào Bắc Âu: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững

Một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang đi đầu trong việc phát triển bền vững và lan tỏa đến các doanh nghiệp nhỏ hơn trong chuỗi cung cầu để tận dụng EVFTA

Bà Nguyễn Hoàng Thúy – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về các tiêu chuẩn phát triển bền vững của khu vực này mà doanh nghiệp phải tuân thủ để tận dụng tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Bà Nguyễn Hoàng Thúy – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu

Bà Nguyễn Hoàng Thúy – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu

Cùng với việc giảm thuế theo cam kết EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu vào châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng đang phải đáp ứng rất nhiều các tiêu chuẩn về phát triển bền vững của thị trường nước sở tại. Xin bà chia sẻ đôi nét về những quy định này tại các thị trường Bắc Âu?

Xu hướng phát triển xanh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường không còn là mới. Tuy nhiên, các vấn đề này đang dần được luật hóa tại EU. Ví dụ, quy định chống phá rừng của EU được Nghị viện thông qua ngày 29/6/2023, áp dụng từ ngày 30/12/2024 sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng. Các doanh nghiệp đưa các mặt hàng này vào thị trường EU nói chung và Bắc Âu nói phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.

Một quy định đang được quan tâm khác đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), được thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon đến các nước có các tiêu chuẩn thấp hơn, hay còn gọi là “rò rỉ carbon”, làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu nên đã quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp”, ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa.

Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái

Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái

Ngoài ra, Quy định Thiết kế Sinh thái mới cũng cần được lưu ý. Quy định cuối cùng phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024. Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái. Các yêu cầu ràng buộc về thiết kế sinh thái cho sản phẩm cụ thể để tăng hiệu suất của hàng dệt về độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng sợi tái chế bắt buộc, để giảm thiểu tác động xấu đến khí hậu và môi trường.

Bà đánh giá gì về sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững của khối thị trường Bắc Âu?

Xu hướng kinh doanh bền vững đang là xu hướng tất yếu trên phạm vi toàn cầu. Kinh doanh bền vững không chỉ gói gọn trong các hoạt động của bản thân doanh nghiệp mà còn phải quan tâm đến sự phát triển bền vững của xã hội, tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Doanh nghiệp muốn phát triển bắt buộc phải hành động, chuyển đổi từ mô hình sản xuất tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn với bảo vệ môi trường, lao động, bình đẳng, minh bạch thông tin…

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng rất nhanh nhạy. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn đang đi đầu trong việc phát triển bền vững và lan tỏa đến các doanh nghiệp nhỏ hơn trong chuỗi cung cầu.

Tháng 9 vừa qua, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu tham dự Hội chợ Quốc tế nguồn hàng (Sourcing Fair 2023) do Bộ Công Thương tổ chức, đã rất ngạc nhiên vì sự sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Đa phần các doanh nghiệp tham gia kết nối giao thương đều đã có các chứng chỉ về phát triển bền vững. Các doanh nghiệp chưa có thì đều đã biết về các chứng chỉ này và sẽ áp dụng trong thời gian tới.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu sẽ có những giải pháp ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững của Bắc Âu, thưa bà?

Thông tin là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp. Do vậy, Thương vụ luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường để cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp. Thương vụ vừa xuất bản cuốn sách Thỏa thuận Xanh châu Âu và tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu được mục tiêu phát triển bền vững của EU. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi các động thái của thị trường để giúp các doanh nghiệp kịp thời ứng phó với các qui định mới. Ngoài ra, xúc tiến thương mại các sản phẩm bền vững cũng là một trong những ưu tiên của Thương vụ trong thời gian tới.

Xin cảm ơn bà!

Phương Lan thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tan-dung-evfta-de-xuat-khau-vao-bac-au-doanh-nghiep-can-dap-ung-cac-tieu-chuan-phat-trien-ben-vung-284047.html