Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong dự thảo Luật, quan điểm lớn nhất cần phải quán triệt và khẳng định tần số của tuyến điện là tài sản công quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, có ý nghĩa kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Sáng 18/4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Các nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn. Doanh nghiệp càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần thì có thể xảy ra tình trạng một tổ chức, doanh nghiệp sẽ sở hữu quá nhiều tài nguyên viễn thông/tần số, làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông.
Vì vậy, dự thảo luật cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Quy định này cũng tương tự như quy định của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm thảo luận của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội trong trường hợp cần thiết.
Theo Tờ trình thì chính sách này mới được Bộ Công an đề xuất bổ sung trong quá trình xây dựng luật; tuy nhiên, quan điểm của Bộ Quốc phòng là không đồng ý với chính sách này.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghê và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc sử dụng tần số phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội phải được phân định rõ ràng theo các mục đích sử dụng khác nhau.
Việc sử dụng cùng một tần số, cùng một băng tần phân bổ với hai nhiệm vụ khác nhau là không tách bạch rõ ràng về mục đích, khó kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho từng loại nhiệm vụ và tài chính doanh nghiệp.
Việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích quốc phòng, an ninh được ưu tiên, bảo mật đặc biệt; còn việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội theo cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Do đó, việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích này là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn.
Để có cơ sở cho đề xuất việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội, có ý kiến đề nghị, cần xây dựng những nguyên tắc, yêu cầu cụ thể cho đối tượng sử dụng.
Đồng thời, một số đại biểu cho rằng cần tổng kết kinh nghiệm quốc tế cũng như xây dựng báo cáo đánh giá tác động về chính sách mới này nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả nếu được triển khai trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong dự thảo Luật, quan điểm lớn nhất cần phải quán triệt và khẳng định tần số của tuyến điện là tài sản công quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, có ý nghĩa kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, xã hội số…; phù hợp thông lệ quốc tế.
Đồng tình về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án luật chưa quy định việc phân bổ các khối băng tần, nguyên tắc phân bổ, chủ thể có thẩm quyền thực hiện phân bổ khối băng tần như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu kỹ quy định việc phân bổ các khối băng tần để khắc phục tình trạng đơn vị có năng lực thì lại không được phân bổ hoặc phân bổ ít; đơn vị không có năng lực lại sở hữu nhiều.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng phải tính toán quy định hạn mức băng tần, tức là tổng độ rộng băng tần mà một doanh nghiệp được sử dụng theo tỷ lệ được xác định trên cơ sở quy mô của doanh nghiệp; để bảo đảm công bằng, minh bạch, công khai và thúc đẩy cạnh tranh để nâng cao năng lực và chất lượng cũng như khắc phục tình trạng tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên xã hội của đất nước, của quốc gia.