Tản mạn chuyện báo Tết

Cây nêu, câu đối, dưa hành, bánh chưng, thịt mỡ… tuy còn đó nhưng sự hiện hữu cũng chẳng được như xưa và cũng không còn là của riêng những ngày Tết. Đó có lẽ cũng là câu chuyện với các trang báo Tết xưa và nay…

Những tờ báo Xuân vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người làm báo gửi tới bạn đọc

Những tờ báo Xuân vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người làm báo gửi tới bạn đọc

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh...

Tưởng như đó là những điều mãi gắn bó cùng cái Tết quan trọng nhất trong năm của người Việt, chỉ đến Tết mới có. Vậy mà cũng đã có những đổi thay. Những tràng pháo hồng chỉ còn trong kỷ niệm.

Một thời hoàng kim

Mấy chục năm trước, khi báo in đang thời hoàng kim thì báo Xuân, báo Tết, nhất là ấn phẩm của những tờ báo được bạn đọc hâm mộ như Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, An ninh thế giới… là món quà Xuân đầy ý nghĩa. Còn nhớ hồi ấy, dù giá không phải thấp, nhưng báo Tết của những tờ báo đắt khách thường ra sớm, hết sớm. Đôi khi phải in nối bản. Chậm chút là không kịp mua, tiếc ngơ ngẩn. Tôi có người bạn thân ở Báo Thanh Niên, năm nao cũng phải dặn nhớ để cho mình một bản, vậy mà có khi cũng không có. Với rất nhiều người, cứ mua đủ những tờ báo Xuân mà mình yêu thích cũng đã thấy Tết, cảm giác có thể so với việc một bà nội trợ lo xong nồi bánh chưng cho gia đình.

Mà báo Tết đâu chỉ dành đọc ngày Tết. Thường thì có tờ báo trong tay, ngắm nghía trang bìa, mục lục để điểm danh những cây bút tham gia… rồi xếp vào chồng báo Tết, báo Xuân trên kệ tủ phòng khách, như là một cách thêm nét xuân cùng bức tranh con giáp, cành đào, cuốn lịch mới. Là bởi những năm ấy, chỉ có ngày Tết hay dịp rất đặc biệt, các báo mới in màu, giấy couche, láng đẹp. Còn ngày thường chỉ đen trắng, hai màu là đã sang lắm. Tôi có thói quen đọc báo Tết cả năm. Mỗi lúc thư nhàn, chọn một tờ báo Tết, đọc một cách thích thú, như nhấm nháp ấm trà ngon. Đọc hết các số báo Tết năm trước, cũng là lúc rục rịch làm báo Tết năm mới. Tôi biết những người bạn, có cả một bộ sưu tập báo Tết của nhiều năm, nuôi cái thú đọc báo Tết của một thời xa xưa.

Thời ấy, để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, cũng là để thỏa mãn đam mê nghề nghiệp, làm báo Tết luôn được coi là việc trọng. Thường thì mỗi tòa báo cắt cử cả một nhóm, đôi khi được gọi trang trọng là Ban báo Tết, tập hợp những phóng viên giỏi, người biên tập cứng, họa sĩ tài hoa… do một vị phó tổng biên tập giàu kinh nghiệm chủ trì để làm báo Xuân. Mỗi người một việc, nhưng điểm giống nhau là đều đam mê, coi làm báo Tết như một cái thú, một niềm vui, một cuộc chơi đầy hấp dẫn, cuốn hút. Có một tờ báo Xuân độc đáo, hấp dẫn từ nội dung đến hình thức, không giống ai và cũng không để ai giống mình là tiêu chí, mục tiêu của những người làm báo Tết. Ngoài bài vở độc, hay, lạ, các tòa soạn còn chú ý đầu tư rất nhiều cho bìa báo. Nhiều trang bìa báo Tết đã thành thương hiệu, truyền thống… như tờ Văn nghệ chẳng hạn. Điều này cho đến bây giờ vẫn nhiều tờ báo theo đuổi như một cuộc chơi thú vị.

Đấy là với những tờ báo có tiềm lực, đông đảo bạn đọc, có thể chơi và dám chơi sang. Với đa số tờ báo khác, cũng làm báo Tết nhưng đơn giản hơn. Cũng in giấy tốt, trình bày đẹp, nhưng không quá cầu kỳ, tốn kém.

Báo Tết bây giờ

Lại nói về đôi câu đối xuân được dẫn ở đầu bài. Giờ có chăng chỉ còn cây nêu, củ dưa hành, đôi câu đối đỏ ít nhiều mang phong vị đặc trưng của ngày Tết. Pháo đã bị cấm. Bánh chưng, thịt mỡ là những thứ có quanh năm không còn mấy hấp dẫn, thậm chí còn là thứ phải kiêng… Với báo Tết, báo Xuân câu chuyện xem ra cũng tương tự. Công chúng quanh năm được tiếp xúc với lượng thông tin ngồn ngộn, đa chiều với đủ các loại phương tiện nghe nhìn, các loại hình giải trí cũng không còn mấy mặn mà với báo Tết.

Xưa nay, làm báo Tết là dịp tri ân bạn đọc, bạn viết, cũng là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đối tác cảm ơn tờ báo qua các trang quảng cáo, thư chúc mừng. Bởi vậy, dẫu chẳng được như xưa, nhưng đa phần các báo dù là của các bộ, ngành hay địa phương vẫn giữ nếp làm báo Tết. Làm một số báo đặc biệt đón Xuân vừa là niềm vui, lại thêm chút thu nhập cho người làm báo. Có tờ báo cả năm chẳng có lấy một trang quảng cáo, nhưng đến số báo Xuân, ít ra cũng có một vài cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thân thiết quan tâm, như một lời chúc mừng, lại như món quà xuân tình nghĩa. Thế nên chộn rộn, chuẩn bị từ cữ tháng mười. Nào là họp cộng tác viên, nào lo đặt bài, lên ý tưởng… Có tổng biên tập lại chú ý đến cái bìa với câu tuyên bố xanh rờn: Xong bìa là xong báo Tết. Việc làm báo Tết có phần công thức, lối mòn, cách thức đi bài ít có thay đổi.

Cũng có tờ báo, tuy là báo nhỏ, ở địa phương nhưng không bằng lòng với cách làm theo lối mòn, cũng gắng gỏi, đầu tư làm cho được một giai phẩm xuân đúng nghĩa, như một món quà xuân cho bạn đọc. Như tờ báo của một tỉnh miền Trung chẳng hạn. Ấn tượng về sự đổi mới thấy ngay từ trang bìa tờ báo. Thay vì mô típ quen thuộc với cờ đỏ, cánh đồng lúa chín vàng hay công trình hiện đại vươn cao là một bức họa đa diện như một bài thơ về sắc màu, nhìn vào là thấy ngay phong vị miền Trung với gam màu vừa trầm ấm, vừa mới mẻ. Ngay cái bìa cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Trang đầu, thay vì một bài vài nghìn chữ là thư chúc Tết của lãnh đạo tỉnh, với thủ bút của Bí thư Tỉnh ủy. Những bài của “tứ trụ” được thay bằng những bài phân tích sâu sắc, thấu đáo của những chuyên gia về kinh tế, văn hóa. Và nhiều, rất nhiều những bài viết, tư liệu về mảnh đất, con người của tỉnh với những nét văn hóa đậm đà riêng biệt. Một giai phẩm Xuân đích thực, đem lại sự thích thú cho bạn đọc, bạn viết xa gần… được cho là một cách làm mới, tạo ra một nét mới cho báo Tết, báo Xuân. Nhưng làm được như thế không dễ.

Còn mãi báo Xuân

Đã hơn 100 năm kể từ khi số báo Tết đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của tờ Nam Phong ra đời Xuân Mậu Ngọ 1918. Cũng đã chừng ấy thời gian, kể từ khi “Nam Phong số Tết Mậu Ngọ năm 1918” được gửi tới bạn đọc như “một mâm đồ ngọt, gọi là cái quà ăn chơi trong vài ngày Tết: mứt bách quả, bánh ngũ sắc, mỗi thứ một ít… toàn là những thức ngon miệng dễ tiêu vậy. Mong rằng các bạn sẽ vui lòng mà nếm cái quà năm mới này”, như cụ chủ bút Phạm Quỳnh chia sẻ trong thư gửi bạn đọc trên số báo này. Và quả thật với những nội dung mang tính chuyên biệt gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, câu đối, tranh minh họa… tờ báo Xuân đầu tiên của làng báo Việt Nam không chỉ góp một “mâm cỗ Tết”, thêm nét xuân cho mỗi nhà mà còn đặt dấu mốc trong lịch sử báo chí Việt Nam, tạo thêm một phong vị dần trở thành truyền thống cho mùa xuân đất nước.

Dù trải nhiều thăng trầm, báo Xuân, báo Tết vẫn tồn tại, mang lại niềm vui cho người làm báo và bạn đọc dù ít, dù nhiều. Những tờ báo Xuân vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu, món quà đầy ý nghĩa của những người làm báo gửi tới bạn đọc, đặc biệt là các chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo, những người dân vùng sâu, vùng xa. Với ý nghĩa ấy, tin rằng đọc và làm báo Tết vẫn mãi là nét đẹp ngày xuân.

TẠ VIỆT ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xem---nghe---doc/tan-man-chuyen-bao-tet-194091