Tấn thảm kịch khủng bố và những diễn tiến đẩy Mỹ vào chiến tranh
Trong sáng 11/9/2001, các nhân vật chóp bu của Nhà Trắng đều không có mặt tại cơ quan.
Khi đó, Phó Tổng thống Dick Cheney và Cố vấn An ninh quốc gia Condoleezza Rice ngồi ở sảnh Tây Nhà Trắng. Ngoại trưởng Collin Powel đang có chuyến viếng thăm Peru. Giám đốc CIA Tenet đang dùng bữa sáng tại khách sạn St. Regis, cách Nhà Trắng 3 khối nhà. Bản thân Tổng thống G. Bush thăm một trường tiểu học ở Sarasota, bang Florida.
Lúc 8 giờ 30 phút, chiếc máy bay Boeing 767 thực hiện chuyến bay 11 của hãng American Airlines đâm vào tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới. Nhận được tin báo từ Cố vấn trưởng Karl Rove, Bush cho rằng đó chỉ là tai nạn do loại máy bay nhỏ có hai động cơ gây ra. “Ngưới lái máy bay chắc bị đau tim”, Bush đoán.
Tuy nhiên, đến 9 giờ 5 phút, lúc Bush đang ngồi trong lớp học thì Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew Card bước vào thì thầm: “Chiếc máy bay thứ hai (chiếc Boeing 767, chuyến bay 175 của United Airliness) đã đâm vào tòa tháp thứ hai. Nước Mỹ bị tấn công”.
Sau này Bush nhớ lại: “Chúng (Al Qaeda) đã tuyên chiến với chúng tôi, và lúc ấy tôi đã quyết định là chúng tôi sẽ bước vào chiến tranh”.
Lúc 9 giờ 30 phút, Ngoại trưởng Powell ra máy bay trở về Mỹ. Cùng lúc, Tenet kết thúc bữa ăn sáng; “Bin Laden, không ai khác ngoài Bin Laden”, ông lẩm bẩm. Đúng là CIA đã tiên đoán một vụ việc đại loại như thế, nhưng lại không chắc chủ mưu là ai, xảy ra ở đâu và vào lúc nào.
Trước đó, tại Nhà Trắng, Dick Cheney được cảnh vệ đưa xuống hầm ngầm. Tại đây, 9 giờ 32 phút, ông ta liên lạc với Bush.
9 giờ 39 phút, chiếc Boeing 757 - chuyến bay 77 của American Airlines, trước đó hình như định bay về hướng Nhà Trắng, nay cắt ngang sông Potomac rồi đâm vào Lầu Năm Góc.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Mineta thét vào bộ đàm: “Bắt tất cả máy bay hạ cánh!”. Nước Mỹ chưa bao giờ nghe thấy một mệnh lệnh tương tự. Lúc đó, có 4.546 máy bay trên vùng trời nước Mỹ.
10 giờ 32 phút, Cheney gọi cho Bush đang trên chiếc chuyên cơ Air Force One trên đường về từ Florida. Cheney đề nghị Bush chưa vội về Washington, cho rằng bọn khủng bố có ý đồ sát hại Ban lãnh đạo Mỹ. Bush giận dữ: “Chúng ta sẽ tìm ra kẻ đó là ai và sẽ tiêu diệt chúng”. Tuy nhiên, ông ta cũng đồng tình với đề xuất của Cheney và ra lệnh chuyển hướng bay về sân bay quân sự Barksdale ở Louisiana. Nhà Trắng ra thông báo là Tổng thống Mỹ đang ở một địa điểm không xác định.
12 giờ 15 phút, trên vùng trời nước Mỹ không còn một chiếc máy bay dân sự nào.
Hai mươi phút sau, Bush xuất hiện trước các phóng viên báo chí. 13 giờ 30 phút, Bush rời Louisiana bay đến căn cứ quân sự Offurt, bang Nebraska. Tại đây, lúc 15 giờ 30 phút, ông triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia – nhiều thành viên phải dự họp qua màn hình video. Giám đốc CIA Tenet khẳng định thủ phạm là tổ chức khủng bố Al Qaeda của Bin Laden. Bush tuyên bố: “Nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tìm ra chúng và tóm cổ chúng”.
Sau phiên họp, Bush quyết định quay về Washington, bất chấp nỗi lo của CIA - ông muốn làm yên lòng người Mỹ.
Quá 18 giờ 30 một chút, Bush về đến Nhà Trắng. Ông vào ngay căn phòng nhỏ bên cạnh Phòng bầu dục. Tại đây, Rice, Fleisher, Hughes, Card… đã chờ sẵn. Họ cùng nhau trao đổi về bài phát biểu của Bush trước dân chúng Mỹ, thực chất là lời cam kết của Washington tiến hành cuộc chiến chống khủng bố “trên quy mô rộng, có thể kéo dài”. Bài phát biểu được soạn thảo mà không có sự tham vấn của nhiều trợ thủ của Bush, kể cả Cheney và Powell.
21 giờ, bắt đầu phiên họp toàn thể Hội đồng An ninh quốc gia. Tiếp sau đó là cuộc họp của Bush với những cố vấn thân cận nhất. Tại đây, đã hình thành bộ máy mà sau này người ta gọi là “Nội các chiến tranh” của Bush.
Đêm khuya, Bush ghi vào nhật kí: “Hôm nay đã xảy ra trận Trân Châu Cảng của thế kỉ 21. Thủ phạm chắc chắn là Osama Bin Laden”.
Ngày 12/9 được Tổng thống Bush bắt đầu bằng cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Tony Blair. Blair bày tỏ sự thông cảm và hứa hẹn sẽ hoàn toàn ủng hộ Mỹ trong cuộc đối đầu với Bin Laden.
8 giờ, Tenet báo cáo Bush về những thông tin có được, khẳng định mối liên hệ giữa Al Qaeda và vụ tấn công – vốn được chuẩn bị và lập kế hoạch từ trước 2 năm.
Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia bắt đầu vào lúc 9 giờ 30 phút, Bush bắt đầu động thái “tập hợp thế giới xung quanh nước Mỹ”. Suốt mất giờ đồng hồ, ông ta trao đổi ý kiến với nguyên thủ các nước lớn: “Nếu phải hành động một mình thì chúng tôi cũng làm, nhưng có thêm ai đó thì tốt hơn”.
16 giờ 30, Hội đồng An ninh quốc gia lại họp, và bắt đầu có những ý kiến khác nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld đề xuất “tiêu diệt khủng bố trong phạm vi lớn hơn tổ chức Al Qaeda”, và “tại sao không tấn công luôn Iraq?”. Powell cho rằng Mỹ chỉ nên tập trung vào Al Qaeda. Cheney nhấn mạnh sự ủng hộ quốc tế, rằng liên minh chống khủng bố phải là một công cụ để tiêu diệt khủng bố.
Bush tỏ ra sốt ruột, tuy nhiên, lúc ấy bỗng nhiên ông nhớ đến “những vấn đề của nước Mỹ tại Việt Nam mấy chục năm trước”, rằng “có lẽ phải nghĩ ra một cách khác để chống khủng bố”. Ông quyết định dừng cuộc họp.
Cuối ngày, một ý tưởng có vẻ như đã định hình: Đó sẽ là một cuộc chiến tranh tổng thể, huy động mọi tiềm lực quốc gia chứ không chỉ sức mạnh quân sự; cần thành lập một liên minh chống khủng bố, nhưng liên minh này không có quyền quyết định cách thức tiến hành chiến tranh; mục tiêu là các tổ chức khủng bố và các nước bị Mỹ coi là “khủng bố”, nhưng bước đầu là tiêu diệt Al Qaeda, trước hết ở Afghanistan.
Sáng 13/9, “Nội các chiến tranh” họp. Tenet trình bày kế hoạch chống Bin Laden và Taliban, thực ra đã được CIA chuẩn bị từ trước vụ tấn công. Sau đó Hội đồng An ninh quốc gia lại họp. Bush tuyên bố chấp thuận kế hoạch của CIA, cũng như đề nghị của cơ quan này về việc hỗ trợ tài chính, quân sự cho Liên minh Phương Bắc và phong tỏa mọi nguồn tài chính của Al Qaeda. Bộ trưởng Ngoại giao Powell cho biết Pakistan đã chấp thuận mọi điều kiện của Mỹ.
Tuy nhiên, Hội nghị vẫn chưa đưa ra được một chiến lược tổng thể, chưa giải quyết được gốc gác của vấn đề. Bush đề nghị các cố vấn đưa vợ hoặc chồng đến khu nghỉ cuối tuần Camp David để có nhiều thời gian suy nghĩ, bàn bạc mọi việc kĩ càng hơn.
Trong khi các cố vấn “suy nghĩ”, Bush đến New York thăm gia đình các nạn nhân, đi lễ nhà thờ.. trước khi bay về Camp David vào lúc gần nửa đêm. Cheney, Rice, Powell, Rumsfeld... – những người đã đến đó trước bằng ôtô thì trao đổi tình hình với nhau trong một bữa ăn tối nhẹ nhàng. Càng bàn luận, họ càng ý thức được rằng cuộc chiến tranh mà Mỹ sắp bước vào sẽ rất khó khăn, phức tạp, và nếu thất bại thì lại càng tai hại.
Ngày 15/9. Thứ Bảy. Mở đầu cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia là bài trình bày của Powell, nói về việc thiết lập liên minh quốc tế. Tiếp đó, Bộ trưởng Tài chính Paul O báo cáo việc phong tỏa tài chính của Al Qaeda. Giám đốc CIA với chiếc cặp đựng đầy tài liệu, đưa ra 2 kế hoạch: Tiêu diệt Al Qaeda tại nơi ẩn náu Afghanistan; và tấn công khủng bố trên toàn thế giới, ở cỡ khoảng 80 quốc gia. Bush tán thưởng “Làm được đấy”! Rumsfeld vẫn tiếp tục với chủ đề Iraq song đã bớt say sưa. Thay vào đó, người phó Wolfowitz của ông ta lại quá hăng, đến mức, Bush phải yêu cầu “chỉ một người phát biểu nhân danh Lầu Năm góc”. Cheney phát biểu cuối cùng, dài nhất, tổng quát nhất, rằng nước Mỹ phải sử dụng mọi nguồn lực trong cuộc chiến này; tuy nhiên, bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp để tấn công Iraq…
Như vậy, có đến 4 trong 5 cố vấn cao cấp nhất của Bush phản đối tấn công Iraq vào thời điểm đó. Bush cám ơn từng người, và nói sẽ suy nghĩ rồi đưa ra quyết định cuối cùng sau. Mọi người rời Camp David.
Hai ngày 18 và 19/9, các nhóm công tác làm việc cật lực để soạn thảo cho Bush bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Mãi cuối ngày 19/9, Bush mới hài lòng. Đêm hôm ấy, ông cùng các cố vấn thân cận cẩn thận rà soát bài phát biểu một lần nữa.
Ngày hôm sau, 20/9/2001, hơn 80 triệu người Mỹ theo dõi lời phát biểu của Bush trực tiếp trên truyền hình. Nước Mỹ chính thức tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố trên khắp thế giới, và đây chính là cốt lõi của cái gọi là “Học thuyết Bush” được Washington tiến hành ráo riết trong nhiều năm sau.