Tản mạn bên dòng sông Cổ Cò
1. Cổ Cò là một con sông đẹp, đẫm đầy huyền thoại và trầm tích. Dòng sông Cổ Cò nối từ Cửa Hàn lộng gió đến Cửa Đại miên man trong tâm thức và hoài vọng của bao bậc cao niên. Dọc dài 2 bên dòng Cổ Cò thơ mộng một thời trên bến dưới thuyền, đoạn về phía hạ lưu có tên là Hà Sấu, Lò Gạch là những xóm làng Hà My, Hà Lộc, Hà Quảng, Gia Lộc. Rồi Cổ Cò huyền thoại chảy qua cầu Ông Điền, xuôi về Đế Võng, trong mênh mang đồng bãi quê nhà, vét mình qua phố thị sông Hoài để chảy ra Cửa Đại mênh mông sóng nước.
Chuyện kể rằng, xưa kia cậu học trò nghèo Nguyễn Duy Hiệu, sinh ra và lớn lên ở làng Bến Trễ, Cẩm Hà, ngày ngày thường hay bách bộ ven bờ con sông này để lên làng Hà Lộc thọ giáo vị hiền sư là cử nhân Lê Tấn Toán tại tràng học của ông. Làng Hà Lộc ngày xưa có ngôi chợ Cầu đã đi vào huyền thoại cổ tích, đọng lại trong ký ức dân gian với những câu hát ru buồn của bao bà mẹ quê nghèo ngày ấy: "Bồng em mà bỏ vô nôi/Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/Mua cau Vĩnh Điện, mua trầu Hội An…".
2. Chiều nay, tôi đi dọc sông Cổ Cò, dừng lại bên chân cầu Nguyễn Duy Hiệu (còn gọi cầu Ông Điền) còn thơm mùi sơn. Cây cầu và con đường dẫn 2 bên nối từ Cẩm Hà, Hội An ra phía biển Hà My, Điện Dương. Gió từ ngoài khơi xa lồng lộng thổi về, mang hương vị mặn mòi biển khơi. Những hàng dừa nước đong đưa bên bến bờ nắng gió trong xanh. Tôi như nghe vang vọng đâu đây mênh mang lời ru của nội, của mẹ hòa trong tiếng sóng biển Hà My vọng về mỗi trưa mùa hạ nắng oai nồng, mỗi chiều mùa đông giá lạnh, ngọt ngào và ấm áp như câu ca dao xứ sở quê nghèo. Ngày xưa, xóm Văn Kinh, làng Hà My nằm bên dòng Cổ Cò thơ mộng này nghèo lắm. Nơi đây là đồng chua nước mặn. Sông lạch nhỏ chạy dọc dài theo thôn xóm, ven đôi bờ lau lách và dừa nước mọc xanh um. Xóm Văn Kinh có cây cầu Ông Điền bằng ván bắc ngang qua đoạn sông, nối với các xóm thôn khác của làng quê Điện Dương. Bây giờ, dọc 2 bên bờ con sông Cổ Cò, hiển hiện trước mắt tôi hàng chục dự án khu đô thị sinh thái, biệt thự nhà vườn đang triển khai thi công. Cầu Nghĩa Tự cũng đã khởi công xây dựng. Sông Cổ Cò cũng đã, đang được đầu tư triển khai nạo vét từ Đà Nẵng vào Hội An để trở thành trục đường thủy phục vụ thương mại, du lịch...
3. Bất giác, tôi hình dung viễn cảnh mai này, du khách sẽ được đi thuyền trên sông Cổ Cò từ cửa Hàn, Đà Nẵng đi vào cửa Đại, Hội An và ngược lại, như mấy trăm năm về trước, một thời trên bến dưới thuyền của các thương nhân người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản đã ngược xuôi trên con sông này để làm ăn, giao thương buôn bán. Tôi hình dung cả không gian lẫn thời gian và các tầng nấc văn hóa, nếp sinh hoạt cộng đồng ở vùng đất này của quá khứ sẽ được tái hiện sinh động trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Tự nghĩ chẳng biết mình có lan man, viển vông quá không khi ước giá như chợ Cầu và bao đình làng, chùa chiền, miếu mạo cùng với những di tích lịch sử văn hóa dọc ven bờ sông Hà Sấu, sông Cổ Cò được phục dựng, trùng tu, tôn tạo để phục vụ du khách năm châu bốn bể thì hay, tuyệt biết mấy. Đôi bờ con sông Cổ Cò đẫm đầy trầm tích và huyền thoại này rồi đây sẽ mọc lên những đô thị nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng cùng với bao dịch vụ tiện ích thời hiện đại. Cuộc sống của bà con quê tôi sẽ ngày càng đổi thay…
Cổ Cò thật gần, thật đẹp trong giấc mơ đêm qua của tôi.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tan-man-ben-dong-song-co-co-post288678.html