Tận dụng hiệu quả các FTA cho ngành hàng cà phê

Hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành hàng cà phê được xây dựng thành công sẽ góp phần tạo ra chiến lược phát triển ngành hàng bền vững, minh bạch.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: TTXVN

Ngày 28/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tọa đàm trao đổi trực tiếp về hệ sinh thái tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) trong lĩnh vực cà phê năm 2024.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, tại tỉnh hiện có hơn 170 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đối với sản phẩm cà phê, niên vụ 2022 - 2023, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 318.483 tấn, chiếm hơn 55% sản lượng; kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt hơn 747 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,3% so với cả nước. Riêng trong 6 tháng năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu 174.942 tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 600 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của tỉnh chủ yếu vẫn là cà phê nhân (sản phẩm thô). Tỷ trọng cà phê qua chế biến xuất khẩu hàng năm chưa tăng nhiều. Do đó, những nội dung trao đổi tại tọa đàm là tiền đề để tỉnh Đắk Lắk xây dựng được hệ sinh thái tận dụng các FTA một cách hiệu quả đối với ngành cà phê; tạo sự gắn kết giữa các chủ thể có liên quan để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới; cập nhật các thông tin về thị trường và quy định về tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin về Đề án xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong ngành hàng cà phê. Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin về Đề án xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong ngành hàng cà phê. Ảnh: TTXVN

Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tin tưởng rằng, một hệ sinh thái tận dụng các FTA thành công sẽ giúp cho ngành cà phê Việt Nam nói chung, ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng thích ứng tốt với tình hình biến động của kinh tế - xã hội; thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan cũng như ứng phó tốt với các chính sách, quy định mới về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về chống phá rừng… của thị trường EU.

Tại tọa đàm, đại biểu đã thảo luận, làm rõ những vấn đề về thực trạng, khó khăn, thách thức trong việc trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu của ngành cà phê ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và ngành cà phê Việt Nam nói chung trong bối cảnh tận dụng các FTA.

Đại diện Vụ Chính sách Thương mại Đa biên giới thiệu về Đề án xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA trong ngành hàng cà phê cũng như đưa ra lộ trình xây dựng, cách thức hoạt động, tiêu chí của các chủ thể tham gia Hệ sinh thái… Dự kiến, hệ sinh thái sẽ chính thức được triển khai từ tháng 9/2025.

Đại biểu thảo luận về thực trạng, khó khăn, thách thức trong trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu của ngành cà phê. Ảnh: TTXVN

Đại biểu thảo luận về thực trạng, khó khăn, thách thức trong trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu của ngành cà phê. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu cũng cho rằng, hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành hàng cà phê được xây dựng thành công sẽ góp phần tạo ra chiến lược phát triển ngành hàng bền vững, minh bạch; từ đó quyết liệt hơn trong công tác điều hành sản xuất nông nghiệp để nông sản khẳng định vị trí, uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế và tạo ra công cụ, lực đẩy thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững cho ngành cà phê Việt trong thời gian tới.

Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong ngành hàng cà phê sẽ xác định rõ vai trò và lợi ích của các chủ thể khi tham gia hệ sinh thái, đòi hỏi những người cùng tư duy ngồi lại với nhau, kết nối, đồng hành phát triển bền vững ngành hàng cà phê và tạo ra những thương hiệu lớn.

Hoài Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tan-dung-hieu-qua-cac-fta-cho-nganh-hang-ca-phe/345094.html