Tận dụng rơm, rạ sau thu hoạch
Hiện nay, nông dân dần thay đổi thói quen đốt rơm, rạ trên đồng. Nhờ có máy cuộn rơm, nên khi thu hoạch xong, rơm được cuộn lại để trồng nấm rơm hoặc tận dụng ủ phân hữu cơ phục vụ sản xuất, chăn nuôi… Cách làm này vừa giúp bà con có thêm thu nhập đáng kể từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Huyện Châu Thành là một trong những địa phương được hưởng lợi từ Dự án hợp tác An Giang và Thụy Điển. Trước đây, mô hình trồng nấm rơm được người dân quan tâm, tuy nhiên đa số vẫn là chất nấm ngoài trời, dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thời tiết.
Thấy vậy, từ sự hỗ trợ của dự án, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành triển khai nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân phát triển mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Nông dân được tiếp cận, tập huấn mô hình, kỹ thuật mới về tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để phát triển kinh tế.
Thay vì đốt rơm trên đồng gây ô nhiễm môi trường, ngộ độc đất, nông dân được hướng dẫn phát triển mô hình trồng nấm rơm trong nhà dạng trụ, sọt, kệ… Mô hình này không chiếm nhiều diện tích, nhẹ vốn đầu tư nên nhanh lấy lại vốn và có thể tận dụng nguồn rơm, rạ trên ruộng lúa nhà để chất nấm rơm. Từ đó, nhiều nông dân có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Chị Phạm Thị Như (kỹ sư Trạm Khuyến nông huyện) là người trực tiếp hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà. Mô hình trước khi được triển khai đến nông dân đều có đề tài nghiên cứu thực tế, thực hiện mô hình điểm tại cơ sở để bà con tham quan, học hỏi.
Theo chị Như, mô hình trồng nấm rơm dạng trụ được triển khai trên địa bàn huyện Châu Thành từ năm 2019, ghi nhận mang nhiều hiệu quả về kinh tế cho bà con. Trong quá trình thực hiện mô hình, luôn có sự đánh giá chuyên môn, cải tiến qua từng thời vụ để đạt hiệu quả tối ưu nhất. Qua đó, nhận được sự quan tâm của nông dân ở các tỉnh lân cận, như: Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang… đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
“Ưu điểm của mô hình trồng nấm rơm trong nhà là tận dụng được nền đất trống, với diện tích nhỏ vẫn có thể phát triển được. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch, rất dễ dàng vệ sinh nhà trồng nấm, nên có thể xoay vòng đến 8 vụ/năm. Còn đối với các mô hình trồng nấm ngoài trời, khi thu hoạch nấm xong thì đến năm sau vẫn chưa dám chất lại nền đất cũ, vì rất dễ bị nhiễm bệnh, nấm rơm không phát triển được” - chị Như giải thích.
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức cho nông dân tham gia tập huấn về tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Nhiều nhất là trồng nấm rơm trong nhà, ủ làm thức ăn cho gia súc, làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Tại các buổi tập huấn, nông dân được kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình đã được triển khai hiệu quả. Chẳng hạn, đối với mô hình trồng nấm rơm trong nhà, nếu chỉ trồng đơn thuần là rơm thì năng suất rất thấp, 100kg rơm nhiều nhất chỉ thu hoạch được từ 7-10kg nấm.
Tuy nhiên, khi phối trộn với các nguyên liệu khác (như: Bắp, lá chuối, bông vải...), năng suất được ghi nhận cao hơn rất nhiều, lợi nhuận thu lại tối ưu hơn. Trong đó, khi cho rơm phối trộn thêm cùng với nguyên liệu là bông vải cho năng suất cao nhất nên được triển khai cho nông dân thực hiện. Chỉ cần nhà trồng rộng khoảng 40m2 là có thể đặt 40 trụ nấm, chưa đầy 1 tháng trồng có thể thu hoạch từ 120-160kg nấm rơm. Với giá bán dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập ổn định.
Mới đây, trong lớp tập huấn kỹ thuật tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2022 tại xã Cần Đăng, nông dân địa phương còn được tham quan thực tế mô hình trồng nấm rơm trong nhà dạng trụ của chị Nguyễn Thị Thùy Nhung (ấp Vĩnh Hòa B). Chị Nhung tận dụng diện tích đất trống gần nhà, dựng nhà trồng nấm với vách là tấm xốp, bọc ở ngoài là lớp cao su để có thể tạo được độ ẩm, ấm và sử dụng lâu dài qua nhiều vụ.
“Dù đây là lần đầu tiên tôi trồng nấm rơm, nhưng nhờ các kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật nhiệt tình nên sau 10 ngày khi đưa rơm ủ vào nhà trồng, tôi đã bắt đầu thu hoạch nấm, thấy ham lắm. Rơm sau khi trồng nấm có thể tận dụng bán cho hộ trồng hoa, trồng rẫy hoặc làm phân hữu cơ. Hầu như phụ phẩm được tận dụng tối đa để thêm thu nhập” - chị Nhung phấn khởi.
Ngoài rơm, rạ khô sau thu hoạch lúa được tận dụng để trồng nấm, việc tận dụng nguồn phụ phẩm sau khi trồng nấm rơm sản xuất phân hữu cơ là quá trình sản xuất khép kín, từ khâu đầu vào và sản phẩm đầu ra, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng nấm.
Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành còn được hướng dẫn ủ phân hữu cơ theo 2 cách: Ủ bằng hố ủ không kín và hố ủ kín. Với cách làm đơn giản, chỉ cần ủ từ 30 ngày (phụ phẩm sau trồng nấm rơm) hoặc 60 ngày (rơm cuộn) là đã có lượng phân hữu cơ, nhiều dinh dưỡng bổ sung cho đất, rất tốt cho cây trồng, nhẹ chi phí.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tan-dung-rom-ra-sau-thu-hoach-a341128.html