Tận dụng quãng nghỉ để phát triển bản thân

Phát triển bản thân, cập nhật thông tin thị trường là cách để người lao động tạo lợi thế khi quay lại tìm việc làm sau thời gian nghỉ dài

Khoảng nghỉ nghề nghiệp có thể được hiểu là tình trạng không có việc làm từ 6 tháng trở lên. Thực tế, vẫn có không ít ý kiến cho rằng những người nghỉ làm lâu sẽ bị mai một kỹ năng, thiếu tham vọng và tính cạnh tranh, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới cơ hội việc làm của nhóm ứng viên này.

Lo lắng cơ hội việc làm

Chị Lê Thị Uyên (28 tuổi, quê Nghệ An) là nhân viên mua hàng tại một công ty nước ngoài, có trụ sở ở tỉnh Hưng Yên. Hai năm trước, do vướng bận việc gia đình chị xin thôi việc trở về quê. Tới nay, khi quay lại tìm việc mới, Uyên cảm thấy hoang mang do thời gian nghỉ làm quá dài. "Tôi không biết có nên nói thật về thời gian nghỉ việc dài khi phỏng vấn, hay sẽ chọn một giải pháp khác" - chị Uyên băn khoăn.

Chị Uyên không phải là trường hợp duy nhất lo ngại về việc cơ hội việc làm có thể bị ảnh hưởng nếu công khai thời gian nghỉ việc dài. Theo một nghiên cứu với 2.000 người của nền tảng tuyển dụng Applied (trụ sở tại London, Anh), 33% người cho biết có khoảng nghỉ nghề nghiệp từ 6 tháng trở lên. Đáng chú ý, 53% trong số này lựa chọn không chia sẻ thông tin về thời gian nghỉ do lo ngại vấp phải định kiến từ nhà tuyển dụng.

Mặc dù 51% trong số đó tin rằng khoảng nghỉ giữa sự nghiệp giúp họ bổ sung và học hỏi thêm kiến thức mới. Những lý do chính khiến người lao động (NLĐ) có thời gian nghỉ việc dài như: sinh con, chăm sóc sức khỏe, bị cắt giảm, tìm kiếm việc khác, kinh doanh, học lên cao hơn.

Tham gia các khóa học về kỹ năng để tạo lợi thế khi quay lại thị trường sau khoảng nghỉ dài

Tham gia các khóa học về kỹ năng để tạo lợi thế khi quay lại thị trường sau khoảng nghỉ dài

Ông Trần Vũ Thanh, Giám đốc chiến lược Better You - đơn vị cung cấp giải pháp về nhân sự (quận 1, TP HCM), cho biết nghỉ việc trong khoảng thời gian dài được chia thành 2 nhóm: nghỉ hẳn không đi làm gì (thai sản, đi du lịch); thay đổi công việc khác với chuyên môn trước đây hoặc nghỉ để có thời gian định hướng lại nghề nghiệp. "Nhà tuyển dụng lo ngại khoảng cách nghề nghiệp trong một năm hoặc lâu hơn có thể dẫn tới tình trạng kỹ năng mai một. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng đặt ra thắc mắc về tính gắn bó, ổn định của nhóm ứng viên này" - ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, đại diện một công ty công nghệ ở quận 2, TP HCM, cho rằng nếu nghỉ việc thời gian trên một năm có thể khiến ứng viên không bắt kịp thị trường, như một số vị trí: tư vấn thuế và luật, lập trình viên… Để đánh giá điều này, nhà tuyển dụng thường dựa vào các câu hỏi kiểm tra kỹ năng, trình độ chuyên môn của ứng viên. Trên cơ sở đó, họ đưa ra quyết định tuyển dụng hay từ chối.

Dành thời gian phát triển bản thân

Nhiều chuyên gia khẳng định khoảng cách nghề nghiệp không hẳn là điểm yếu chết người khi NLĐ biết tận dụng quãng nghỉ của mình. Bên cạnh đó, nếu nhà tuyển dụng muốn thu hút nhân tài, họ cần bảo đảm các hoạt động tuyển dụng là toàn diện, tập trung vào kỹ năng cần thiết, thay vì tạo ra các rào cản không đáng có.

Ông Nguyễn Võ Minh Khoa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH tư vấn giáo dục Clevermann (quận 10, TP HCM), nhận xét việc NLĐ quyết định nghỉ ngơi thời gian dài không quan trọng bằng nguyên nhân và mục đích khi nghỉ việc. Nếu ứng viên dành thời gian này để phát triển bản thân hoặc theo đuổi đam mê thì vẫn được doanh nghiệp đánh giá tốt.

Điều đó cho thấy họ là người cầu tiến, không ngừng tạo ra giá trị cho bản thân. Vì thế, ứng viên không nên lập lờ, hay nói dối về quãng nghỉ nghề nghiệp. "Chúng tôi chấp nhận cho thời gian để NLĐ có thể bắt nhịp trở lại, dù vậy, việc thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng tới chính cơ hội việc làm, thậm chí sự nghiệp của họ" - ông Khoa khuyến cáo.

Theo ông Trần Vũ Thanh, trong thời gian nghỉ việc, NLĐ nên tranh thủ cập nhật thêm kiến thức nhằm tránh bị tụt hậu. Duy trì tinh thần lạc quan và tự tin, làm nổi bật thành tích, kinh nghiệm đạt được trong hồ sơ ứng tuyển. Từ đó, cung cấp góc nhìn chi tiết và đầy đủ cho nhà tuyển dụng, đồng thời chủ động chia sẻ về những trải nghiệm, khám phá của bản thân tích lũy được trong thời gian không đi làm chính thức.

Ông Thanh đánh giá công việc và cuộc sống vốn rất khó tách rời nhau. NLĐ không đi làm việc ở nhà máy, công sở mà tập trung thời gian cho cuộc sống gia đình, cá nhân thì cũng chính là trải nghiệm giúp họ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. "Ví dụ như, một chiếc máy tính đã được cài đặt đầy đủ, cho dù có "ngủ đông" thời gian dài, khi nạp đầy pin và khởi động lại máy vẫn chạy tốt. Tương tự, những ứng viên có chuyên môn vững vàng, khi được đặt đúng chỗ sẽ phát huy được năng lực của họ" - ông Thanh so sánh.

Bài và ảnh: MÂY TRINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/tan-dung-quang-nghi-de-phat-trien-ban-than-20230707204325327.htm