Tân Hòa: 30 năm thành lập và phát triển
Xã Tân Hòa, huyện Tân Châu được thành lập vào ngày 28.5.1994, có diện tích tự nhiên trên 26.000ha với 06 ấp; dân số hiện nay có 2.890 hộ với 10.695 nhân khẩu. Xã nằm ở phía Đông Bắc huyện Tân Châu, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 10,1km.
Những ngày đầu mới thành lập, đời sống nhân dân trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn, nhà ở được làm bằng nhà tranh, vách đất, không có công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất, đời sống chủ yếu là nông nghiệp, phần lớn người dân gồm nhiều thành phần, ở mọi miền đất nước về đây sinh sống, lập nghiệp.
Khi thành lập, xã Tân Hòa chưa có Đảng bộ, mà chỉ có chi bộ với 15 đảng viên. Trải qua 6 nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ xã hiện nay có 13 chi bộ, số đảng viên hiện nay là 171 đồng chí. Ông Đỗ Ngọc Luông- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa giai đoạn 1995-1997 cho biết: lập nghiệp ở địa phương là dân tứ xứ, do đó, điều kiện làm ăn để phát triển kinh tế gia đình rất là khó khăn. Về đường xá thì chỉ có một đường phún đỏ từ trung tâm của xã Suối Ngô về xã Tân Hòa. Cơ sở giáo dục, y tế rất là tạm bợ, trong đó chỉ mới có bậc học tiểu học, chưa có trung học cơ sở.
Trải qua 30 năm thành lập và phát triển với nhiều thay đổi, từ một xã khó khăn, Tân Hòa đã xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2020. Sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp có bước phát triển nhanh, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, điều kiện tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững đã và đang được nhân rộng, điển hình như mô hình nuôi ba ba. Mô hình này thực sự trở thành lĩnh vực đóng góp cho sự phát triển kinh tế hộ của địa phương ở xã Tân Hòa. Trên địa bàn xã có hợp tác xã Thủy đặc sản Tân Hòa, cho thu nhập hàng năm trên 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân của xã viên khoảng 5,5 triệu/người/tháng.
Kinh tế nông nghiệp phát triển, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nông dân trong xã được cải thiện và từng bước nâng cao. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu sử dụng lao động ở nông thôn từng bước chuyển dịch, hiện nay số hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ ở nông thôn chiếm 10,4%.
Sản xuất công nghiệp của xã Tân Hòa phát triển vượt bậc, đặc biệt trong những năm gần đây, sản xuất công nghiệp đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của xã, trong đó chủ lực là Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh. Các dịch vụ vận tải, viễn thông, tài chính ngân hàng, bảo hiểm cũng có bước phát triển mạnh, tăng gấp nhiều lần so với những năm đầu mới thành lập, khối lượng vận tải hành khách tăng gấp 30 lần, tổng số máy điện thoại tăng gấp 95 lần, bình quân đạt 75 máy/100 người dân; tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn xã đạt trên 300 tỷ đồng.
Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn xã phát triển nhanh, xã đã bố trí vốn ngân sách và huy động nhân dân đóng góp, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao; xây dựng hàng chục km đường và nhiều tuyến đường nông thôn nối liền từ xã đến ấp, liên ấp. Hệ thống lưới điện nông thôn phát triển mạnh, đến nay 100% số ấp, tổ tự quản đều sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đến cuối năm 2023 đạt 99,9%.
Bà Nguyễn Thị Chi, một người dân ở xã Tân Hòa cho biết: "Tôi đến Tân Hòa lập nghiệp cuối năm 1994. Hồi đó xã còn nghèo lắm, người dân ở thưa thớt. Hiện nay thì đường đi lại thông thoáng; điện đường từ con đường lớn tới các ngõ hiểm đều thắp sáng đầy đủ; người dân xã Tân Hòa đã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh...".
Quy mô các bậc học, cấp học đều tăng: hiện xã có 4 trường học cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tăng 2 trường so với năm 1994. Trong đó, trường THCS đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; các trường còn lại cũng được đầu tư nâng cấp theo chuẩn quốc gia.
Tổng số học sinh năm học 2023 - 2024 trên địa xã là hơn 1.500 em; so với năm 1994 số học sinh tăng hơn 1.000 em. Đội ngũ giáo viên vừa tăng về số lượng, vừa được đào tạo bồi dưỡng nâng lên về trình độ, tổng số giáo viên năm 2023 là 124 người, tăng 80 người so với năm 1994. Toàn bộ giáo viên các cấp học đều đạt chuẩn, một số đạt trên chuẩn. Chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh ngày càng được nâng lên, phần lớn đều đạt hạnh kiểm tốt, trên 70% có học lực khá, giỏi; tỷ lệ học sinh lưu ban giảm còn 0,1%, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn 0,2%.
6/6 ấp xây dựng được nhà văn hóa – khu thể thao, trang bị cụm trò chơi ngoài trời để các thế hệ có thể vui chơi, tập thể dục rèn luyện sức khỏe... Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện. Hàng năm, xã có 85% hộ gia đình và 100% ấp được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Hoạt động thông tin truyền thông ngày càng phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Mạng Internet và điện thoại di động phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu chỉ đạo điều hành của các cấp, ngành và nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Mạng lưới y tế được củng cố, tăng cường, 100% các ấp trong xã có cửa hàng y tế đạt chuẩn, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã mức độ 1, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Kinh tế phát triển góp phần nâng cao thu nhập của người dân, năm 2020 thu nhập bình quân là 55 triệu đồng/01người/năm, năm 2023 là 80 triệu đồng/người/năm. Thu nhập của người dân tăng cộng với các chính sách an sinh xã hội được duy trì và phát triển liên tục đã góp phần cải thiện tình hình nhà ở và phương tiện sinh hoạt của dân cư.
Tiềm lực quốc phòng - an ninh của xã Tân Hòa không ngừng được củng cố, quan tâm tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, chú trọng xây dựng lực lượng thường trực đủ biên chế, có chất lượng, phù hợp với điều kiện của địa phương, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự. Từ đó, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, trật tự an toàn giao thông hàng năm được kềm chế.
Hệ thống chính trị không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng lên về hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Công tác cán bộ được lãnh đạo quan tâm chặt chẽ. Quy trình công tác cán bộ có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ, công khai, đảm bảo giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, năm 1994 Tân Hòa là xã khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, điều hành thì sau 30 năm đã có các thành quả nổi bật như: đời sống của nhân dân được cải thiện; điện, đường, trường, trạm được các cơ quan chức năng, đặc biệt Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư. Đến nay các cơ sở hạ tầng đã được khang trang hơn. Tạo thuận lợi cho bà con ổn định cuộc sống.
30 năm kể từ ngày thành lập, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Tân Hòa đã nỗ lực, quyết tâm cao, đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện, đưa xã thoát khỏi tình trạng xã nghèo, bước vào nhóm có thu nhập trung bình, tạo tiền đề quan trọng để xã phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tan-hoa-30-nam-thanh-lap-va-phat-trien-a173367.html