Tân Lập: Lấy sức dân nâng chất xã văn hóa

Những năm qua, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đặc biệt quan tâm đến việc lấy sức dân nâng chất xã văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ.

Nhiều gương người tốt, việc tốt được khen thưởng

Cuối năm 2016, xã Tân Lập được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa. Đạt kết quả này là nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Song, để được công nhận lại xã văn hóa sau 5 năm, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Lập phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập - Lê Thị Tuyết Thư cho biết: “Sau khi được công nhận xã văn hóa, Tân Lập xác định các tiêu chí dễ vỡ, thiếu bền vững phải thường xuyên củng cố và nâng chất: Môi trường, an ninh, trật tự,... Trên cơ sở này, xã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó đặc biệt quan tâm đến vai trò chủ thể của nhân dân. Vì vậy, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng phải chú ý đến đối tượng để áp dụng hình thức tuyên truyền cho phù hợp. Ngoài ra, tuyên truyền không phải bằng hình thức nói suông hay nói lý thuyết mà phải cô đọng, ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung, ý nghĩa nhằm giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ”.

Theo đó, khi tuyên truyền về tình hình an ninh, trật tự, người tuyên truyền nêu rõ các hành vi phạm tội của tội phạm, số vụ trộm cắp xảy ra trên địa bàn xã, gặp tội phạm phải ứng xử thế nào, nêu ví dụ trong từng trường hợp,... Còn tuyên truyền về thực hiện tiêu chí môi trường, người tuyên truyền nói ngắn gọn về địa điểm để rác đúng nơi quy định, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tác hại của rác đến môi trường,... Nhờ vậy, người dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm và những việc làm cụ thể trong hành trình nâng chất xã văn hóa, đồng thời xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt.

Điển hình là ông Trần Văn Quyên - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Trương Công Ý. Ông Quyên là người thành lập mô hình Mỗi Cựu chiến binh là một báo tin viên. Thông qua mô hình này, ấp Trương Công Ý không xảy ra phạm pháp hình sự; người dân tích cực tham gia phòng, chống, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong đó, nhiều nguồn tin của hội viên cung cấp cho lực lượng chức năng bắt và xử lý nhiều trường hợp sử dụng xung điện khai thác thủy sản trái phép. Hay ông Châu Văn Tư, ngụ ấp Bằng Lăng - người được mệnh danh “ăn cơm nhà, nói chuyện thiên hạ”. Bởi, ông rất kiên trì đến từng nhà gặp gỡ các gia đình có con em vi phạm luật giao thông, tham gia các tệ nạn xã hội (đánh bài, đá gà,...) hoặc các trường hợp mới cai nghiện trở về địa phương để kịp thời giúp đỡ, nhắc nhở, khuyên răn,... Ông Tư cho biết: “Những người lầm lỗi khi trở về địa phương rất cần sự quan tâm, chia sẻ, động viên của nhiều người. Từ đó, họ sẽ có điều kiện làm lại từ đầu, không mặc cảm với xã hội. Hiểu được vấn đề này, tôi thường tìm cách giúp đỡ. Ban đầu, họ cũng không thích tôi đến nhà, thế nhưng “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền nhiều lần rồi cũng đạt kết quả”.

Ngoài ra, người dân trong xã còn thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đến nay, việc tổ chức đám cưới dài ngày, linh đình, phô trương, lãng phí giảm. Các nghi thức lễ trong đám cưới được đơn giản hóa, hạn chế rượu, bia, không có tệ nạn cờ bạc, nhất là không hát karaoke quá 22 giờ. Còn về việc tang, các hủ tục, mê tín dị đoan dần bị xóa bỏ, hạn chế đốt giấy tiền vàng mã, rải tiền,...

Bà Bùi Mộng Tuyền, ngụ ấp Trương Công Ý, bộc bạch: “Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà tệ nạn xã hội giảm, an ninh, trật tự được giữ vững, tình làng, nghĩa xóm bền chặt, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp,... Có thể khẳng định, việc nâng chất xã văn hóa góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, hiện đại, hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ”./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tan-lap-lay-suc-dan-nang-chat-xa-van-hoa-a80033.html