Tản mạn về tiếng Việt
Tôi dạy môn Ngữ văn ở một trường THCS. Một số phụ huynh hễ gặp là than thở: 'Cháu nhà dở tiếng Việt lắm cô ơi'. Tất nhiên, hoặc là họ khiêm tốn, hoặc là có thiện ý gửi gắm. Những lúc ấy, tôi chỉ biết cười trừ...
Dạo này, người ta bàn rất nhiều đến câu chuyện dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường. Tôi có đọc một vài ý kiến trên mạng xã hội. Chín người mười ý, nói cho cùng, tất cả cũng chỉ xuất phát từ mối quan tâm và tình yêu tiếng Việt. Nhưng khi đọc tới câu: "Học văn kiểu này để hết nói được tiếng Việt luôn à" thì tôi chạnh lòng quá. Chạnh lòng không phải vì họ nói sai.
Mấy cô cậu học trò bé bỏng của tôi hay thủ thỉ: “Viết một bài văn khó lắm cô ạ, tụi em không biết bắt đầu từ đâu cả nếu không có văn mẫu trong tay”. Tôi lại quen rao giảng, rằng văn mẫu chỉ là một sự gợi mở thôi, không cần nhất nhất nghe theo, rằng phải quên đi những gì đã đọc để viết bằng lời của mình, giọng của mình. Là tôi cứ nói cho được thế chứ chuyện ấy với bọn trẻ có dễ gì.
Trẻ phải đứng cho vững rồi mới tập đi. Nói như vậy tức là tôi luôn quan niệm: Nền tảng là cái quan trọng bậc nhất. Bởi thế, khi dạy môn Ngữ văn, tôi ít khi vội nói về bố cục, các phép liên kết hay những biện pháp tu từ… Tất cả đều vô nghĩa nếu các bạn nhỏ chưa thể viết được một câu đơn giản, đúng ngữ pháp và diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn. Tôi muốn học trò của mình bắt đầu từ một, hai câu văn ngắn gọn mà rõ nghĩa. Như cái cách mà chúng ta tập làm người tử tế vậy, trước mắt chỉ cần mộc mạc mà chân thành. Đừng vội dài dòng, hoa mỹ. Cứ dùng từ, đặt câu cho chính xác rồi mới tính đường xa. Tiếng Việt vốn dĩ sáng trong, chỉ có người dùng mới làm cho tiếng Việt trở nên vòng vèo, nhiêu khê. Chuyện đó, ai cũng dễ mắc phải.
Đồng ý là “Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng” nhưng tiếng Việt cũng như mọi ngôn ngữ khác trên thế giới đều sinh ra để con người hiểu nhau. Và đôi khi, muốn người khác hiểu, mình buộc phải diễn đạt bằng lời. Tôi chủ quan nghĩ rằng ở Việt Nam, các em học sinh cần học cách nói đúng, viết đúng tiếng Việt. Nói cho đúng, viết cho đúng rồi mới tới chuyện nói hay, viết hay!
Trong cảm nhận của mình, tôi thấy một số đề văn bây giờ “lên gân” nhiều quá mà chưa bắt được cái hồn của sự sống để khơi gợi. Tôi khá đồng cảm với ý kiến cho rằng nên dạy các em những câu mà đời thường ai cũng nói và cần phải nói, chứ không phải những câu đời thường không ai nói. Nói sao cho mạch lạc, ý này nối với ý kia một cách sáng rõ. Nói sao cho gần gũi, tự nhiên mà vẫn gợi được những liên tưởng về cuộc sống muôn màu. Tiếng Việt nhờ vậy mới giàu giá trị nhân văn. Muốn thế, đòi hỏi mỗi đứa trẻ phải biết quan sát, biết nhìn, nghe rồi ngẫm nghĩ. Từ chuyện xách nước tưới cây trong vườn nhà đến việc rót nước mời ông bà sau mỗi bữa cơm. Một câu văn thôi cũng toát lên được nét riêng của mỗi đứa trẻ. Khi đọc và ghi điểm, tôi tôn trọng tất cả nên thường không sửa gì nhiều nếu như không cần thiết.
“Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, còn người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”. Câu nói ấy theo tôi suốt cả những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường khi chọn ngành Sư phạm. Đến bây giờ vẫn nghĩ về. Gì chứ môn Văn là phải truyền được cảm hứng. Rất khó nhưng không phải là không thể. Tôi cứ sợ không gợi được chút gì cho các em thì mình chẳng khác nào một con suối đã khô dòng.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/Óng tre ngà và mềm mại như tơ”. Đấy, tiếng Việt của chúng ta mộc mạc mà tinh tế, chân chất mà bay bổng. Rồi văn chương-những gì sáng và đẹp cũng từ đây mà ra. Như những câu thơ này, có gì tô vẽ đâu mà lắng sâu đến thế: “Em yêu nhà em/Hàng xoan trước ngõ/Hoa xao xuyến nở/Như mây từng chùm”…
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12504/202107/tan-man-ve-tieng-viet-5744476/