Tận dụng trụ sở dôi dư làm trạm y tế phường

Ngành y tế Hà Nội đề xuất bố trí các trụ sở dôi dư diện tích nhỏ thành trạm y tế, trong bối cảnh nhiều trạm y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Hiện, Thủ đô đang xây dựng mỗi xã, phường sẽ có một trạm y tế, còn các trạm y tế cũ sẽ trở thành các điểm trạm. Trên thực tế, tại khu vực nội đô các trạm hay điểm trạm đều gặp phải khó khăn về diện tích nên trong quá trình sắp xếp trụ sở dôi dư, nhiều cơ sở nhà đất đã được trưng dụng cho y tế tuyến cơ sở.

Trụ sở của Đảng ủy - UBND phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng trước đây đã trở thành trụ sở chính của trạm y tế phường Bạch Mai sau sắp xếp. Việc này đã giải quyết được nơi làm việc chật chội của hơn 30 cán bộ nhân viên y tế thuộc các trạm trước đây.

Bà Trần Thị Phương Anh - Trưởng trạm Y tế phường Bạch Mai, Hà Nội cho biết: "Trạm y tế phường Bạch Mai đã khẩn trương đi vào hoạt động ngay sau khi tiếp nhận trụ sở mới, như triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, các chương trình y tế,... theo đúng tiến độ, kế hoạch của thành phố".

Sau sắp xếp, trạm y tế phường Bạch Mai gồm có một trụ sở trụ sở chính; 8 điểm trạm y tế; Phòng khám đa khoa Mai Hương và Điểm tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên. Do quỹ đất trong quận nội đô hạn chế nên các điểm trạm dù đã được đầu tư nhưng diện tích vốn rất khiêm tốn.

Với việc tận dụng trụ sở cũ, địa phương này cũng có kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ, để trạm y tế thực hiện được sứ mệnh là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch UBND phường Bạch Mai, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã có phương án trong việc lựa chọn trụ sở đặt trạm y tế theo đúng tiêu chí của thành phố sao cho tối ưu nhất để phục vụ người dân".

Trong khi đó, trạm y tế phường Long Biên mới vẫn giữ nguyên vị trí của trạm y tế Thạch Bàn, nhưng nơi đây được mở rộng cả phần diện tích của khu vực Phòng khám Đa khoa Sài Đồng thuộc Trung tâm Y tế quận Long Biên trước kia. Tuy nhiên, nơi này có phần được xây dựng khoảng 20 năm nay nên cơ sở vật chất hiện bị xuống cấp. Do vậy, địa phương này phải đưa ra kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất và bổ sung nhân lực cho trạm.

Ông Hoàng Hải - Chủ tịch UBND phường Long Biên, Hà Nội cho biết: "UBND phường đã có phương án sửa chữa, nâng cấp ba trạm y tế cũ của phường thành một trạm y tế trung tâm và hai điểm trạm".

Theo yêu cầu của Trung ương, Hà Nội giao Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính rà soát các cơ sở nhà đất dôi dư sau sắp xếp để sử dụng cho y tế tuyến cơ sở. Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng sẽ ban hành định mức về trang thiết bị cho trạm y tế dựa trên điều kiện của mỗi địa phương. Từ đây mới phát huy được chức năng của trạm là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người dân tại các xã, phường.

Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo của Sở Y tế thành phố Hà Nội và cùng với các lãnh đạo xã, phường để rà soát những trụ sở dôi dư với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho y tế hoạt động. Dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ban hành tiêu chuẩn định mức trang thiết bị y tế cho từng trạm y tế xã, phường".

Việc tận dụng cơ sở vật chất là một trong những điều kiện để chuẩn hóa được trạm y tế nhưng để thực hiện được chức năng của mình, xứng đáng là nơi để người dân gửi gắm niềm tin, thì đòi hỏi hệ thống y tế ở các địa phương phải thực sự đủ mạnh từ nhân sự, cơ sở vật chất đến quy trình vận hành.

Để thực hiện được nhiệm vụ và chức năng của trạm y tế sau sắp xếp, thành phố Hà Nội hiện cũng đề xuất Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy, phân cấp thẩm quyền cho trạm y tế hoạt động.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tan-dung-tru-so-doi-du-lam-tram-y-te-phuong-348225.htm