Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Cuộc đua Trump – Harris hứa hẹn nhiều bất ngờ lịch sử

Khoảng cách quá sít sao giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris trong cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều bất ngờ lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.

Dù ai chiến thắng vẫn sẽ tạo dấu ấn đầu tiên trong lịch sử

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 không chỉ có ý nghĩa then chốt trong sự nghiệp chính trị của ông Trump và bà Harris mà còn ghi nhận thời điểm một trong hai ứng viên tạo ra dấu ấn lịch sử trong bầu cử Mỹ.

Cụ thể, nếu bà Harris đánh bại ông Trump, nước Mỹ sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên. Đặc biệt hơn nữa, bà Harris còn là một phụ nữ da màu gốc Á đầu tiên làm được điều này.

Ông Trump và bà Harris đều mạnh tay chi tiền cho các quảng cáo trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ (Ảnh: SkyNews)

Ông Trump và bà Harris đều mạnh tay chi tiền cho các quảng cáo trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ (Ảnh: SkyNews)

Cho đến nay, người tiến sát nhất đến mục tiêu trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là bà Hillary Clinton khi được đề cử làm ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ nhưng thất bại trước ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Trong khi đó, nếu ông Trump tái cử, nước Mỹ sẽ lần đầu tiên có một Tổng thống bị luận tội nhưng vẫn thành công quay lại Nhà Trắng.

Đáng chú ý, trong lịch sử Mỹ chỉ có 3 Tổng thống bị luận tội là Andrew Johnson năm 1968, Bill Clinton năm 1998 và Donald Trump năm 2019 và 2021. Cả 3 đều được Thượng viện tha bổng và tiếp tục làm việc đến hết nhiệm kỳ Tổng thống.

Hai ứng viên hòa phiếu đại cử tri

Như đã đề cập ở trên, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay là vô cùng sít sao và các cuộc thăm dò cho thấy cả ông Trump và bà Harris đều bám đuổi sát nút ở các bang chiến trường.

Điều này khiến cho kịch bản 2 ứng viên hòa phiếu đại cử tri dù vô cùng hiếm gặp trong lịch sử bầu cử Mỹ hoàn toàn có thể xảy ra.

Tỷ lệ ủng hộ sít sao giành cho 2 ứng viên khiến khả năng họ hòa phiếu đại cử tri rất có thể sẽ xảy ra (Ảnh: PBS News).

Tỷ lệ ủng hộ sít sao giành cho 2 ứng viên khiến khả năng họ hòa phiếu đại cử tri rất có thể sẽ xảy ra (Ảnh: PBS News).

Trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, chỉ có 2 cuộc bầu cử vào năm 1800 và 1824 chứng kiến việc không ứng viên nào dành được đủ phiếu đại cử tri để chính thức trở thành Tổng thống mà phải đợi quyết định từ Hạ viện.

Tại thời điểm đó, Hạ viện Mỹ quyết định người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1800 là Thomas Jefferson và năm 1824 là James Monroe.

Theo quy định hiện hành, một ứng cử viên tổng thống cần giành được 270/538 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng. Kết quả hòa phiếu đại cử tri sẽ xảy ra nếu mỗi ứng viên chỉ giành được 269 phiếu đại cử tri.

Song, các nhà phân tích nhận định, điều này vô cùng khó xảy ra bởi nó phải đáp ứng cùng lúc quá nhiều điều kiện như bà Harris phải giành được 226 phiếu đại cử tri ở các bang Dân chủ và giành thắng lợi ở các bang chiến trường như Bắc Carolina, Georgia và Arizona. Trong khi đó ông Trump phải giành được 219 phiếu đại cử tri ở các bang Cộng hòa và giành thắng lợi ở các bang chiến trường như Michigan, Pennsylvania, Wisconsin và Nevada.

Nếu ông Trump và bà Harris "bất phân thắng bại" ở phiếu đại cử tri, cuộc bầu cử khi đó sẽ được chuyển sang Hạ viện. Tại đây, mỗi thành viên sẽ có một phiếu bầu. Lợi thế lúc này hoàn toàn nằm trong tay ông Trump khi đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện với chênh lệch 220 - 212 so với đảng Dân chủ.

Bên thứ 3 tác động đến kết quả bầu cử

Thông thường các ứng viên thuộc đảng phái nhỏ hoặc ứng viên độc lập không gây ảnh hưởng nhiều đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Song tình hình có thể thay đổi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 khi khoảng cách giữa ông Trump và bà Harris đang rất sít sao và chỉ một tác động nhỏ có thể thay đổi hoàn toàn cục diện.

Ông Robert F. Kennedy được coi là nhân tố có thể gây bất ngờ cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay theo hướng có lợi cho ông Trump (Ảnh: AP).

Ông Robert F. Kennedy được coi là nhân tố có thể gây bất ngờ cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay theo hướng có lợi cho ông Trump (Ảnh: AP).

Nhân vật bên thứ 3 được quan tâm nhiều nhất hiện nay chính là ứng viên độc lập Robert F. Kennedy. Được biết, ông Kennedy đã dừng tranh cử và quay sang ủng hộ ông Trump. Ông cũng đã gỡ tên mình khỏi danh sách bầu cử ở một số bang chiến trường như Arizona, Georgia, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của ông Trump.

Song, tên của ông Kennedy vẫn xuất hiện tại hai bang chiến trường Michigan và Wisconsin. Trong trường hợp kết quả bỏ phiếu có lợi cho ông Kennedy, dù khả năng này rất thấp, sẽ tác động đến số phiếu của hai ứng viên Trump và Harris và tác động tới cục diện cuộc bầu cử.

Những đại cử tri "đổi màu"

Lịch sử bầu cử Mỹ đã chứng kiến nhiều trường hợp một đại cử tri Màu Xanh (ám chỉ đảng Dân chủ) nhưng lại đổi màu bỏ phiếu cho ứng viên Màu Đỏ (ám chỉ đảng Cộng hòa) và ngược lại.

Điều này khiến cho kết quả bầu cử bị đảo ngược và mang đến những lợi thế vô cùng lớn cho đối thủ.

Chính vì thế, trong đợt bầu cử Tổng thống năm 2024, có tới 33 bang yêu cầu đại cử tri bắt buộc phải bỏ phiếu cho người giành chiến thắng ở tiểu bang. 17 tiểu bang cho phép đại cử tri đổi kết quả nhưng sẽ phải chấp nhận hình phạt. Chỉ có 3 bang là Georgia và Michigan công nhận kết quả phiếu bầu của các cử tri "đổi màu".

Trang web của Tòa án Tối cao Mỹ ghi nhận 35 đại cử tri "đổi màu", trong đó có tới 10 trường hợp xảy ra năm 2016 với 2 đại cử tri Cộng hòa và 8 đại cử tri Dân chủ.

Dù sự thay đổi của họ không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống nhưng không có gì đảm bảo điều tương tự sẽ xảy ra trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bau-cu-tong-thong-my-2024-cuoc-dua-trump-harris-hua-hen-nhieu-bat-ngo-lich-su-192241103092721113.htm