Tân Thủ tướng Anh và những cú 'quay xe'
Bà Liz Truss ngày 6/9 trở thành thủ tướng Anh sau cuộc gặp với Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong lâu đài Balmoral ở Scotland. Quan điểm, lập trường của bà Truss về nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thay đổi theo thời gian.
Quan điểm chính trị
Bà Liz Truss từng là một người cấp tiến kêu gọi xóa bỏ chế độ quân chủ rồi trở thành người cầm cờ của cánh hữu hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ. Bà sinh năm 1975 trong một gia đình mà bản thân bà mô tả là “cánh tả Lao động”, đảng cánh tả chính của Anh. Bà lớn lên ở các vùng của Vương quốc Anh vốn không bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ, di chuyển giữa Scotland và miền bắc nước Anh.
Trái ngược với các đồng nghiệp nội các từng học trường tư, bà Truss theo học một trường công lập ở thành phố Leeds thuộc vùng Yorkshire, sau đó giành được một suất vào Đại học Oxford. Trong trường, bà là thành viên tích cực của đảng Dân chủ Tự do, một đảng đối lập trung dung từ lâu là đối thủ nặng ký của đảng Bảo thủ ở nhiều vùng của nước Anh.
Trong thời gian là đảng viên đảng Dân chủ Tự do, bà Truss ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa và bãi bỏ gia đình hoàng gia. Bà Truss cho biết bà gia nhập đảng Bảo thủ năm 1996, chỉ hai năm sau khi bà có bài phát biểu tại hội nghị của đảng Dân chủ Tự do kêu gọi chấm dứt chế độ quân chủ. Từ khi gia nhập đảng Bảo thủ và trở thành nghị sĩ, bà Truss nhiệt thành ủng hộ hầu hết mọi hệ tư tưởng. Bà đã trung thành phục vụ dưới thời ba thủ tướng với một số vị trí khác nhau, gần đây nhất là ngoại trưởng.
Trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, bà Truss ủng hộ việc Anh tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU). Vào thời điểm đó, bà Truss viết trên Twitter rằng, bà ủng hộ những người muốn ở lại khối vì “đó là lợi ích kinh tế của Anh và có nghĩa là chúng tôi có thể tập trung vào cải cách kinh tế và xã hội trong nước”. Sau đó, bà ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit), nói rằng những lo ngại của bà trước đây về Brexit là sai lầm. Gần đây, tinh thần ủng hộ Brexit của bà còn thể hiện qua việc bà từ chối gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là đồng minh.
Bà Truss được mô tả là có lập trường chính sách đối ngoại “diều hâu” đối với Trung Quốc và Nga, đồng thời kêu gọi Anh giảm sự phụ thuộc kinh tế vào hai nước này. Bà đã ủng hộ một số biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế do Chính phủ Anh áp đặt đối với Trung Quốc, bao gồm việc cấm Đại sứ Trung Quốc tại Anh Trịnh Trạch Quang vào Nghị viện Anh, để phản ứng việc Bắc Kinh đối xử với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Bà Truss cáo buộc Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, đối thủ của bà trong cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ, rằng ông Sunak “tìm kiếm các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn” với Trung Quốc. Hồi tháng 8, bà Truss nói sẽ ủng hộ việc xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ và các cơ sở điện hạt nhân lớn. Với tư cách ngoại trưởng, bà Truss đã cảnh báo chống lại sự tham gia của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Anh, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân.
Những việc “khó nhằn”
Ngày 6/9, ông Boris Johnson chính thức rời ghế thủ tướng Anh, kết thúc 3 năm sóng gió và để lại danh sách dài những việc “khó nhằn” cho người kế nhiệm Liz Truss. Sau bài phát biểu chia tay bên ngoài Phố Downing, ông rời London để đến Scotland và đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elizabeth II. Bà Truss cũng đến Scotland và nhận chỉ thị từ Nữ hoàng Elizabeth II về thành lập chính phủ mới. Sau đó, bà Truss có bài phát biểu trước cả nước và bắt đầu bổ nhiệm các bộ trưởng.
Tân thủ tướng 47 tuổi sẽ phải đảm đương nhiệm vụ đưa nước Anh vượt qua nguy cơ suy thoái kéo dài và cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh lên cuộc sống và hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Kế hoạch của bà Truss về thúc đẩy kinh tế thông qua cắt giảm thuế, bơm hàng chục tỷ bảng Anh để khống chế giá nhiên liệu đã gây tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính, khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ Anh.
“Điều tôi muốn nói với các đồng nghiệp trong đảng Bảo thủ là đã đến lúc bỏ lại chính trị. Đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết sau bà Liz Truss cùng nhóm của bà và chương trình của bà ấy”, ông Johnson nói trước khi rời nhiệm sở. Bình Giang (theo Reuters)
Bà Truss từng tuyên bố rằng Anh và Thổ Nhĩ Kỳ là “các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quan trọng của châu Âu” và kêu gọi làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Anh và Thổ Nhĩ Kỳ về “năng lượng, quốc phòng và an ninh”.
Nguy cơ suy thoái kinh tế
Gần đây, bà Truss vận động để đi đầu trong các chương trình nghị sự bảo thủ nhất. Hôm 5/9, một ngày trước khi chính thức trở thành thủ tướng, bà cam kết cắt giảm thuế, không áp dụng các quy định của EU và khuyến khích tăng trưởng khu vực tư nhân với mức thuế doanh nghiệp thấp. Bà cho biết sẽ không áp thuế bạo lợi (thuế đánh trên những số tiền lớn kiếm được bất ngờ) đối với các công ty năng lượng dù họ đã thu về lợi nhuận khổng lồ trong thời kỳ khủng hoảng giá sinh hoạt và năng lượng hiện nay. Những loại chính sách này sẽ kích thích các thành viên đảng Bảo thủ, những người cuối cùng đã bỏ phiếu cho bà.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng việc cắt giảm thuế mà bà Truss cam kết sẽ dẫn đến tăng lạm phát và tăng lãi suất trong bối cảnh đã có dự báo về suy thoái kinh tế. Việc bà Truss cam kết cắt giảm lương của khu vực công, được cho là tiết kiệm cho dân chúng 8,8 tỷ USD, cũng khiến những người làm trong khu vực công “nóng mặt”.
Thủ tướng Truss sẽ gặp khó khăn trong việc thống nhất đảng của bà, đảng đã nắm quyền 12 năm và bị chia rẽ gay gắt vì Brexit trong 6 năm. Bà cũng sẽ phải dẫn dắt đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm, hóa đơn năng lượng được ấn định sẽ tăng thêm hàng trăm, có thể hàng nghìn bảng Anh mỗi năm.
Có đến 60% người Anh muốn có tổng tuyển cử ngay trong năm nay, thay vì phải đợi 2 năm nữa để nhiệm kỳ nghị viện hiện nay kết thúc, theo kết quả khảo sát của hãng Savanta Comres. Khảo sát được thực hiện trước khi bà Liz Truss chính thức được công bố là lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ.
Tháng Bảy, lạm phát đã tăng trên 10% lần đầu tiên trong 40 năm, phần lớn là do chi phí năng lượng, thực phẩm và nhiên liệu tăng. Theo Ngân hàng Trung ương Anh, lạm phát sẽ tăng lên 13% vào cuối năm nay. Ngân hàng trung ương cũng dự đoán Vương quốc Anh sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trước khi năm 2022 kết thúc.
Bà Truss được biết đến với quan điểm tự do kinh tế và ủng hộ thương mại tự do. Bà thành lập Nhóm Doanh nghiệp Tự do của các nghị sĩ Bảo thủ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tan-thu-tuong-anh-va-nhung-cu-quay-xe-post1467530.tpo