Tận dụng lợi thế từ EVFTA

Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn cung nguyên phụ liệu bị đứt gãy, sản phẩm đầu ra gần như 'đóng băng' do các nước trên thế giới áp dụng lệnh giãn cách, đóng cửa hệ thống phân phối,...

Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn cung nguyên phụ liệu bị đứt gãy, sản phẩm đầu ra gần như "đóng băng" do các nước trên thế giới áp dụng lệnh giãn cách, đóng cửa hệ thống phân phối,...

Theo dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm nay giảm sút khoảng 20% so năm 2019, đạt khoảng 31 đến 32 tỷ USD. Ðể vượt khó và sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, các DN phải triển khai giải pháp cấp bách, linh hoạt nhằm thích ứng thị trường cũng như tận dụng triệt để những cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mang lại, nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mới có hiệu lực từ ngày 1-8 vừa qua.

Thị trường châu Âu (EU) có quy mô hơn 500 triệu dân, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may vào khoảng 250 tỷ USD/năm và chiếm 34% tổng cầu dệt may thế giới. Tuy nhiên, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU hiện mới đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm 2,2% thị phần. Ðiều đó cho thấy, đây là cơ hội rất tốt để các DN dệt may đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025. Về sản lượng, EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% với ngành dệt và 14% đối với ngành may vào năm 2030. Thế nhưng, để tận dụng được những lợi thế này là điều không dễ, bởi EVFTA có quy định xuất xứ từ vải trở đi. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng của dệt may Việt Nam còn rất khiêm tốn, nguồn cung thiếu hụt lớn. Nhu cầu về vải hằng năm cần khoảng hơn chín tỷ mét, trong đó sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng ba tỷ mét, số còn lại phải nhập từ nước ngoài,... Chính vì vậy, Bộ Công thương cần linh hoạt triển khai, tận dụng cộng gộp ngay vải của Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có cùng hiệp định thương mại với EU và Việt Nam, đồng thời cũng chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam (Hàn Quốc khoảng 2 tỷ USD, chiếm 16% và Nhật Bản khoảng hơn 800 triệu USD, chiếm 7%).

Về lâu dài, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đề ra chiến lược bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm lấp ngay những "lỗ hổng" mà ngành dệt may đang phải đối mặt. Cụ thể, phải quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, có quy mô lớn tại cả ba miền bắc, trung, nam. Có các cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các DN đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm hoàn tất. Chính phủ cần sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2020 - 2040; xem xét bãi bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) khi DN mua nguyên phụ liệu dệt may trong nước (với quy định hiện tại, thuế VAT khiến đơn giá tăng thêm 2%), giảm chi phí logistics,...

Nhà nước cần định hướng, làm đầu mối kết nối để giúp DN hợp tác, liên kết hỗ trợ lẫn nhau tạo thành các chuỗi liên kết chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển của DN và tăng sức cạnh tranh với DN nước ngoài. Các DN dệt may cần tự mình đổi mới, hướng tới trở thành một mắt xích bền vững của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, lúc đó mới có khả năng gia tăng nhanh chóng thị phần tại các quốc gia thành viên của Hiệp định.

MINH ÐỨC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/-tan-dung-loi-the-tu-evfta-615267/