Tận dụng thế mạnh địa phương để phát triển du lịch 3 tỉnh duyên hải miền Trung
Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận có thế mạnh về du lịch biển nhưng lại thiếu các dịch vụ lưu trú, thiếu điểm nhấn du lịch và thiếu nhân lực phục vụ du lịch. Đây là những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển du lịch của 3 tỉnh duyên hải miền Trung này.
Thiếu cơ sở lưu trú đạt chuẩn
Đại diện Công ty lữ hành Saigontourist cho biết, 3 điểm đến Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận có thế mạnh về du lịch biển nhưng lại yếu về cơ sở dịch vụ lưu trú. Trong năm qua, đơn vị đã đưa hàng trăm đoàn khách Mice đến các tỉnh duyên hải miền Trung nhưng các tỉnh này không đủ lượng phòng để phục vụ các đoàn khách.
“Thống kê tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận cho thấy các cơ sở lưu trú đạt chuẩn 3-4 sao khá ít, thay vào đó danh sách các cơ sở lưu trú đạt chuẩn 2 sao lại khá nhiều, trong khi các đoàn khách nội địa và quốc tế khi đến 3 tỉnh này lại yêu cầu các cơ sở lưu trú phải 3 sao trở lên. Do đó, 3 tỉnh duyên hải miền Trung muốn phát triển du lịch cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú. Khi đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đạt chuẩn, các tỉnh nên giới thiệu đến doanh nghiệp lữ hành để doanh nghiệp có kế hoạch và thông tin kịp thời thông tin đến du khách”, vị đại diện này cho biết.
Đồng quan điểm với đại diện Saigontourist, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Ban sản phẩm mua dịch vụ, Công ty du lịch Vietravel, chia sẻ: "Ba tỉnh duyên hải miền Trung vì sao không xây dựng sản phẩm dịch vụ lưu trú cao cấp?!. Cụ thể, Ninh Thuận có tiềm năng phát triển dòng lưu trú cao cấp nhưng mùa cao điểm, các cơ sở lưu trú ở Ninh Thuận hầu như không có cơ sở lưu trú cao cấp phục vụ các đoàn khách cao cấp của đơn vị đem tới. Hay dọc các bãi biển của tỉnh Phú Yên, chưa thấy có resort cao cấp nào để công ty giới thiệu đến các đoàn khách… Các điểm giải trí về đêm của các tỉnh duyên hải miền Trung còn hạn chế nên du khách đến các tỉnh này mới chỉ khai thác được du lịch chi tiêu ở các điểm đến ban ngày".
Nhìn nhận còn yếu về khâu quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh nhà, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết liên kết giữa các tỉnh tạo ra giá trị khi phát triển sản phẩm du lịch liên tuyến, tuy nhiên khi đi quảng bá, xúc tiến du lịch, các tỉnh duyên hải miền Trung còn so đo với nhau khi có tâm lý giới thiệu điểm đến địa phương này đẹp hơn địa phương kia. Mặt khác, khả năng nắm bắt thông tin lữ hành của các địa phương cũng còn rất yếu, nguyên nhân do doanh nghiệp mới trưởng thành, mới biết làm du lịch 2-4 năm gần đây nên việc đầu tư mới cơ sở vật chất phục vụ ngành du lịch chưa phát triển mạnh.
“Doanh nghiệp làm du lịch tại các tỉnh duyên hải miền Trung còn đơn phương, chưa có tái đầu tư để giữ chân du khách. Cụ thể, tại Phú Yên còn quá nhiều điểm đến miễn phí như: nhà thờ Mằng Lăng, tháp Nhạn, Vịnh Vũng Rô… nên không có điểm nhấn mới để thu hút du khách. Một khi tỉnh Phú Yên cứ làm miễn phí, tỉnh sẽ không có kinh phí để tái đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến. Ngược lại, tại Bình Định, trước kia có điểm đến Eo Gió rất hoang sơ, lại không được đầu tư đúng mức, tuy nhiên sau khi đầu tư cơ sở vật chất và bán vé cho điểm đến này, chỉ trong 1 năm, doanh thu của Eo Gió đã tăng mạnh lên con số khoảng 4 tỷ đồng trong năm 2018”, ông Dũng cho biết thêm.
Mỗi địa phương cần chọn một điểm nhấn
Để kéo du khách TP Hồ Chí Minh về tỉnh nhà, ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho rằng so với 3 tỉnh xung quanh là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, Ninh Thuận là tỉnh có du lịch phát triển khá khiêm tốn. Đây là bài toán khó cho lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp lữ hành, bởi các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh chưa kết nối được với các tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, tỉnh chưa tạo được điểm đến độc đáo để thu hút du khách như Eo Gió (Bình Định) hay "hoa vàng trên cỏ xanh" (Phú Yên)…
“Sắp tới, hi vọng với vai trò đầu tàu du lịch TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ giúp tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quảng bá, giới thiệu điểm đến Ninh Thuận cho du khách và ngoài nước. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận chỉ có 1 resort 4 sao và 3 resort 3 sao nên vào mùa du lịch cao điểm, du khách TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn khi đặt phòng. Tuy nhiên, trong năm 2019, sẽ có một doanh nghiệp đầu tư tại Mũi Dinh dự án khách sạn cao cấp có sức chứa khoảng 500 phòng để tranh thủ đón khách trong năm tới”, ông Hồ Sỹ Sơn cho biết.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, việc liên kết phát triển du lịch giữa 3 tỉnh duyên hải miền Trung và TP Hồ Chí Minh chính là tiền đề để phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và bổ khuyết cho các điểm yếu của các tỉnh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có vai trò là đầu tàu kết nối, truyền thông quảng bá điểm đến và đưa khách về các tỉnh duyên hải miền Trung. Ba tỉnh duyên hải miền Trung có trách nhiệm giữ chân du khách bằng cách tạo ra các tuyến điểm có giá kích cầu, giảm giá ưu đãi tốt nhất để doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh có cơ sở, tuyến điểm giá tốt chào bán với du khách. Sự liên kết giữa 4 tỉnh phải là sự hợp tác lâu dài, rõ ràng và có thông tin cụ thể về quyền lợi đôi bên mới có thể phát triển bền vững.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, với xu hướng du lịch thế giới hiện nay là phát triển du lịch trải nghiệm, du khách thích đi liên tour, liên tuyến và vừa qua du khách TP Hồ Chí Minh cũng rất thích thú với du lịch trải nghiệm tới 3 tỉnh duyên hải miền Trung. Ở mỗi một tỉnh duyên hải miền Trung, du khách thành phố đều được trải nghiệm các sản phẩm du lịch như: Bình Định có biển Quy Nhơn, Eo Gió - Kỳ Co, Đảo Yến, Tháp Bánh Ít…; Phú Yên có Vịnh Vũng Rô, Núi Đá Bia, ghềnh đá đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, vịnh Xuân Đài… và Ninh Thuận có điểm đến như biển Cà Ná, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Làng gốm Bàu Trúc, Vịnh Vĩnh Hy….
“Để du khách TP Hồ Chí Minh biết đến các điểm đến duyên hải miền Trung nhiều hơn, 3 tỉnh duyên hải miền Trung mỗi tỉnh nên chọn ra một điểm nhấn du lịch để làm tiêu đề, quảng cáo giới thiệu cho các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, từ đó các doanh nghiệp lữ hành sẽ đưa điểm đến đó vào các kế hoạch chào bán tour. Lãnh đạo các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết vùng, việc liên kết không chỉ dừng ở lãnh đạo các sở, mà phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành của các địa phương. Khi các doanh nghiệp lữ hành địa phương liên kết với nhau sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch liên tuyến và có giá trị tour cao phục vụ du khách”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Ngày 21/1, tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), 4 tỉnh thành gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận đã tổng kết 5 năm (2013 -2018) hợp tác phát triển du lịch và kí kết hợp tác phát triển du lịch trong 5 năm tới (2019 -2023).