Tản mạn chuyện xin câu đối của cụ Tam Nguyên

Ông nội tôi bảo, nhân dân cái vùng nước lụt Bình Lục này tự hào về cụ Tam lắm, ai biết chữ thì thuộc câu đối hay thơ ca của cụ, ai không biết chữ thì cũng khao khát có chữ của cụ treo trong nhà. Ma chay, hiếu hỉ, Tết nhất cứ đến cửa nhà cụ xin chữ, trong lòng người ta thấy yên tâm.

Ra đời sau khi cụ Tam Nguyên mất nửa thế kỷ, tôi vẫn được chứng kiến việc xin câu đối Tết của những người nông dân chiêm trũng quê mình. Ngày Tết thời đó, không có câu đối là Tết thiếu đi màu sắc, phong vị Tết, giảm đi tinh thần trọng tri thức, trọng chữ nghĩa của nhân dân. Chỉ bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, chuyện xin câu đối ngày Tết bắt đầu nhạt dần và mất hẳn, để rồi câu chuyện về cho câu đối Tết của cụ Tam Nguyên hay hậu thế của ông chỉ còn trong ký ức, đẹp và buồn như bức tranh thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên.

Xin chữ đầu xuân. Ảnh: TS

Làng tôi cách làng cụ Tam “cái đập làng Và”, vì thế chuyện gì về cụ hầu như ông bà tôi đều biết hết. Ông thầy dạy văn của bố tôi lại chính là người nghiên cứu văn thơ, giai thoại Nguyễn Khuyến, muốn biết gì về Tam Nguyên Yên Đổ, hỏi ông là ra hết. Ông nội tôi bảo, nhân dân cái vùng nước lụt Bình Lục này tự hào về cụ Tam lắm, ai biết chữ thì thuộc câu đối hay thơ ca của cụ, ai không biết chữ thì cũng khao khát có chữ của cụ treo trong nhà. Ma chay, hiếu hỉ, Tết nhất cứ đến cửa nhà cụ xin chữ, trong lòng người ta thấy yên tâm.

Bốn tuổi, tôi thường được ông nội sai mài mực để ông viết câu đối cho bà con dân làng. Ông cũng hay chữ, giỏi chữ Nôm, chữ Hán bởi ông được học hành bài bản, thuộc lòng Tứ thư Ngũ kinh. Vì thế, câu đối ông viết cho người ta ai cũng quý. Bé quá nên tôi chả hiểu gì, chỉ rất thích mài mực, ngắm nhìn nét bút bay trên giấy đỏ. Sau này khi ông nội mất, tôi có dịp gặp gỡ thầy giáo dạy văn của bố tôi nhiều hơn và nghe ông kể về giai thoại Nguyễn Khuyến làm câu đối Tết. Đó là những lần làm ký ức tôi sống dậy những hình ảnh về ông nội, về Tết xưa nghèo mà nhiều phong vị, nhiều háo hức, nhiều ước mơ…

Giọng kể của thầy nhẹ nhàng, truyền cảm lạ thường: “Hăm tám Tết, một người học trò của cụ Tam Nguyên đến thăm, trò chuyện thân mật lắm. Khi cụ hỏi anh ta chuyện sắm Tết thế nào, anh học trò nói chẳng có gì để mà sắm sửa vì nhà bần bạch quá. Đáng lẽ Tết đến, anh phải có lễ để Tết thầy mới phải, nhưng gia cảnh thế, anh chỉ có quả bưởi biếu thầy để bầy ngũ quả. Cụ Tam cảm động, đỡ quả bưởi từ học trò và ngước mắt lên cười: Ta cảm ơn anh cho quà, song ta cũng nghèo chẳng có gì tặng lại. Ta chỉ có ít chữ, anh lấy bút, ta cho đôi câu đối làm quà treo Tết. Cụ đọc:

- Uẩy! Tết đến đó rồi! Chẳng nhẽ giơ cùi cùng tuế nguyệt;

- Kìa! Xuân sang đấy nhỉ! Phen này mở múi với giang sơn!

Đấy! ông cụ lấy cảm hứng từ việc được biếu bưởi, câu đối nói được tình cảnh nghèo khó của cả thầy và trò mà tinh thần vẫn lạc quan, khí khái.

Cũng là câu chuyện về học trò của cụ Tam đến thăm thầy ngày Tết, nhưng anh học trò trong giai thoại này khác anh học trò nghèo kia ở chỗ anh làm việc cho Tây. Vì thế, lễ vật mang đến biếu thầy Tam Nguyên Yên Đổ hậu hĩnh hơn, mang chút phong vị Tây. Anh ta đến, đặt lễ lên sập của thầy, nói những lời trịnh trọng, cố nhắc đến ý có quà biếu. Cụ Tam vờ như không nhìn thấy, giơ tay quờ quờ hai bên phải, trái, để rồi anh học trò phải cầm tay cụ đặt vào chỗ để lễ vật. Bấy giờ cụ Tam mới đọc luôn:

“Hay thật là hay đáo để! Bảo một đàng, quàng một nẻo

Thôi thế thì thôi cũng được! Phi đằng nọ, tắc đằng kia”.

Ý của cụ muốn nói, ta bất lực rồi, ta thua rồi, dạy nó đằng này nó quàng nẻo khác. Trong lòng cụ Tam đau thắt ruột, thắt gan! Sau này, những cái Tết cứ chìm dần trong nỗi buồn, khắc khoải chuyện nhân tình thế thái. Cụ như ông Phỗng đá, giả ngây ngô với đời, không nghe, không thấy, chỉ lặng lẽ cảm nhận nỗi đau nhân thế khắc vào lòng, ngấm vào tâm can.

“Tối Ba mươi, nghe pháo nổ đùng, ờ, ờ… Tết.

Sáng mồng Một, đụng nêu đến cộc, à, à… Xuân”

Hay:

“Tết đến sau nhà thây mẹ Tết

Xuân về trước ngõ mặc cha Xuân”

Những giai thoại cho câu đối của cụ Nguyễn Khuyến là những câu chuyện vui buồn của cuộc sống thôn quê. Ông thầy xứ Nghệ của bố tôi cho rằng, từ những giai thoại này mà người ta đã có thể gặp một Nguyễn Khuyến đôn hậu, cởi mở và hóm hỉnh, chan hòa với bà con thôn quê. Cửa nhà cụ Nguyễn luôn rộng mở, đón nhận mọi niềm vui nỗi sướng khổ của đủ mọi tầng lớp nhân dân. Có người trân trọng đặt cơi trầu thưa với cụ, xin cụ đôi câu đối về treo, cụ cho ngay:

Kiếm một cơi trầu thưa với cụ

Xin đôi câu đối để thờ ông

Phải có một kho tàng ngôn ngữ phong phú, phải có một trí tuệ mẫn tiệp, sắc sảo đến mức độ nào thì mới có sự ứng biến mau lẹ như thế…

Giờ cũng đang sắp Tết. Người người đi sắm Tết tất tả hơn ngày xưa. Tiền có mà chẳng biết mua gì, vì cuộc sống đã quá đủ đầy chăng? Tôi cứ nhìn người ta sắm Tết mà chậm rãi lòng nhớ ông nội, nhớ nếp nhà xưa thấp nhỏ dưới bóng hàng cau. Cứ chiều ba mươi Tết, ông sai anh trai tôi đi chặt cây nêu về dựng ở hiên nhà, ông vẽ mũi tên đuổi tà bằng vôi. Ông chậm rãi vuốt chòm râu bạc nhìn tôi âu yếm “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”… thế đã được chưa! Nguyễn Khuyến chán cảnh quan trường về vườn Bùi chốn cũ, sống một cuộc đời gần gụi với nông dân. Còn ông tôi, miệt mài đèn sách, dự một ngày ứng thí quan trường, nhưng không gặp thời nên lỡ dở. Họ đều là những nhà nho thanh bạch một niềm vui, một nỗi buồn, gắn cuộc đời với những người dân quê chân chất, nghèo khó vùng quê chiêm trũng.

Ở một góc phố quen nơi cha mẹ tôi đang ở, những ông đồ áo the khăn xếp ngồi chờ khách đến mua chữ ngày Tết. Không có mấy ai xin câu đối, mua câu đối và viết câu đối. Cuộc sống trôi chảy quá nhanh, cái gì cũng phải ngắn gọn, dễ hiểu chứ vòng vo, nhiều tầng ý nghĩa không ai thích nên chẳng xin câu đối làm gì. Xin chữ “Nhẫn” để răn mình cần nhẫn nhịn. Xin chữ “Thọ” cho cha mẹ ông bà sống lâu trăm tuổi. Xin chữ “Lộc” cho cuộc sống sinh sôi tiền bạc… Câu đối Tết hôm nay kén người chơi, kén người xin. Cái giá của câu đối không hẳn là tình người, là tinh thần của cuộc sống nữa, nó là tiền, là nhu cầu vật chất của con người mạnh mẽ, lấn át mọi nghĩ suy và chiêm nghiệm cuộc đời.

Giang Nam

Chu Uyên

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/van-hoa/tan-man-chuyen-xin-cau-doi-cua-cu-tam-nguyen-20597.html