Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp
Kể từ ngày 1-7 đến hết 31-12-2024, theo Thông tư số 43/2024/TT-BTC (ngày 28-6-2024) của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mức thu với 36 khoản phí, lệ phí giảm 10-50%.
Trong đó, mức giảm 50% áp dụng đối với phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; lệ phí sở hữu công nghiệp; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt… Đáng chú ý, hầu hết các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán cũng được giảm 50%. Đây là lần thứ tư Bộ Tài chính quyết định giảm các khoản phí, lệ phí trên.
Mới đây nhất, ngày 29-6, Quốc hội đã thông qua việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trong 6 tháng cuối năm 2024.
Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 64/2024/NĐ-CP (ngày 17-6-2024) về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024. Thời gian gia hạn từ 2 đến 5 tháng.
Thực tế trong 4 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất đã giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, việc giảm các khoản phí, lệ phí trên tác động giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng; việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng khiến ngân sách nhà nước giảm thu trong 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Cộng với số thuế giảm khoảng 23 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, cả năm 2024, ngân sách nhà nước dự kiến giảm thu hơn 47 nghìn tỷ đồng.
Đổi lại, đây là nguồn lực đáng kể đưa vào nền kinh tế để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập. Đối tượng tiêu dùng cũng có động lực chi tiêu, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp luôn đánh giá cao chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bởi tác động nhanh, trực tiếp, hiệu quả đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngược lại, việc nghiên cứu, đề xuất, triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là biểu hiện cụ thể, sinh động nhất cho cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ và các cấp, ngành.
Cùng với chính sách tài khóa, Chính phủ đã thực thi chính sách tiền tệ (cơ cấu nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất…) linh hoạt; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số tạo môi trường công khai, minh bạch, giảm phiền hà.
Tinh thần đồng hành này cần được tiếp tục thông qua việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả khác, ưu tiên giải quyết ngay những vướng mắc cản trở hoạt động của doanh nghiệp, như thủ tục đầu tư, triển khai dự án, giải phóng mặt bằng...
Từ góc độ thụ hưởng chính sách, cộng đồng doanh nghiệp cần sử dụng nguồn lực hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, hoàn trả đầy đủ, đúng hạn những khoản tiền được hoãn nộp. Bên cạnh đó, chủ động tìm phương án phục hồi, phát triển, không thụ động trông chờ sự hỗ trợ; liên kết hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trên thị trường nội địa, đồng thời không quên trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội.
Hơn hết, doanh nghiệp phải tận dụng tối đa, biến các nguồn lực hỗ trợ thành kết quả tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của mình, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tan-dung-toi-da-nguon-luc-ho-tro-doanh-nghiep-670707.html