Tận dụng sức mạnh của ChatGPT thay vì 'né tránh'
Đó là thông tin được các chuyên gia công nghệ và giáo dục đưa ra tại buổi Tọa đàm khoa học 'Giáo dục và hệ sinh thái AI-GPT: Cơ hội và thách thức' do Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 23/2.
ChatGPT buộc giáo viên và người học phải thay đổi
GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhận định, sự xuất hiện của AI-GPT mới chỉ là sự khởi phát của công nghệ giáo dục, đánh thức về khả năng, giới hạn mới của công nghệ và sẽ ngày càng thâm nhập sâu hơn vào giáo dục trong thời gian tới.
Với tư cách là cơ sở giáo dục tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu về công nghệ giáo dục, buổi tọa đàm quy tụ các chuyên gia giáo dục, công nghệ và sẽ tập trung thảo luận cần phải làm gì để sẵn sàng thích ứng và chủ động thích ứng với ChatGPT và những hiện tượng tiềm năng tương đương trong giáo dục?
Chia sẻ về các xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) tác động đến giáo dục, GS.TS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng AI như một công cụ chuyên dụng nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của cuộc sống. Công nghệ AI có thể cải thiện được năng lực trí tuệ của con người. AI cũng đang làm thay đổi cách truyền đạt kiến thức của người dạy và cách tiếp thu kiến thức của người học.
Đồng quan điểm này, TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục cho rằng, thực tế ChatGPT đã tạo ra những thay đổi trong quá trình dạy học và quản lý, thay đổi nội dung dạy học; thay đổi về bối cảnh, phương thức, mô hình và mô thức giáo dục; thay đổi vai trò của giáo viên và học sinh. Nhóm nghiên cứu của Khoa Công nghệ Giáo dục cũng phát hiện nhiều khoảng trống trong ChatGPT để có thể đi sâu và tiếp tục gia tăng khai thác và nghiên cứu.
Nhóm mong muốn có thêm nhiều cơ hội và các mối liên kết với các doanh nghiệp Edtech trong việc tạo ra hệ sinh thái Open AI cho giáo dục để tạo ra các sản phẩm dịch vụ theo đúng mục tiêu, mục đích và đáp ứng yêu cầu của người dạy, người học. Khi sinh viên, học sinh đang ngày càng khao khát được học hỏi và hào hứng với những gì mới mẻ mà ChatGPT mang lại, thì giảng viên, giáo viên cũng cần nhanh chóng thích nghi và thành thạo với công cụ đó.
Các chuyên gia cũng đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp theo quan điểm kiến tạo để hỗ trợ giáo viên và học sinh có thể sử dụng ChatGPT như một trợ lí chức năng trong quá trình dạy học.
Xem những hạn chế của ChatGPT như là "cơ hội"
Ông Nguyễn Ngọc Quế, Tổng Giám đốc Edmicro khẳng định, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận những hạn chế của ChatGPT như là cơ hội để xây dựng, phát triển những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mang tính thuần Việt. Hiện nay, đã có nhiều cộng đồng trẻ đã và đang đầu tư vào các mô hình LLM thuần Việt. Đối với câu chuyện học tập cá nhân hóa, ông Nguyễn Ngọc Quế cho rằng: "Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề cá nhân hóa, nhưng không thể cá nhân hóa hàng triệu học sinh trên cả nước, vì vậy máy tính vẫn là cơ hội để thực hiện giấc mơ này. Học tập thích ứng dựa trên AI là nơi thể hiện rõ vai trò cá nhân hóa của người học”.
PGS.TS. Trần Văn Công, Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục cũng chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và nguy cơ tiềm ẩn mà AI-GPT có thể tác động đến.
Đối với đào tạo, AI-GPT có thể cung cấp tài nguyên nhanh và chính xác, tạo ra quy trình và công cụ đánh giá quá trình học tập của người học; đồng thời cải thiện các kỹ năng viết luận, khả năng nghiên cứu, kỹ năng trình bày… AI-GPT cũng có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ý tưởng nghiên cứu, dịch văn bản sang các ngôn ngữ khác nhau, có thể phân tích hoặc định hướng phân tích dữ liệu, tham khảo cách viết khoa học, viết sơ bộ tổng quan hoặc lý do chọn đề tài.
Đối với việc tham vấn và trị liệu tâm lý, AI-GPT có thể cung cấp tri thức cơ bản và ban đầu về tâm lý và các bệnh tâm thần, đưa ra lời khuyên - cách thức phòng ngừa - khắc phục các vấn đề của bản thân, lời khuyên hợp lý khi cần tìm các nhà tham vấn.
Do đó, lãnh đạo Khoa các khoa học giáo dục cũng đề xuất 3 phương án sử dụng ChatGPT hiệu quả: Sử dụng AI-GPT phổ biến đối với giảng viên trong một số hoạt động như tìm tài liệu tham khảo, khởi động cho bài viết khoa học; thay đổi trong cách thức và định hướng giảng viên, nhấn mạnh phát triển tư duy phản viện của người học; tận dụng sức mạnh AI-GPT thay vì "né tránh".
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-nghe/tan-dung-suc-manh-cua-chatgpt-thay-vi-ne-tranh-i684471/