Tận dụng lợi thế của nước khôi phục sớm để bứt phá sau dịch bệnh
Trên 47 nghìn lượt người xem trực tuyến, 2.500 lượt tương tác để nghe các Hiệp hội, doanh nghiệp (DN) nêu ý kiến giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các ý kiến đều cho rằng cần tận dụng lợi thế của một nước khôi phục sớm để bứt phá nền kinh tế sau đại dịch, tập trung vào cải cách TTHC để thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Hoa Kỳ
Tại hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, TTHC giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19” tổ chức chiều 26/5, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Michael Greene đã dành lời khen ngợi cho các chiến lược ấn tượng và các biện pháp chủ động của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Nhờ các biện pháp nhất quán, Việt Nam đã có thể mở cửa lại sớm hơn các quốc gia khác.
Theo ông Michael Greene, đại dịch COVID-19 đã phá hủy nặng nề nền kinh tế toàn cầu, nhiều DN đang cố gắng lấy lại đà kinh doanh trước đây, nhiều DN chật vật để tiếp tục hoạt động. Trong thời điểm như vậy, Hoa Kỳ và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong công tác chống lại dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp 9,5 triệu USD thông qua USAID tại Việt Nam để hỗ trợ các sáng kiến của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
“Chúng tôi hy vọng với nguồn bổ sung này sẽ giúp Việt Nam vực dậy khủng hoảng, hỗ trợ Việt Nam tiếp tục lộ trình trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao”, Giám đốc USAID Việt Nam nêu ý kiến.
Cũng theo ông Michael Greene: “Hoa Kỳ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng với thương mại, tự do, công bằng và cùng có lợi. Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng về kinh tế của Hoa Kỳ”.
Trong hơn 3 tháng qua, dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ đã hỗ trợ Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc. Khảo sát đã thu thập thông tin về đánh giá của doanh nghiệp với gói hỗ trợ trên 62 nghìn tỷ đồng, thu thập ý kiến, kiến nghị, đề xuất về cải cách TTHC.
Ông Michael Greene hy vọng những số liệu của kết quả khảo sát này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đề xuất quy định, thủ tục hiệu quả, giúp doanh nghiệp hồi phục hậu COVID-19, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.
Đơn giản hóa thủ tục để thu hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài
Liên quan đến ý kiến cần tận dụng lợi thế để bứt phá nền kinh tế, liên quan đến thủ tục xin cấp phép đầu tư và kinh doanh, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ các nước khác như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Singapore... vẫn còn đang bị phong tỏa, việc lấy tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký tươi ở các nước này đang là một thách thức và điều này trì hoãn việc nộp hồ sơ cho các thủ tục tại Việt Nam trung bình khoảng 2 tháng.
Mặc dù đây không phải là vấn đề của Việt Nam, song vấn đề này đang trở thành một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do thực tế các cơ quan hành chính của Việt Nam chưa có sự linh động để miễn trừ hay đơn giản hóa các yêu cầu về hành chính này.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, AmCham đề xuất Chính phủ tiếp tục xây dựng hệ thống ứng dụng trực tuyến mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng áp dụng các tiếp cận chủ động để rà soát và đơn giản hóa quy trình chấp thuận cho các dự án đầu tư nước ngoài để thực sự thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp theo cho Việt Nam.
Đẩy mạnh dịch vụ công, giao dịch trực tuyến
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho rằng, đại dịch COVID-19 đã lắng xuống tại Việt Nam, đây là thời cơ tốt cần tận dụng lợi thế của một nước khôi phục sớm để bứt phá nền kinh tế sau đại dịch. Trong bối cảnh thế giới và khu vực còn gặp nhiều khó khăn thì cần phải tập trung vào cải cách TTHC để thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, một lợi thế rất lớn khác cần phải “chớp” lấy chính là các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) mà Quốc hội sẽ sớm thông qua trong kỳ họp thứ 9 lần này. Theo nguyên tắc của Hiệp định thì ngay ngày đầu tiên sau khi có hiệu lực, 72-75% các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu qua châu Âu sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu. Chính vì vậy, chúng ta không những phải cải cách quyết liệt để nâng cao năng lực triển khai hiệp định và đáp ứng được những yêu cầu của đối tác mà còn phải tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nước họ đầu tư và xuất khẩu vào ta.
Bên cạnh đó, để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, sự ra đời của Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, bao gồm cả 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
“Như vậy có nghĩa là mọi dịch vụ công đang được minh bạch hóa một cách tối đa, còn đối với người dân và doanh nghiệp thì giảm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại và những vấn đề bất cập khác”, ông Nguyễn Văn Thân nhận định.
Cũng tại hội nghị, ý kiến từ một số đại biểu cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn sau dịch COVID-19 để phát triển. Doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại có chính sách cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để vực dậy sau khủng hoảng. Chủ tịch Kim Nam Group Nguyễn Kim Hùng nêu ý kiến, cần làm rõ các đối tượng, các quy trình, trình tự đăng ký cho một doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn và tích hợp luôn trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đại diện cho các ngân hàng, BIDV cam kết nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do COVID-19 và cho biết BIDV sẵn sàng chuẩn bị nguồn vốn cho phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nêu ý kiến về đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, đại diện BIDV cho rằng, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh sự thuận tiện và lợi ích của giao dịch tài chính online. Tuy nhiên đơn vị cho biết, khung pháp lý liên quan hoạt động xem xét, đánh giá, giải ngân trực tuyến cho khách hàng còn vướng và đề nghị cho phép ngân hàng thương mại được giao dịch số hóa, phát hành thư bảo lãnh điện tử, cho phép thực hiện giao dịch cho vay, giải ngân dựa trên hồ sơ điện tử trên cơ sở phải bảo mật được thông tin. Đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh dịch vụ công mức độ 4 giúp người dùng tăng cường giao dịch thanh toán trực tuyến.