Tận dụng nguồn lực, đoàn kết vươn lên

Cùng với sự trợ lực từ các chính sách của nhà nước, cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Sơn Hà đã chung sức, đồng lòng nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Động lực từ các chính sách

Huyện Sơn Hà có 13 xã và 1 thị trấn, trong đó, có 11 xã với 59 thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có trên 19,3 nghìn hộ đồng bào DTTS, chiếm 83% dân số của huyện. Những năm qua, công tác dân tộc luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Mức sống của người dân ngày càng nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sơn Hà xuống còn 20,51% (cuối năm 2023). Đặc biệt, năm 2018, Sơn Hà đã được công nhận là huyện thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Nhà sàn truyền thống của đồng bào Hrê ở huyện Sơn Hà. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Nhà sàn truyền thống của đồng bào Hrê ở huyện Sơn Hà. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Những năm qua, huyện Sơn Hà đã tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng của huyện từng bước được đầu tư đồng bộ. Hiện 100% xã có đường giao thông được bê tông đến thôn, tổ dân phố. Công tác chăm lo cho giáo dục luôn được quan tâm đầu tư, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Toàn huyện có 16 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở bậc mầm non là 95%; bậc tiểu học 100%; bậc THCS đạt 100%; bậc THPT 73%. Hiện nay, toàn huyện có 13/14 trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Đã cấp phát trên 75,7 nghìn thẻ BHYT cho người dân, góp phần phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

"Kinh tế phát triển, an ninh chính trị ổn định như hiện nay là có sự đóng góp to lớn của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Trong thời gian đến, huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân. Tích cực tham gia bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người DTTS. Ra sức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách sách dân tộc, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần xây dựng huyện Sơn Hà ngày càng phát triển”.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà
ĐINH THỊ TRÀ

Trong giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia (gần 185,6 tỷ đồng), huyện Sơn Hà đã tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tập trung, trường học, khu dân cư. Hỗ trợ xây dựng 199 nhà ở, hỗ trợ 54 hộ chuyển đổi nghề, 1.395 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán; 11 công trình nước sinh hoạt tập trung với 1.894 hộ hưởng lợi. Thành lập và hỗ trợ 67 dự án phát triển sản xuất cộng đồng cho 636 hộ, 2 chuỗi giá trị với 98 hộ tham gia.

Bên cạnh đó, huyện Sơn Hà còn tập trung cho công tác đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã. Từ năm 2019 - 2023, có 7.913 lao động là người DTTS được giải quyết việc làm. Huyện Sơn Hà là một trong những điểm sáng của tỉnh trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tận dụng nguồn lực hỗ trợ, người dân huyện Sơn Hà đã chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ đã xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả. Điển hình như hộ ông Đinh Xuân Phăng, ở thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao. Từ nguồn hỗ trợ giống cây ăn quả bưởi da xanh, ông Phăng đã xây dựng được vườn bưởi da xanh 450 cây. Hiện bưởi đang bước vào mùa thu hoạch. Với giá bán 30 - 40 nghìn đồng/kg, ước tính thu nhập của gia đình ông Phăng trên 100 triệu đồng/năm.

Những năm qua, phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng có chất lượng, từng bước hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản tập trung. Toàn huyện có 6 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao theo quy định. Dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ có từ 4 – 7 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Cùng với phát triển kinh tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS luôn được chú trọng. Đến nay, 100% cán bộ, công chức DTTS ở các xã đều có trình độ học vấn THPT; 100% cán bộ, công chức DTTS ở các xã đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Hà lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê gắn với phát triển du lịch” là nhiệm vụ trọng tâm phải được đặt ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của huyện. Trong những năm qua, bên cạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TD - TT, huyện Sơn Hà đã mở nhiều lớp dạy tiếng Hrê, lớp học dân ca, dân vũ dân tộc và chế tác cho người dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ người Hrê. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Sơn Hà sở hữu rất nhiều loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Ông Đinh Văn Dôn, ở thôn Tà Ba, xã Sơn Thượng là một trong những nghệ nhân ưu tú tiêu biểu của huyện Sơn Hà. Những năm qua, ông Dôn đã truyền dạy cho hàng trăm người Hrê (chủ yếu thế hệ trẻ) trong việc giữ gìn làn điệu ca lêu, ca choi truyền thống của dân tộc. “Thông qua các buổi truyền dạy của ông Dôn đã giúp tôi và các bạn trẻ Hrê Sơn Hà khơi dậy niềm đam mê các làn điệu dân ca của dân tộc. Hiện tôi đã được huyện Sơn Hà và một số huyện khác trong và ngoài tỉnh mời đi biểu diễn các làn điệu dân ca của người Hrê”, anh Đinh Krỏ, ở xã Sơn Cao (Sơn Hà), chia sẻ.

Bên cạnh truyền dạy các làn điệu dân ca Hrê, ông Dôn còn tự sáng tác các ca khúc ca lêu, ca choi. Các ca khúc của ông với những ca từ mộc mạc, chân thật nói về sự phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết dân tộc, thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. “Các giá trị về văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Hrê. Tôi hy vọng với sự nỗ lực của bản thân sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ người Hrê huyện Sơn Hà hiểu, yêu quý và giữ gìn được văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không để bị mai một”, ông Dôn tâm sự.

Đô thị Di Lăng (Sơn Hà) nhìn từ trên cao. Ảnh: VƯƠNG QUỐC

Đô thị Di Lăng (Sơn Hà) nhìn từ trên cao. Ảnh: VƯƠNG QUỐC

HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202406/tan-dung-nguon-lucdoan-ket-vuon-len-6370b49/