Tán thành chủ trương giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản nhất trí cơ chế đặc thù và chấp thuận chủ trương đầu tư, giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.
Sáng 20/5, trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ủy ban cơ bản tán thành cơ chế đặc thù về việc giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) không thông qua đấu thầu.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, UBPLTP tán thành với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển NOXH; tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NOXH.
Đồng thời có cơ chế, chính sách ưu đãi về NOXH để góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân. Trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Media Quốc hội).
Về nội dung cụ thể của quy định này, theo UBPLTP, quy định tại khoản 1 Điều 5 gây ra cách hiểu sẽ áp dụng với cả dự án đầu tư công (quyết định chủ trương đầu tư) và dự án không sử dụng vốn đầu tư công (chấp thuận chủ trương đầu tư).
Tuy nhiên, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư và nội dung đánh giá chính sách về vấn đề này tại Tờ trình của Chính phủ chỉ gắn với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát để quy định chính sách đặc thù này phù hợp với nguồn vốn đầu tư.
Về việc quy định 2 loại hình nhà ở xã hội và nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, theo ông Tùng, ủy ban đề nghị rà soát và chỉnh lý toàn bộ đối tượng về nhà ở áp dụng bảo đảm chính xác, thống nhất, minh bạch, chặt chẽ, tránh vướng mắc trong áp dụng pháp luật.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát để quy định điều kiện giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đầy đủ, bao quát hơn; bổ sung làm rõ thêm các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm công bằng, chặt chẽ, khách quan.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà cho lực lượng vũ trang nhân dân sau khi được UBND tỉnh thống nhất bằng văn bản danh mục dự án, vị trí khu đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng này.
Về thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư thay thế thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật có liên quan.
Đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo ông Minh, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 597.152 căn, trong đó có 103 dự án dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 140 dự án dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 124.352 căn; 414 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 406.045 căn.
“Như vậy, với số lượng 66.755 căn hộ hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Bên cạnh đó, để đảm bảo phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội về cơ bản đã được các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành tương đối đầy đủ, có nhiều đổi mới và đồng bộ với các pháp luật có liên quan”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết.

Chính phủ đề xuất phải thành lập quỹ nhà ở quốc gia. (Ảnh minh họa).
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng như đã nêu trên nhưng việc phát triển NOXH vẫn còn tồn tại, hạn chế. Việt Nam chưa có Quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững.
Do đó trong dự thảo, Chính phủ đề xuất cụ thể nhiều cơ chế chính sách để tạo hành lang pháp lý, cơ chế phát triển nhà ở xã hội. Đáng chú ý như, để có nguồn vốn dài hạn, bền vững cho phát triển NOXH, cần thiết phải thành lập “Quỹ Nhà ở quốc gia” để thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NOXH theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Cán bộ đi làm ở tỉnh mới cách nhà từ 30km được xem xét mua NOXH
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, hiện nay với các địa phương có địa giới hành chính mở rộng sau sáp nhập, việc áp dụng quy định về điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Luật Nhà ở năm 2023 không còn phù hợp.
"Sau sắp xếp, một số đối tượng trước đây đáp ứng đủ điều kiện “chưa có nhà ở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án” lại không đủ điều kiện được hưởng chính sách NOXH do thuộc trường hợp được xem là “có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án”, ông Minh nêu rõ.
Bởi vậy, Chính phủ đề xuất điều kiện để mua hoặc thuê NOXH bao gồm các đối tượng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, chưa có nhà thuộc sở hữu của mình. Trường hợp đã có nhà thuộc sở hữu thì khoảng cách đến địa điểm làm việc phải từ 30km trở lên.
Ngoài ra, chính sách về giá bán/thuê nhà ở xã hội trong dự thảo nghị quyết cũng đáng chú ý. Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư xây dựng phương án giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội bảo đảm nguyên tắc quy định (đáp ứng tỷ lệ lợi nhuận cứng theo quy định) và trình cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết việc thẩm định giá nhà ở xã hội gặp khó khăn do chưa xác định chính xác các chi phí: đầu tư xây dựng nhà ở và hạ tầng (nếu có); tổ chức bán hàng; quản lý doanh nghiệp.
Các chi phí này chỉ rõ ràng sau khi hoàn thành dự án, nên khi thẩm định (thời điểm nhà đủ điều kiện bán), chỉ là dự toán, gây khó khăn cho việc xác định giá chính xác và lợi nhuận nhà đầu tư (10% tổng vốn).
Thực tế hiện nay, địa phương thẩm định giá NOXH hai lần: lần 1 tạm tính khi chủ đầu tư gửi hồ sơ; lần 2 sau khi dự án hoàn thành, căn cứ kết quả kiểm toán quyết toán. Giá bán/thuê mua nhà ở xã hội không được vượt quá giá thẩm định lần 1; nếu thấp hơn, chủ đầu tư phải hoàn trả chênh lệch hoặc điều chỉnh hợp đồng.
Việc này dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định; gây khó khăn cho chủ đầu tư do phải thực hiện thẩm định giá 2 lần, chủ đầu tư không chủ động được phương án kinh doanh, dòng tiền của dự án và gây áp lực lên cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định giá NOXH của địa phương.
Từ đó dự thảo nghị quyết đề xuất căn cứ phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua NOXH và lợi nhuận định mức theo quy định của pháp luật về nhà ở, chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua NOXH.