Tan hoang di tích trận địa pháo cổ
Trận địa pháo cổ hầm thủy lôi núi Lớn, Cầu Đá, núi Tao Phùng ở Vũng Tàu được mệnh danh là bộ sưu tập pháo cổ lớn nhất Đông Dương. Đây là 3 trong số 28 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng. Thế nhưng, do không được quan tâm tu bổ, các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có di tích đứng trước nguy cơ xóa sổ do bị xâm lấn.
Di tích quốc gia bị xâm hại
Được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994, trận địa pháo cổ Cầu Đá (phường 2, TP Vũng Tàu) là 1 trong 3 cụm pháo nằm trong hệ thống pháo phòng thủ tuyến biển Vũng Tàu do thực dân Pháp khởi công xây dựng vào năm 1895. Công trình gồm 4 khẩu pháo nòng dài 5,5m, cỡ nòng 240mm được bố trí cách đều nhau 18m trên sườn núi Nhỏ, nòng súng hướng ra biển Bãi Trước. Tìm đến địa chỉ di tích, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng bởi nơi đây đã biến thành nhà dân, chùa và trụ sở làm việc của một đơn vị hàng hải. Leo lên leo xuống gần nửa ngày, chúng tôi phát hiện khẩu pháo thứ nhất, nằm giữa hông chùa Bửu Sơn và đền Mẫu Thoải, đã bị hồ chứa nước, nhà bếp xây đè lên mâm pháo và hệ thống bánh răng cưa. Còn khẩu thứ 2, cũng phải mất khá nhiều giờ, sư thầy chùa Bửu Sơn (đường Hạ Long) mới đồng ý cho vào “thăm” phần thân pháo nằm xếp xó trong kho chứa đồ, còn phần nòng pháo chẳng biết ở đâu. Khẩu thứ 3 nằm trong khuân viên một đơn vị hàng hải. Khẩu thứ 4 nằm ở kho chứa đồ của tịnh xá Ngọc Bích. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn vào xem thì bị từ chối thẳng thừng bằng câu nói “tài sản quốc gia không phải ai muốn xem cũng được”. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống hầm ngầm, giao thông hào cũng đã bị chia lô, chặn bít để làm kho chứa đồ, nhà tắm, nhà vệ sinh và hố chứa xà bần. Như vậy, di tích trận địa pháo cổ Cầu Đá gần như chỉ còn trên giấy.
Quy mô và hoành tráng hơn cả là di tích trận địa pháo cổ hầm thủy lôi núi Lớn (phường 5, TP Vũng Tàu). Công trình có 6 khẩu trọng pháo khoảng 15 tấn, được Pháp khởi công lắp đặt, xây dựng năm 1885; và công trình hầm thủy lôi được Nhật xây dựng năm 1944 để cất giấu vũ khí. Trong kháng chiến, quân ta đã nhiều lần đột nhập hầm này lấy vũ khí của địch để đánh lại địch. Năm 1992, công trình được được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Thế nhưng mới đây, nhiều du khách không khỏi bất ngờ khi khu đất phía sau bức tường “Di tích đã xếp hạng: Trận địa pháo - hầm thủy lôi núi Lớn” lại bị bao lại bằng tôn và hàng rào sắt. Công trình hầm thủy lôi nằm thọt thỏm trong đất của người dân và kết quả xác minh tại UBND phường 5 thì xung quanh khu vực hầm thủy lôi đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp sổ đỏ cho một cá nhân từ năm 1997. Thế nhưng điều khuất tất là trong tấm sổ đỏ không có bản vẽ thửa đất mà chỉ có vài dòng chữ ghi được quyền sử dụng hơn 8.000m² đất nông nghiệp tại phường 5. Đến năm 2008 mới xuất hiện trang bổ sung sơ đồ thửa đất nằm giữa khu rừng do kiểm lâm quản lý.
Người có hàng chục năm trông coi di tích cũng hết sức bất ngờ khi khu đất được cấp cho cá nhân, trong khi trên đất vẫn còn tồn tại một số công trình hầm chứa nước thuộc về di tích. Mặc dù là đất nông nghiệp, không được phép xây dựng, nhưng mới đây đã xuất hiện công trình xây dựng trái phép và UBND phường 5 đã mời chủ đất lên làm việc. Cuối cùng, trận địa pháo cổ núi Tao Phùng, mặc dù không bị xâm lấn nhưng do không được tu bổ, 2 khẩu pháo dưới chân tượng Chúa Kito bị hư hỏng nặng, xung quanh đầy vỏ chai nhựa và rác.
Do các di tích bị xâm hại quá nghiêm trọng nên có thời gian, TP Vũng Tàu đã có ý định tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Cục Di sản văn hóa rút trận địa pháo cổ Cầu Đá và núi Tao Phùng ra khỏi di tích cấp quốc gia.
Truy trách nhiệm
Theo tìm hiểu, năm 2016, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo giám sát về công tác quản lý đối với các di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, trong đó chỉ ra nhiều di tích bị lấn chiếm và ban đã kiến nghị Sở VH-TT có các giải pháp chấn chỉnh nhưng đến nay chưa được xử lý. Mới đây, một lần nữa, tại phiên họp thứ 28, Thường trực HĐND tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2016-2021), các đại biểu tiếp tục chất vấn vấn đề nhiều di tích bị lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng và không phát huy được tiềm năng. Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT, giải trình, do công tác quản lý di tích còn nhiều bất cập. Một phần do kiểm tra, giám sát chưa sát, đội ngũ cán bộ quản lý kiêm nhiệm, không chuyên trách, nhưng một phần do việc bàn giao di tích cho các địa phương quản lý chưa khớp so với trên thực địa. Hiện nay, sở đã xây dựng kế hoạch đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy một số di tích có tiềm năng phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí hơn 634 tỷ đồng; phối hợp với Sở Xây dựng đo đạc, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Với các di tích bị xâm hại lấn chiếm, sở tham mưu UBND tỉnh ra quyết định cưỡng chế, thu hồi mặt bằng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, câu chuyện về sự xuống cấp, xâm hại di tích đã nói quá nhiều tại các cuộc họp, kỳ họp nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở VH-TT xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc bảo vệ, quản lý di tích và phối hợp với các đơn vị, địa phương cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm đất di tích. Đồng thời, lên kế hoạch, lộ trình đầu tư, tôn tạo biến các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh thành những công viên xanh, điểm du lịch.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tan-hoang-di-tich-tran-dia-phao-co-650099.html