Tận dụng sức mạnh AI nâng cao năng lực tự học
Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự lên ngôi của AI hiện nay, hệ sinh thái học tập của học sinh sẽ không chỉ còn một nguồn là người thầy nữa. Việc học tập từ lâu đã bước ra khỏi giới hạn bốn bức tường trong lớp học.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 14.02.2025. Thông tư này có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, trong đó nổi bật là không cho phép giáo viên dạy thêm thu tiền của học sinh chính khóa; dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền và chỉ dành cho một số đối tượng; tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh.
Mục tiêu của Thông tư nhằm siết chặt các hoạt động dạy thêm không chính thức, nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, loại trừ áp lực học thêm và tạo điều kiện cho học sinh cơ hội để phát triển bản thân.
Quy định này tác động mạnh mẽ đến cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào mô hình dạy thêm, học để ứng thí (đáp ứng kỳ thi) hơn là học vì tri thức và phát triển tương lai.

"Điểm số tăng lên không phải do năng lực người học tăng mà do được làm trước đề kiểm tra khi tham gia học thêm"- PGS.TS Trần Thành Nam nói. (Ảnh minh họa)
Để thực hiện Thông tư 29 một cách triệt để và thành công, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về những lợi ích lâu dài của chính sách hướng tới triết lý mục tiêu giáo dục mới; nâng cao trách nhiệm người giáo viên, tìm hiểu và học tập các bài học từ kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý hoạt động dạy thêm và chung tay đưa ra những giải pháp hỗ trợ tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin (CNTT) và trí tuệ nhân tạo (AI) một cách phù hợp.
Dạy thêm, học thêm là một vấn đề phổ biến và phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua. Nó đã được chứng minh là nguyên nhân gây nhiều vấn đề như gánh nặng chi phí học tập gia tăng cho gia đình nhưng kết quả không tăng lên như mong muốn.
Học thêm thường chỉ bổ trợ, thời gian ngắn không để bù đắp hết lỗ hổng kiến thức như kỳ vọng. Giáo viên vừa là người dạy chính, vừa dạy thêm, vừa là người chấm điểm không khác gì vừa đá bóng, vừa thổi còi. Rất dễ dạy chính thành phụ và phụ thành chính. Điểm số tăng lên không phải do năng lực người học tăng mà do được làm trước đề kiểm tra khi tham gia học thêm.
Rồi vấn đề học sinh bị quá tải bởi lịch học ở trường và ở nhà dẫn đến thiếu thời gian nghỉ ngơi, phát triển các kỹ năng mềm. Lịch học kín khiến đứa trẻ trở nên mệt mỏi, mất hứng thú và không còn tự giác học tập. Cha mẹ coi nhà trường như nơi trông trẻ, phó mặc toàn bộ việc học tập cho giáo viên dạy thêm ngoài giờ, không còn quan tâm, đồng hành học cùng con.
Thông tư 29 ra đời chính là nhấn mạnh vào việc giảm bớt tình trạng dạy thêm tràn lan, ngăn chặn giáo viên lạm dụng quyền hạn để ép học sinh học thêm, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, áp lực học tập lên sức khỏe tinh thần của học sinh đồng thời khuyến khích học sinh tự học và phát triển tư duy độc lập.
Đây cũng là một cơ sở để xác lập vai trò của người giáo viên trong bối cảnh số, nơi trách nhiệm của giáo viên không còn chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà phải bao gồm việc hướng dẫn học sinh phát triển kỹ năng tự học, tư duy phản biện và sáng tạo.
Người thầy phải trở thành người dẫn đường, người định hướng, người tạo động lực và truyền cảm hứng. Người thầy phải giáo dục học trò bằng nhân cách của chính mình và trao trọng trách của việc tự học, năng lực học tập suốt đời cho người học.
Thông tư 29 đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với người thầy trong xu hướng phát triển hiện nay, phải thực sự cải thiện chất lượng giảng dạy trên lớp, giúp học sinh nắm vững tri thức cốt lõi trên lớp và những kỹ năng để tiếp tục khám phá về chủ đề nghiên cứu mà không cần phụ thuộc vào các lớp học thêm ngoài giờ.
Cùng với chủ trương và chính sách đang triển khai để xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, giáo viên cũng cần thực hiện cả trách nhiệm trong và ngoài giảng đường. Giống như một bác sĩ trên đường đi làm về phải thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ cấp cứu người đi đường có các biểu hiện bệnh nguy hiểm.
Nhà giáo ngoài những trách nhiệm chính thức được ghi trong hợp đồng bao gồm giảng dạy, thiết kế bài giảng, kiểm tra đánh giá người học, hướng dẫn nghiên cứu, tham gia các hoạt động chuyên môn và quản lý theo yêu cầu của trường cần phải sẵn sàng thực hiện thêm các nhiệm vụ miễn phí phục vụ cho cộng đồng và đóng góp vào môi trường giáo dục như tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh ngoài giờ học, bao gồm cả việc dạy thêm.
Chính những trách nhiệm phi chính thức này được tự giác thực hiện sẽ giúp nhà giáo càng nhận được nhiều tôn trọng từ cộng đồng cho danh xưng người thầy.
Trên thực tế, không cần đợi đến thông tư 29, đã có rất nhiều trường tư thục đã triển khai mô hình dạy chính buổi sáng, buổi chiều dạy bổ sung kiến thức cho những học sinh có thành tích học tập kém không thu phí. Ở một số ngôi trường khác, ngoài giờ lên lớp, giáo viên cũng có giờ trực văn phòng (office hours) để hẹn gặp hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho người học. Tất cả đều không thu phí vì người giáo viên ý thức được đây là trách nhiệm của họ phải làm và đã được trả bao gồm trong lương.
Tất nhiên, khi thực thi những điều khoản này với hệ thống giáo dục công lập, sẽ cần có sự thay đổi đồng bộ từ phía nhà trường, giáo viên và cả phụ huynh nữa. Ngoài ra, phải xây dựng một hệ thống hỗ trợ học tập hiệu quả dựa trên ứng dụng AI trong trường học sẽ giúp giảm bớt nhu cầu học thêm không cần thiết.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích dài hạn, thông tư 29 cũng đang đặt ra không ít quan ngại và tranh luận trong quá trình thực hiện ngay tại thời điểm thông tư bắt đầu có hiệu lực.
Còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng như cơ sở nào để xác định tiêu chuẩn giáo viên dạy thêm, ai được phép là giáo viên dạy thêm, dựa vào đâu để định hướng nội dung dạy thêm; chuẩn hóa chương trình dạy thêm như thế nào? Bằng chứng nào khẳng định phương pháp, nội dung dạy thêm nào cho hiệu quả tốt và cải thiện rõ năng lực của học sinh theo kỳ vọng?
Rồi những lo lắng của cộng đồng và phụ huynh khi thông tư có hiệu lực đúng thời điểm học sinh sắp phải đối diện với những kỳ thi quan trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm thế của học sinh và kế hoạch củng cố kiến thức của các gia đình, nhà trường.
Bên cạnh đó, những tranh luận về quy định của Thông tư 29 yêu cầu giáo viên phải đăng ký kinh doanh khi dạy thêm ngoài trường. Việc này đặt ra nhiều vấn đề về thời gian và thủ tục hành chính, nghĩa vụ thuế và tính minh bạch trong hoạt động dạy học. Nhiều giáo viên lo ngại rằng quy định này sẽ khiến họ mất đi một phần thu nhập đáng kể và phải tìm cách "lách luật" để tiếp tục duy trì.
Thực tế hiện nay, đang có một làn sóng nhiều giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ về Giáo dục kỹ năng sống để hợp thức hóa việc dạy thêm. Hay có một bộ phận giáo viên xin nghỉ việc Nhà nước, chuyển sang làm giáo viên tự do để thuận lợi hơn cho dạy tại trung tâm.
Một bộ phận giáo viên khác xin chuyển từ các trường công lập sang trường tư thục vì mức lương cao đã bao gồm cả trách nhiệm bổ sung kiến thức cho người học được trả trong đó. Một số cơ sở giáo dục chuyển các lớp bổ sung kiến thức thành các hoạt động như “dịch vụ trông trẻ”.
Rồi những câu hỏi chưa có lời giải đáp như “sinh viên” đi dạy gia sư có được xem là dạy thêm không. Phát triển năng lực ngôn ngữ cần triển khai trong giai đoạn vàng của lứa tuổi nhưng bậc tiểu học không được học thêm tiếng Anh, chỉ được học thêm kỹ năng. Hay cần thiết phải trang bị năng lực số và năng lực AI cho người học nhưng chương trình học trên lớp không đủ thì cần làm gì?
Tất cả những vấn đề trên, người làm chính sách cần phải cân nhắc, dự báo trước để có những định hướng, giải pháp và đối thoại với dư luận một cách công bằng và phù hợp.
Không chỉ Việt Nam phải đối diện và xử lý vấn đề dạy thêm học thêm. Áp lực học thêm và gánh nặng chi phí học thêm là vấn đề chung nhiều quốc gia đều phải giải quyết để giảm thiểu và hướng tới sự công bằng trong giáo dục. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những cách tiếp cận khác nhau trong quản lý dạy thêm tùy thuộc vào hiện trạng và bối cảnh thực tế. Các chiến lược quản lý học thêm dạy thêm chia thành 3 nhóm chính là:
Nhóm 1: Hạn chế dạy thêm, tập trung vào giáo dục chính khóa – Điển hình là Úc và Mỹ. Dù không khuyến khích dạy thêm, các quốc gia này không cấm hoàn toàn. Học sinh yếu có thể tham gia các chương trình hỗ trợ trong trường, nhưng việc học thêm ngoài nhà trường không phải là phổ biến.
Nhóm 2: Kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn cho phép dạy thêm. Đại diện là Singapore, nơi dạy thêm được công nhận là một phần của hệ thống giáo dục nhưng phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo chất lượng và sự minh bạch.
Nhóm 3: Hạn chế nghiêm ngặt việc dạy thêm. Điển hình như Hàn Quốc và Trung Quốc có các chính sách quản lý chặt chẽ, cấm giáo viên công lập dạy thêm ngoài giờ và kiểm soát chặt các trung tâm dạy thêm nhằm giảm áp lực học tập và đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.
Việt Nam chúng ta với Thông tư 29 có thể được xếp vào nhóm thứ 3 với các chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm. Có lẽ việc lựa chọn cách tiếp cận thứ ba này cũng đã được cân nhắc dựa trên thực trạng dạy thêm ngày càng trở nên nhức nhối, bệnh thành tích, áp lực và chạy đua học tập trở thành căn bệnh trầm kha, tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần ở học sinh ngày càng cao khiến chúng ta phải thực hiện triệt để.

AI có thể giúp học sinh học tập hiệu quả thông qua các nền tảng gia sư ảo
Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự lên ngôi của AI hiện nay, hệ sinh thái học tập của học sinh sẽ không chỉ còn một nguồn là người thầy nữa. Việc học tập từ lâu đã bước ra khỏi giới hạn bốn bức tường trong lớp học. Học sinh bây giờ có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn từ bạn bè, học từ các chuyên gia khi tham gia các buổi hội thảo, nói chuyện trực tiếp và trên truyền thông, học từ các khóa học đại chúng mở (MOOCS), tham gia vào các nền tảng học tập trực tuyến.
Một trong những giải pháp để giảm bớt học thêm chính là tăng cường bổ sung kiến thức cho học sinh cùng với sự hỗ trợ của công nghệ và AI.
Cho đến thời điểm hiện tại, AI có thể giúp học sinh học tập hiệu quả thông qua các nền tảng gia sư ảo. Các trợ lý học tập thông minh như chatbot AI có thể hướng dẫn học sinh giải bài tập, đưa ra lời giải thích chi tiết và cung cấp các tài liệu liên quan giúp học sinh hiểu bài sâu hơn.
Bản thân AI cũng có thể tự phân tích dữ liệu học tập của từng học sinh để thiết kế lộ trình học tập cá nhân hóa. Thay vì phải theo học các lớp học thêm truyền thống, học sinh có thể được giới thiệu sử dụng các nền tảng học trực tuyến để nhận được nội dung phù hợp với năng lực và tiến độ của mình. AI có thể giúp chấm bài tập, đưa ra phản hồi ngay lập tức, giúp học sinh nhận diện lỗi sai và cải thiện nhanh chóng. Điều này giảm bớt sự phụ thuộc vào giáo viên, đồng thời tạo động lực tự học mạnh mẽ hơn.
Mặc dù ý tưởng ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo giúp học sinh tự học rất tiềm năng và phản ánh xu hướng phát triển chung, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu sâu hơn để xác định xem AI và công nghệ phù hợp với học sinh nào, trong bối cảnh hoàn cảnh nào?
Ví dụ phải quan tâm đến độ tuổi và cấp học. Học sinh tiểu học còn chưa phát triển đầy đủ năng lực tự quản lý học tập, dễ bị sao nhãng, nên cần có sự hướng dẫn chặt chẽ từ giáo viên và phụ huynh. AI có thể hỗ trợ chứ không thể phó mặc và thay thế hoàn toàn sự hướng dẫn của người giáo viên. Hơn nữa, người giáo viên xuất hiện còn đảm bảo cho sự an toàn cho người học.
Chúng ta cũng phải quan tâm đến nền tảng kỹ năng tự học đã hình thành ở mức độ nào. Học sinh đã có khả năng tổ chức và quản lý thời gian tốt chưa. Nếu học sinh không có năng lực tự chủ, học không có mục đích thì càng có nhiều AI và công nghệ, học sinh sẽ càng sử dụng nó cho mục tiêu phi giáo dục và đối diện với nhiều nguy cơ hơn.
Cũng cần quan tâm đến điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền địa phương khác nhau. Không phải tất cả học sinh đều có điều kiện tiếp cận thiết bị công nghệ hoặc môi trường học tập đủ thuận lợi để ứng dụng AI vào việc tự học. Làm thế nào một chính sách đưa ra phải đảm bảo sự công bằng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Vì những lý do trên, tôi cho rằng tận dụng sức mạnh của AI và công nghệ để nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu phù hợp hơn với đối tượng học sinh THPT trở lên (trong bối cảnh hiện nay). Họ phải là những người học có mục tiêu rõ ràng, có động lực học tập mạnh mẽ, có kỹ năng số và AI cơ bản để tối ưu hóa thời gian học, khai thác tài liệu phù hợp, sử dụng AI để theo dõi tiến độ và tạo động lực học tập.
Để chuẩn bị và tăng tính khả thi của việc ứng dụng AI và công nghệ trong phát triển năng lực tự học. Chúng ta cần phải:
Xây dựng lộ trình rèn luyện năng lực tự học: Không thể chỉ đơn giản cắt bỏ dạy thêm và kỳ vọng học sinh tự học tốt ngay lập tức. Cần có một chiến lược dài hơi để rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh từ sớm (ví dụ: đưa vào chương trình giáo dục các kỹ năng học tập hiệu quả, quản lý thời gian, tư duy phản biện…).
Ứng dụng công nghệ một cách có định hướng: AI không thể chỉ là một công cụ thay thế giáo viên, mà cần được tích hợp vào hệ sinh thái giáo dục để bổ trợ cho quá trình học tập, giúp học sinh dần hình thành tư duy tự học mà không cảm thấy bị bỏ rơi.
Xây dựng hệ thống giám sát và tạo động lực: Giống như người tập gym cần PT để duy trì động lực, học sinh cũng cần có hệ thống phản hồi, hỗ trợ từ giáo viên, phụ huynh hoặc cố vấn học tập để đảm bảo việc tự học không trở thành một quá trình đơn độc và dễ bỏ cuộc.
Bên cạnh những đề xuất về tận dụng công nghệ để nâng cao tự học nhằm giảm thiểu việc dạy thêm. Có lẽ chúng ta cần tiếp tục quan tâm đến việc giúp người học đạt được tối đa lợi ích trong giờ học chính khóa.
Trước đây, chúng ta chỉ bàn nhiều đến khía cạnh chất lượng dạy học của giáo viên trong giờ học chính khóa mà quên mất về trạng thái tinh thần, khả năng tiếp nhận của học sinh trong giờ học chính. Những đứa trẻ đến lớp trong trạng thái lơ mơ vì thiếu ngủ, mệt mỏi do phải học thêm đến khuya sẽ không bao giờ có thể tiếp thu một cách hiệu quả trong giờ học chính. Một vòng lặp “chính khóa lơ mơ – học thêm bơ phờ” để đối phó với các kỳ thi cũng như kỳ vọng của cha mẹ và giáo viên.
Ngoài những giải pháp về tăng cường năng lực tự học và tận dụng sức mạnh công nghệ, điều quan trọng hơn là chúng ta cần thay đổi cách vận hành của hệ thống giáo dục để không còn học vì ứng thí, cạnh tranh điểm số trong các kỳ thi; chuyển đổi cách đánh giá từ kỹ thuật giải đề sang năng lực học thuật; thay đổi tiêu chí tuyển sinh dựa trên điểm số cao để đặt trọng tâm vào các năng lực thích ứng linh hoạt, giải quyết vấn đề sáng tạo, tư duy phản biện; lựa chọn được những sinh viên tiềm năng có ước mơ, khát vọng và nỗ lực vượt khó.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tan-dung-suc-manh-ai-nang-cao-nang-luc-tu-hoc-post182792.html