Tận hưởng giá cước tăng cao, lãi ròng năm nay của PV Trans (PVT) có thể vượt 75% mục tiêu
Mức lãi ròng cả năm nay của PV Trans (mã cổ phiếu PVT) có thể vượt 75% mục tiêu đề ra nhờ giá cước vận tải dầu neo cao cùng với công suất đội tàu liên tục được mở rộng.
Giá cước vận tải dầu và nhiên liệu sẽ neo cao trong thời gian tới
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, triển vọng kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) từ nay đến năm 2024 sẽ ở mức tích cực khi giá cước vận tải dầu khí neo cao và công suất đội tàu đang tăng lên.
Cụ thể, các điều kiện tích cực đối với cả phân khúc vận tải dầu thô và nhiên liệu được dự báo sẽ kéo dài trong một vài năm tới nhờ sự dịch chuyển dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu sang các tuyến hải trình dài hơn sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu và sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga, khiến hiệu suất vận tải giảm xuống. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Quốc đang phục hồi sau quá trình tái mở cửa của nước này.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng đội tàu trên toàn cầu, đặc biệt là đối với đội tàu chở nhiên liệu, đang bị giới hạn do số lượng đơn đặt hàng ở mức thấp trong những năm gần đây. Hơn nữa, các quy định mới về tiêu chuẩn khí thải sẽ khiến các tàu phải di chuyển với tốc độ chậm hơn, càng khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung tàu chở nhiên liệu tăng lên.
Theo VNDirect Research, sự thay đổi không thể đảo ngược trong dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu sẽ giữ mặt bằng giá cước thuê tàu ở mức cao, tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí như PV Trans.
Đặc biệt, các xung đột địa chính trị, mới nhất là xung đột giữa Israel và nhóm Hamas, được nhận định sẽ giữ giá dầu thô ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho PV Trans đàm phán giá cước vận tải cao hơn đối với các hợp đồng được tái ký trong tháng 11/2023.
VNDirect Research dự báo, trong cả năm nay, doanh thu và lãi ròng của PV Trans sẽ lần lượt đạt 8.832 tỷ đồng và 940 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và tăng 75% so với mục tiêu hiện tại của doanh nghiệp này.
Trên thực tế, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí thường đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng và thường có kết quả kinh doanh vượt nhiều so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2021 đặt kế hoạch lãi 433 tỷ đồng, thực tế đạt 830 tỷ đồng (hoàn thành 192% kế hoạch); năm 2022, đặt kế hoạch lãi 480 tỷ đồng, thực tế đạt 1.156 tỷ đồng (hoàn thành 241% kế hoạch).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 hồi tháng 4/2023, ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch HĐQT PV Trans nhận định lợi nhuận năm nay có thể vượt 1.000 tỷ đồng.
Kế hoạch mở rộng đội tàu “đầy tham vọng”
Động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh trong trung hạn của PV Trans còn đến từ việc doanh nghiệp này tích cực mở rộng đội tàu với mức đầu tư lên đến 8.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm qua.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, PV Trans vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng đội tàu với việc đầu tư thêm 5 tàu chở nhiên liệu có tổng trọng tải trên 130.000 DWT (trong đó có 2 tàu được đầu tư theo hình thức thuê mua tàu trần) và 1 tàu VLGC có trọng tải 55.000 DWT. Như vậy, doanh nghiệp này đang sở hữu và vận hành đội tàu gồm 45 tàu chở dầu thô, nhiên liệu/hóa chất, tàu chở hàng rời và tàu chở LPG với tổng trọng tải trên 1,2 triệu DWT.
Tới cuối năm nay, dự kiến PV Trans sẽ nhận thêm 2 tàu mua và 2 tàu thuê mua. Đồng thời, doanh nghiệp này đang thương thảo đầu tư thêm một số tàu nhưng sẽ chỉ tập trung vào mảng vận tải dầu thành phẩm/hóa chất và LPG.
Đến năm 2025, PV Trans đặt mục tiêu mở rộng đội tàu lên mức 85 tàu, gồm 72 tàu mua và 13 tàu thuê mua. Một số tổ chức tài chính nhận định đây là kế hoạch “khá tham vọng”. Theo KB Securities Vietnam (KBSV), PV Trans sẽ khó hoàn thành được mục tiêu này do hiện giá các loại tàu hàng lỏng đang ở mức rất cao so với quá khứ chủ yếu do diễn biến giá cước thuận lợi.
Xem thêm: "Giao thông Đèo Cả (HHV) hưởng lợi từ đầu tư công, lãi ròng năm nay ước tăng 27%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Dù vậy, KBSV cho rằng phương án tăng cường hình thức thuê mua sẽ là giải pháp phù hợp đối với PV Trans để gia tăng năng lực đội tàu trong điều kiện giá tàu lẫn mặt bằng lãi suất ở mức cao. Đáng chú ý, PV Trans thường thuê mua tàu từ các đối tác Nhật Bản. Phương án thuê mua không yêu cầu vốn đầu tư lớn ngay lập tức trong khi chi phí phải trả định kỳ ở mức hợp lý do biến động theo lãi suất Nhật Bản (vốn ở mức rất hấp dẫn so với lãi suất LIBOR thế giới).
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 16/10, cổ phiếu PVT đạt 30.100 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết giao dịch vào năm 2007. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu PVT đã tăng hơn 38%.