Tan hoang 'thiên đường' du lịch
Thống kê ban đầu cho thấy Hạ Long có 23 tàu du lịch bị bão đánh chìm, trên 115 khách sạn, chung cư cao tầng bị thiệt hại nặng; Sa Pa có 18 nhà bị ngập nước, sạt lở và lũ cuốn trôi; thác Bản Giốc ở Cao Bằng ngập trong nước...
Bão số 3 tàn phá TP Hạ Long xinh đẹp, điểm du lịch nổi tiếng trở nên tan hoang với hình ảnh cây cối, biển báo giao thông đổ rạp, những trường học, mái nhà tốc mái, đổ sập. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ở các phường trung tâm. Nhiều phương tiện neo đậu trong Cảng tàu quốc tế Tuần Châu bị đắm do tác động của bão số 3.
Trên địa bàn thành phố có tới 76 tàu thuyền chìm đắm với 23 tàu du lịch, 28 tàu cá các loại, 15 tàu vận tải và 30 lồng bè bị hư hỏng, thiệt hại. Đồng thời, có trên 550 nhà xưởng bị ảnh hưởng nặng nề; trên 10.000 nhà ở, công trình của hộ dân tầng bị tốc mái, sập mái, vỡ cửa kính...; trên 500 trụ sở cơ quan, đơn vị, bệnh viện của tỉnh đóng trên địa bàn, trụ sở của thành phố, xã phường bị thiệt hại; trên 220 công trình nhà văn hóa, trạm y tế và công trình công cộng bị thiệt hại; 73/ 117 trường học các cấp bị thiệt hại; trên 115 khách sạn, chung cư cao tầng bị thiệt hại nặng.
Hàng chục nghìn cây xanh trên các tuyến đường, trong khu dân cư bị gãy đổ (hiện chưa thống kê được số lượng cụ thể).
Dù đã chủ động hàng loạt các giải pháp ứng phó, nhưng với sức tàn phá quá lớn, TP Hạ Long đã trở thành một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất toàn tỉnh.
Tính đến 7h ngày 9/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4 người tử vong và hàng trăm người bị thương. Các lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công 78 người gặp nạn trên các xà lan, tàu thuyền trên Vịnh Hạ Long, hiện còn lại 8 người đang mất tích, chưa tìm thấy.
Hiện nay toàn thành phố đang huy động tổng lực để trong thời gian sớm nhất Hạ Long sẽ lấy lại hình ảnh của thành phố Di sản, thành phố du lịch.
Thành phố phát động chiến dịch khắc phục cơn bão số 3. Đây sẽ là chiến dịch cao điểm trong 7 ngày để toàn thành phố tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, an sinh xã hội, cứu nạn cứu hộ. Để chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất, thành phố đang phát huy mô hình của trên 200 tổ tình nguyện các thôn, khu và huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, để mỗi người dân cũng là một chiến sĩ.
Tại Lào Cai, trong 3 ngày từ 7 - 9/9, mưa lũ, sạt lở, lũ quét đã làm 20 người chết (Sa Pa 7 người, Văn Bàn 2 người, Bắc Hà 6 người và Si Ma Cai 5 người); 11 người mất tích (1 người tại thị xã Sa Pa; 10 người tại huyện Bát Xát); làm bị thương 14 người (10 người tại thị xã Sa Pa; 3 người tại huyện Bát Xát và 1 người tại huyện Bắc Hà).
Đặc biệt, lũ trên sông Hồng đã vượt mức báo động III gây ngập lụt nhiều khu vực của thành phố Lào Cai và các địa phương ven sông, khiến hàng trăm nhà dân bị ngập úng nghiêm trọng.
Thị xã Sa Pa bị sạt lở 71 điểm, ngập nước 3 điểm, hiện không thể di chuyển bằng đường bộ từ thành phố Lào Cai đi thị xã Sa Pa do ngập nước tại Km 134 và trên Quốc lộ 4D đang bị sạt lở tại nhiều điểm.
Huyện Si Ma Cai hiện cũng không thể di chuyển theo đường bộ từ thành phố Lào Cai đến huyện Si Ma Cai do tuyến Tỉnh lộ 153 bị ngập nước.
Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa đã đề nghị các đơn vị Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Ban Quản lý Phát triển Du lịch và Di tích, Ban Quản lý Khu du lịch Hàm Rồng và các điểm du lịch trên địa bàn thị xã chủ động kiểm tra và có phương án ứng phó với hoàn lưu cơn bão số 3 để đảm bảo an toàn về tài sản và người, đặc biệt là các điểm có thác, suối và địa hình phức tạp; tạm dừng đón khách tham quan tại các điểm di tích, danh thắng do đơn vị quản lý từ ngày 8/9 đến khi có thông báo mới của UBND thị xã.
Tại Cao Bằng, tỉnh đã tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng trên địa bàn tỉnh từ ngày 9/9/2024 cho đến khi có thông báo mới.
Tính đến 18 giờ ngày 9/9, toàn huyện Nguyên Bình ghi nhận có 17 người tử vong, 8 người bị thương, gần 20 người mất tích, cụ thể: Xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành 2 người; xã Vũ Nông 2 người; xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc 7 người; xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành 7 người bị vùi lấp do sạt lở đất.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại khu vực thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) mưa lớn kéo dài, nước lũ đổ về, mực nước tại thác dâng cao và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Để đảm bảo an toàn cho tất cả du khách tham quan thác Bản Giốc, Ban Quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc khuyến cáo du khách có dự định đến tham quan thác Bản Giốc, lưu ý thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và cảnh báo lũ từ các cơ quan chức năng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Du khách giữ khoảng cách an toàn và không tiếp cận khu vực nguy hiểm như mép sông hoặc các khu vực có dòng nước chảy mạnh. Tuân thủ nghiêm các biển cảnh báo và dây chắn an toàn được giăng xung quanh khu vực nguy hiểm.
Du khách cũng cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên, tuân theo các hướng dẫn của nhân viên khu du lịch và đội cứu hộ. Thực hiện theo các biện pháp an toàn đã được phổ biến trong trường hợp khẩn cấp. Tránh các hoạt động dưới nước, không tham gia các hoạt động dưới nước như đi bè mảng, bơi lội, hoặc leo trèo trên các tảng đá trơn trượt.
Đảm bảo rằng rằng du khách luôn ở trong tình trạng sẵn sàng di chuyển đến khu vực an toàn nêu có thông báo khẩn cấp.
Quỳnh Nhai, điểm du lịch nổi tiếng của Sơn La xảy ra mưa vừa đến mưa to kéo dài, gây sạt lở nhiều điểm tại các tuyến đường trên địa bàn huyện và thiệt hại một số nhà ở, cây cối của nhân dân.
Mưa dài ngày khiến hầu khắp các tuyến đường trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đều có các điểm sạt lở lớn nhỏ. Theo thống kê sơ bộ, tuyến tỉnh lộ 107 từ xã Chiềng Ơn đi Pá Ma Pha Khinh có trên 20 điểm sạt trượt tà luy dương, khối lượng đất đá tại mỗi điểm ước tính từ 50-100m³. Tuyến đường đi Cà Nàng sạt lở tà luy dương với khoảng 20m³ đất đá, tuyến đường nội bản Phướng bị sạt tà luy âm với chiều dài khoảng 7m. Tuyến đường từ xã Chiềng Ơn đi bản Lốm Lầu, tuyến Nặm Ét – Mường Sại cũng có điểm sạt lở tà luy dương.
Huyện Quỳnh Nhai đã huy động lực lượng tại chỗ, thuê máy xúc san gạt lượng đất đá bồi lấp mặt đường để thông tuyến tạm thời, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông. Riêng tuyến đường từ Chiềng Khay đi Mường Chiên đã bị sạt lở từ các trận mưa trước đó đến nay mới đang được khắc phục tạm thời để xe máy qua lại.
Ngày 8/9, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳnh Nhai vừa ban hành công văn về việc tạm dừng đón khách du lịch để đảm bảo công tác phòng, chống bão lũ trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai.