Tản mạn Tết Sài Gòn
Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông, với vị trí địa lý là trung tâm của phương Nam, là nơi hội tụ, tổng hòa các giá trị văn hóa Việt Nam ở khắp các vùng miền. Sài Gòn là nơi đi đầu trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa với các quốc gia thuộc khu vực văn hóa phương Đông và cả phương Tây. Chính vì vậy, Tết Sài Gòn có phong vị hỗn hợp với nhiều sắc thái, tạo nên những màu sắc văn hóa đa dạng, rất đặc biệt.
Tết Sài Gòn xưa là cả một thành phố hoa; là sự nhộn nhịp buôn bán ở các khu chợ, trên đường phố; là sự háo hức của trẻ con; là tiếng pháo nổ đì đùng; là những chuyến xe đò đông đúc, tấp nập…
Không khí nhộn nhịp bắt đầu từ những ngày cận Tết, từ 23 tháng Chạp cho đến giao thừa, nhà nhà, người người nô nức đi chợ, mua sắm chuẩn bị cho những ngày Tết. Hòa cùng dòng người nô nức đi sắm Tết, đi chợ Tết là Sài Gòn nhộn nhịp với đường phố tấp nập người và xe; với tiếng trống tùng cắc tùng của những xe ba bánh bán đầu lân, bán mặt nạ ông địa, bán trống nhỏ; với tiếng pháo lẻ nổ đì đùng từ những con phố nhỏ của những cậu bé nghịch ngợm; với những chiếc xe lam bành bạch nhả khói; với những cụ, những mẹ ngồi trên xe xích lô chở đầy dưa hành, củ kiệu, lá, lạt để gói bánh chưng, bánh tét; với mùi vị Tết của xác pháo, của quần áo mới, của mứt Tết, của những nồi bánh chưng, bánh tét được nấu trước cửa nhà… tất cả hòa quyện vào không khí Tết đầy náo nhiệt, nhưng thật ấm cúng của Sài Gòn.
...Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau,
Người ra thăm bến câu chào nói lao xao...
Những ngày giáp Tết, quanh các khu chợ đều dựng rạp bao quanh để bán hàng Tết phục vụ người tiêu dùng. Từ sáng tới tối khuya, luôn dập dìu mua bán. Ngày trước chưa có siêu thị, các chợ thường mùng 2, mùng 3 mới họp chợ, nên trước Tết ai cũng mua thức ăn về dự trữ chất đầy tủ lạnh trong các ngày Tết. Các mặt hàng ở khắp nơi đổ về Sài Gòn tiêu thụ, chủ yếu là quần áo, bánh kẹo, mứt, hạt dưa, đồ khô, trái cây, thịt, rau quả… Dưa hấu đổ đống bán đầy trong các khu chợ, các con đường; quầy hàng bán lạp xưởng, heo quay thơm ngon nức mũi suốt cả một con phố luôn nhộn nhịp trong những ngày giáp Tết. Ngày nay, siêu thị mọc lên như nấm, đáp ứng phục vụ nhu cầu của khách hàng dịp Tết gần như 24/24, cũng đã phần nào làm mất đi không khí nhộn nhịp nô nức sắm Tết của Sài Gòn.
Chợ hoa cũng là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Tết ở Sài Gòn được hình thành từ thời Pháp thuộc. Từ 23 tháng Chạp không khí chợ hoa bắt đầu nhộn nhịp, hoa theo thuyền lên từ khắp các tỉnh miền Tây, Đà Lạt, miền Bắc được tập kết trải dài trên đường Nguyễn Huệ. Vào dịp Tết, chợ hoa Nguyễn Huệ đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Sài Gòn.
Du khách đến chợ hoa không chỉ để mua hoa, mà còn để thưởng lãm những tác phẩm hoa nghệ thuật, chụp ảnh lưu niệm và tận hưởng không khí nhộn nhịp, ấm áp của Sài Gòn mỗi dịp xuân về. Ngày nay, chợ hoa Nguyễn Huệ đã mang một diện mạo mới, trở thành đường hoa Nguyễn Huệ với qui mô hoành tráng hơn, được sân khấu hóa theo chủ đề từng năm. Đối với ký ức người Sài Gòn, chợ hoa Nguyễn Huệ dường như vẫn còn sống mãi với hình ảnh không gian hoa rộng lớn, đông vui với tiếng leng keng của những xe bán cà rem, gần gũi, quen thuộc, mộc mạc, giản dị như chính người Sài Gòn vậy.
Nói đến Tết Sài Gòn không thể không nhắc đến ăn Tết. Ăn Tết ở Sài Gòn là một khám phá lý thú về ẩm thực và về tính cách người Sài Gòn. Người Sài Gòn quan niệm ăn Tết là phải “xả láng” và “chịu chơi”, tạm gác những công việc hàng ngày để đón mừng năm mới, đúng với tính cách phóng khoáng của cư dân phương Nam. “Ăn nhậu” mô tả về những hoạt động vui chơi, giải trí sau những ngày làm việc vất vả, nhọc nhằn; có điều kiện thì nhậu rượu Tây, không có thì vài xị đế, vài con tôm khô hay trái xoài xanh, đĩa củ kiệu là cũng có thể “lai rai” cả buổi.
Sẽ mất đi hương vị của Tết nếu không có bánh chưng, bánh tét, ngày trước 27, 28 Tết, trên đường phố Sài Gòn đi đâu cũng gặp những gia đình nấu bánh chưng, bánh tét, nhìn nồi bánh sôi sùng sục trên bếp lửa ấm áp là đã thấy không khí Tết rồi. Nhớ lúc còn nhỏ, mỗi năm khu tập thể tôi ở nấu bánh chưng góp. Nhà góp gạo, nhà góp đỗ, nhà góp thịt, nhà góp lá, nhà góp công…, trẻ con được giao trách nhiệm trông lửa. Tối 28 Tết, bắt đầu nấu bánh, bên nồi bánh trở thành tiệc ẩm thực với những câu chuyện về cuộc sống, về cố hương, những bài học răn dạy về nhân cách, thỉnh thoảng vài cậu bé nghịch ngợm vứt vài viên pháo chuột vào bếp lửa nổ cái đùng lại bị người lớn mắng cho một trận. Không biết bao giờ mới có lại không khí nhộn nhịp, ấm áp như xưa.
Mứt Tết Sài Gòn cũng rất đa dạng, từ mứt dừa, mứt me, mứt thơm, mứt tắc, mứt gừng, mứt chùm ruột… không ít thì nhiều, hầu như các gia đình đều tự làm mứt, những cô gái má đỏ hồng ngồi bên bếp lửa đảo tay liên tục sên mứt cũng góp phần làm tăng thêm phong vị Tết của Sài Gòn.
Trong mâm cơm cúng ông bà tổ tiên và bữa ăn ngày Tết của người Sài Gòn không thể thiếu bánh tét - tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy, thịt kho hột vịt nước dừa và khổ qua nhồi thịt - tượng trưng cho quan điểm mọi đau khổ của năm cũ qua đi và năm mới tươi sáng, nhiều may mắn. Ngoài ra tùy theo mỗi gia đình còn có thêm các món: lạp xưởng, thịt khìa, tai heo ngâm nước mắm, dưa kiệu, dưa giá, dưa món... Ngày nay, ăn Tết Sài Gòn đã có nhiều biến đổi, giản tiện hơn rất nhiều, ngày Tết cũng không khác ngày thường nhiều.
Tết thường có cặp dưa hấu, bưởi và mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ. Mâm ngũ quả gồm các loại trái cây theo tư duy của người Nam bộ, chú ý đến ý nghĩa nội dung thể hiện của cách phát âm những loại trái cây, cầu, sung, dừa, đủ, xoài; để mâm ngũ quả sinh động màu sắc, người Sài Gòn cũng thêm các loại trái cây khác như quýt (có nghĩa là cát tường, tốt lành), tắc (đắc lợi), thơm (thơm tho). Bưởi cũng là một loại trái cây đặc sản của Nam bộ thường có mặt trên bàn thờ dịp Tết. Dưa hấu ngày trước Tết chất thành từng đống lớn ở hai bên chợ và ven đường, nhà nào cũng chọn một cặp dưa chưng Tết, to nhỏ tùy theo điều kiện gia đình.
Tại các hội chợ, hòa cùng không khí nhộn nhịp, mua sắm tấp nập các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, là sự ồn ào náo nhiệt của những trò chơi dân gian như lô tô, ném vòng, ném lon, ném cổ vịt. Chơi Tết kiểu Sài Gòn xưa không đặt nặng vấn đề ăn thua, điều cốt yếu là tất cả ông bà, cha mẹ, con cái cùng sum họp, vui chơi trong những ngày xuân, đó cũng chính là nét đặc biệt, ăn Tết và chơi Tết “không giống ai” của người Sài Gòn.
Mùng 1 Tết, gần như người Sài Gòn đều dành cho xuất hành đầu năm là viếng thăm lễ chùa, đây là một phong tục đẹp, một kiểu “chơi” xuân mang đậm dấu ấn văn hóa tín ngưỡng, theo truyền thống của dân tộc.
*
* *
TP.Hồ Chí Minh là một thành phố năng động, trung tâm phát triển kinh tế của cả nước, Tết ngày nay đã có sự biến đổi rất nhiều, nhưng trong tâm thức người Sài Gòn, người sống ở Sài Gòn vẫn mang đậm một dấu ấn khó phai về Tết xưa Sài Gòn.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/tan-man-tet-sai-gon_107196.html