Tân Nguyên xây dựng xã chuyển đổi số toàn diện

Năm 2023, xã Tân Nguyên được huyện Yên Bình lựa chọn là địa phương đầu tiên triển khai xã chuyển đổi số (CĐS) toàn diện. Để đạt mục tiêu này, xã đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết với 4 nhóm chỉ tiêu và 17 chỉ tiêu cụ thể.

Nhân viên đơn vị Viettel Yên Bình hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại smartphone.

Nhân viên đơn vị Viettel Yên Bình hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại smartphone.

Gần một năm nay, chị Hà Thị Lục ở thôn Khe Hùm, xã Tân Nguyên đã thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt và mở mã quét QR tại cửa hàng của gia đình. Nhận thấy những tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, chị Lục đã tư vấn cho nhiều tiểu thương khác tại chợ trung tâm xã cùng cài đặt và sử dụng.

Chị Lục chia sẻ: "Sử dụng mã quét QR tại cửa hàng rất tiện lợi, mình không phải đọc số tài khoản cho khách hàng nên sẽ không bị nhầm lẫn, không mất thời gian khi khách hàng thanh toán. Vì vậy, mình đã giới thiệu, hỗ trợ cài đặt cho hàng chục tiểu thương để biết và cùng sử dụng ”.

Nhờ những người như chị Lục mà đến nay xã Tân Nguyên đã có 80% số hộ kinh doanh cài đặt và sử dụng mã quét QR.

Năm 2023, xã Tân Nguyên được huyện Yên Bình lựa chọn tiên phong triển khai thực hiện xã CĐS toàn diện. Để đạt mục tiêu đề ra, xã đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết với 4 nhóm chỉ tiêu và 17 chỉ tiêu cụ thể gồm: 4 chỉ tiêu hạ tầng số, 5 chỉ tiêu về chính quyền số, 2 chỉ tiêu về kinh tế số và 6 chỉ tiêu về xã hội số.

Xã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo với 24 thành viên và phân công nhiệm vụ cho các thành viên đồng thời thành lập 1 tổ giúp việc gồm 18 thành viên. Toàn xã có 10 tổ CĐS cộng đồng, trong đó có 1 tổ cấp xã và 9 tổ CĐS số cấp thôn với 61 thành viên.

Kết quả, qua 9 tháng thực hiện, Tân Nguyên đã có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 8 chỉ tiêu đạt, 4 chỉ tiêu đạt trên 80%. Ngay trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia 10/10 và Ngày hội CĐS huyện Yên Bình năm 2023, Tân Nguyên tiếp tục triển khai đợt cao điểm rà soát nhu cầu và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, nhất là các TTHC trực tuyến thông qua mô hình "5 thủ tục, 5 giải quyết tại chỗ” và mô hình "Ngày không hẹn”, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch.

Đặc biệt, mô hình "5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” đã đạt hiệu quả cao. Cụ thể, "5 thủ tục" của mô hình gồm: thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; thủ tục chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản; thủ tục đăng ký kết hôn; thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký khai tử. "5 giải quyết tại chỗ" gồm: tư vấn, hỗ trợ; tiếp nhận; thụ lý; phê duyệt và trả kết quả.

Qua áp dụng mô hình, anh Nông Văn Khánh, thành viên tổ CĐS xã cho biết: "Mô hình "5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của người dân. Đây cũng là bước tiến đáng kể trong cải cách TTHC, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thay vì phải chờ đợi như trước đây, nay chỉ mất 5 - 10 phút người dân đã có thể nhận kết quả. Đây là sự nỗ lực lớn nhằm mang lại sự hài lòng cao nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, để bảo đảm nguyên tắc "5 tại chỗ”, xã Tân Nguyên cũng đã bố trí lực lượng ứng trực, sẵn sàng làm công tác luân chuyển hồ sơ trình lãnh đạo ký, phê duyệt TTHC trong trường hợp toàn bộ lãnh đạo UBND xã không có mặt tại trụ sở vì lý do khách quan. Qua đó giúp giữ vững tỷ lệ 100% hồ sơ hành chính cấp xã được xử lý đúng hạn, nâng cao hơn nữa tỷ lệ hồ sơ được thụ lý giải quyết và trả trước hạn, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trong cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan nhà nước.

Ông Sạch Văn Mùi - Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết, chính quyền đã thường xuyên rà soát nhu cầu giải quyết TTHC của người dân nhằm đề ra những giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công và đẩy mạnh tiến trình CĐS của địa phương.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, đòi hỏi có nguồn lực đầu tư lớn và đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin nhất định. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật CNTT ở Tân Nguyên chưa đồng bộ; tỷ lệ máy tính được trang bị phần mềm diệt virút chưa đảm bảo quy định; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thực hiện gửi hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến còn thấp; việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích chưa cao… là những khó khăn trở ngại trong thực hiện CĐS.

Thời gian tới, Tân Nguyên sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt, nhất là chỉ tiêu xã có tỷ lệ hộ gia đình có máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh; phối hợp với Viettel Yên Bình hỗ trợ điện thoại smartphone cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn...

Sự nỗ lực của xã Tân Nguyên trong thực hiện xã CĐS toàn diện là cơ sở để huyện nhân rộng ra toàn địa bàn, góp phần tích cực để Yên Bình xây dựng huyện CĐS trong năm 2023.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/301798/tan-nguyen-xay-dung-xa-chuyen-doi-so-toan-dien.aspx