Tận dụng 'giai đoạn vàng' để hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT
Các nhà trường cần tranh thủ tối đa 'giai đoạn vàng' để tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12; đồng thời tích cực đồng hành, hỗ trợ học sinh tự học.

Đây là tinh thần được thống nhất tại hội nghị trao đổi các giải pháp nâng cao kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 15-4.
Hơn 22% số bài khảo sát của học sinh trường công lập có điểm dưới 5
Đây là năm thứ ba liên tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị này nhằm nhận diện những tồn tại, “vùng trũng” ở từng đơn vị, trường học để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, nâng chất lượng dạy học, ôn tập đối với học sinh lớp 12. Đây được coi như “hội nghị Diên Hồng” của ngành với mục tiêu nâng chất lượng ở các trường có kết quả học tập chưa được như mong muốn. Vì thế, thành phần tham gia là các đơn vị, trường học có kết quả khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 chưa cao.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phân tích cụ thể kết quả kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 ở khối công lập, tư thục và giáo dục thường xuyên, nhằm giúp từng khối trường nhận diện vị trí cũng như trách nhiệm của từng đơn vị trong kết quả chung.
Ở khối công lập, có 70.651 học sinh lớp 12 tham gia khảo sát. Điểm trung bình các môn ở khối trường công lập cao hơn điểm trung bình thành phố ở hầu hết các môn. Cụ thể, môn toán là 5,84 điểm, cao hơn 0,74 điểm; môn ngữ văn là 6,16 điểm, cao hơn 0,54 điểm; môn tiếng Anh 6,32 điểm, cao hơn 0,03 điểm...
Dù có mức điểm trung bình cao, nhưng kết quả khảo sát ở khối các trường công lập cũng có sự chênh lệch khá rõ. Các cụm như Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng, Ba Đình - Tây Hồ, Đống Đa - Thanh Xuân - Cầu Giấy có kết quả điểm trung bình ở mức tốt hơn so với mặt bằng chung. Kết quả khảo sát ở một số cụm trường khu vực huyện còn thấp.
Theo nhận định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tỷ lệ bài kiểm tra dưới trung bình (dưới 5 điểm) của học sinh khối trường công lập là 22,37%, so với mức 31,86% của toàn thành phố là thấp hơn, nhưng cho thấy còn số lượng không nhỏ học sinh công lập ở mức chưa đạt.
Nhận diện chung ở khối trường tư thục và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cho thấy, chất lượng học tập của học sinh lớp 12 còn cần sự hỗ trợ tích cực; số bài kiểm tra khảo sát có nguy cơ trượt tốt nghiệp ở mức cao, đòi hỏi các đơn vị cần khẩn trương có giải pháp thiết thực.
Chú trọng phụ đạo học sinh yếu
“Điểm mặt” từng đơn vị, trường học có số lượng học sinh nằm ở nhóm nguy cơ trượt tốt nghiệp cao, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cũng như cam kết chất lượng trong kỳ thi sắp tới.

Các nhà trường tận dụng tối đa "thời gian vàng" để hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn thi. Ảnh: Lê Nguyễn
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trực (huyện Thanh Oai) Nguyễn Huy Hoàng cho biết, năm ngoái trường có 8 học sinh trượt tốt nghiệp. Năm nay trường có 203 học sinh lớp 12. Hầu hết học sinh của trường có “đầu vào” chưa cao, nhiều học sinh chưa tự giác học tập nên kết quả khảo sát chưa được như mong muốn.
Bày tỏ quyết tâm giảm số lượng học sinh trượt tốt nghiệp so với năm trước, nhà trường đang tích cực triển khai như phối hợp với phụ huynh giám sát, hỗ trợ học sinh học tập và tự học ở nhà; tổ chức phụ đạo theo từng nhóm học sinh…
Rút kinh nghiệm về việc có 10 học sinh trượt tốt nghiệp năm trước, Trường Trung học phổ thông Phùng Hưng (quận Hà Đông) cho biết, đã tổ chức họp với phụ huynh của 227 học sinh lớp 12 năm nay, đồng thời cam kết bảo đảm tỷ lệ đỗ 100%.
Từ kết quả khảo sát toàn thành phố vừa qua, nhà trường đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch ôn tập bảo đảm sát từng nhóm đối tượng, quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu, học sinh chưa tự giác học tập; đồng thời xây dựng lộ trình, mục tiêu ôn tập từng chặng từ nay đến trước kỳ thi.
Bày tỏ cam kết chung về việc quyết tâm nâng tỷ lệ tốt nghiệp so với năm trước, các nhà trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cũng chia sẻ những khó khăn của từng đơn vị, đồng thời trao đổi, thảo luận các giải pháp cụ thể. Một trong những nhiệm vụ, cũng là giải pháp để nâng kết quả tốt nghiệp năm nay được các trường thống nhất thực hiện từ tới trước kỳ thi là tăng cường hỗ trợ học sinh, chú trọng phụ đạo nhóm học sinh yếu, đồng thời, cũng không chủ quan đối với nhóm học sinh đã có mức điểm khảo sát trên trung bình.
Chia sẻ, lắng nghe những khó khăn của các đơn vị, nhà trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương kêu gọi từng nhà giáo tiếp tục nỗ lực hết sức với tinh thần “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, tất cả vì học sinh, giúp các em có được hành trang tốt nhất về cả kiến thức và kỹ năng, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo chương trình mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các nhà trường nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định chất lượng, “thương hiệu” chính là sự phát triển bền vững của mỗi đơn vị. Từ kết quả khảo sát, các nhà trường cần tiếp tục phân tích, xác định rõ nguyên nhân vì sao môn học này điểm còn thấp, nội dung kiểm tra kia còn nhiều học sinh chưa đạt yêu cầu… Từng nhà trường cần rà soát kỹ, phân loại học sinh theo nhóm và tăng cường hỗ trợ, tư vấn học sinh trong việc lựa chọn đăng ký môn thi tốt nghiệp phù hợp.
Nêu dẫn chứng về một số trường hợp học sinh học tốt nhưng điểm khảo sát thấp, trường có điểm “đầu vào” cao nhưng vẫn còn một bộ phận học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị từng nhà trường, mỗi nhà giáo cần tuyệt đối không được chủ quan, tận dụng tối đa “giai đoạn vàng” từ nay tới trước kỳ thi để hỗ trợ học sinh, giúp các em đáp ứng tốt với kỳ thi với nhiều đổi mới.
Các nhà trường cần phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc đồng hành cùng học sinh cuối cấp; tăng cường phối hợp với gia đình học sinh để hỗ trợ, tạo điều kiện và hướng dẫn học sinh tự học; xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp, hiệu quả và không gây áp lực với học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương